Tâm điểm
Lang Minh

Lắp camera: Giải pháp cho mọi vấn đề trong trường học?

Khi thực hành kỹ năng tranh biện, đề bài kinh điển tôi thường giao cho học viên là: Có nên cấm việc đặt camera giám sát trong lớp học không? Học viên rất hào hứng với chủ đề, phe ủng hộ ngang ngửa với phe phản đối cả về chất lẫn lượng. Tổng kết cuối thường là:

Phe ủng hộ cho rằng camera giám sát cung cấp bằng chứng hữu hiệu cho nạn bạo hành học đường (cùng một số tệ nạn khác như ăn cắp vặt, nói tục), từ đó giảm thiểu đáng kể hiện tượng này. Thêm nữa, camera giúp giám hiệu và phụ huynh có thể hỗ trợ giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua việc góp ý sau giờ dạy.

Phe phản đối nhấn mạnh việc vi phạm quyền riêng tư về hình ảnh của cả thầy và trò khi bị quay 100% thời gian dạy và học (việc này đặc biệt nghiêm trọng khi tin tặc có thể ăn cắp rồi bán dữ liệu video). Phức tạp hơn, camera làm giảm sự tin tưởng lẫn nhau giữa thầy - trò, giám hiệu - giáo viên, phụ huynh - nhà trường tất cả luôn trong tình trạng theo dõi lẫn nhau liên tục.

Lắp camera: Giải pháp cho mọi vấn đề trong trường học? - 1

Một ngôi trường nội trú ở miền núi Quảng Ngãi lắp camera nhằm mục đích bảo vệ học sinh tốt hơn vào ban đêm (Ảnh minh họa: Quốc Triều).

Cuộc tranh biện này không chỉ là một buổi diễn tập về phân tích chính sách của sinh viên, trong đời thực nó còn là vấn đề dai dẳng khi nhiều bang tại Hoa Kỳ vẫn đang tranh cãi việc chính phủ có được phép và được huy động tiền thuế để lắp camera giám sát hay không, trong bối cảnh số vụ xả súng trong trường học hay phân biệt chủng tộc công khai/bán công khai gia tăng.

Tại Việt Nam gần đây, một biến thể mới của vấn đề này là mà tôi quan sát được là "camera hóa giáo dục" khi mà có bất kỳ sự vụ nào xảy ra tại trường thì quay camera là phương án đầu tiên được nghĩ tới.

Điển hình là tháng 5/2022, một phụ huynh tại một trường quốc tế đã chủ động quay livestream buổi trao đổi riêng với Ban giám hiệu về việc con mình bị bạn đánh trong khuôn viên nhà trường. Trong video, câu liên tục được chen vào là "Có bao nhiêu người đang xem livestream" như thể chị đối thoại với công chúng hơn là nhà trường.

Gần đây, sau một số bê bối về bớt xén bữa ăn trưa của học sinh, cơ quan chức năng (Sở Giáo dục & Đào tạo Lào Cai, UBND quận 9 TPHCM) đã yêu cầu nhà trường phối hợp với phụ huynh lắp camera ở khu nhà bếp để đảm bảo chia khẩu phần ăn trưa cho học sinh đúng quy định.

Hai hiện tượng trên cho thấy camera giám sát đã tràn ra khỏi không gian lớp học hay hành lang mà đi sâu vào tư duy và phương pháp giải quyết vấn đề giáo dục của các bên. Giám sát và trừng phạt trở thành chức năng vận hành của camera (khi khen thưởng giáo viên, hẳn không cần đến camera) cho ta thấy giáo dục trong trường hợp cụ thể đó đang bị hành chính hóa đến tận cùng.

Lối tư duy hành chính này biến giáo dục thành một dịch vụ thuần túy (giống như cuộc gọi khách hàng bao giờ cũng kèm câu "Cuộc gọi này được ghi âm để nâng cao chất lượng dịch vụ"). Khi nhà trường trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục, nó đáng phải chịu kiểm soát hành chính từ hệ thống quản lý và áp lực khách hàng.

Kiểm soát tuyệt đối sẽ tỷ lệ thuận với chia tách tuyệt đối giữa ban quản lý - nhà trường, giáo viên - phụ huynh, thầy - trò. Tất cả dính vào nhau như các đơn vị trong một hệ thống hành chính, không có gì ràng buộc nhau ngoài thực hiện các chức năng được định trước.

Lối giáo dục này có thể đưa đến một hệ lụy đáng ngại rằng nhà trường chỉ là thiết chế cung cấp kiến thức chứ không phải một phần của "cả làng cùng nuôi dạy một đứa trẻ". Lý thuyết giáo dục hiện đại cho rằng nhà trường là trung tâm điều hướng các mối quan hệ cộng đồng của trẻ; giúp trẻ nhận thức được cha mẹ, hàng xóm, họ hàng, khu phố đang cùng chung sống với trẻ ra sao, đang giúp trẻ hiểu biết được xã hội thế nào.

Việc tước nhà trường ra khỏi tổng thể cộng đồng đồng nghĩa với khai tử nền giáo dục: ngay khi ta cần đến camera mới dám gửi con vào trường đó, tức là ta đẩy nhà trường ra khỏi cộng đồng của mình (cũng giống như ta chỉ tin tưởng hàng xóm khi con sang chơi mà không cần theo dõi).

Minh bạch là yêu cầu chính đáng của phụ huynh nhưng phải đạt được điều đó bằng chiến lược kiểu cộng đồng. Thiết lập kênh thông tin hai chiều giữa nhà trường và phụ huynh, hội phụ huynh được quyền xem xét một số dữ liệu và quy trình của nhà trường theo thỏa thuận song phương, nhà trường tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia sâu vào một số hoạt động cần sự minh bạch, trẻ em được hỗ trợ tốt để tự tin phát biểu và phân tích điều em đang trải qua…

Những phương án trên đều cần thời gian và nguồn lực chứ không tức thì như camera, nhưng chúng đảm bảo một cộng đồng bền chặt cho con phát triển toàn diện, thay vì cho con trẻ chứng kiến mỗi người lớn đều là một giám sát viên.

Quay lại với đề bài tranh biện kinh điển trên, tổng kết của tôi với học viên là: Với tư cách người thầy, tôi phản đối việc lắp camera giám sát trong giờ học. Vì khi giáo dục luôn thường trực bị biến thành giờ diễn trước máy quay, nó sẽ chỉ còn là những dự án hoa mỹ, những hoạt động hào nhoáng. Lúc ấy các em sẽ không được trải nghiệm thử - sai, rèn đức kiên nhẫn trong thất bại, luyện tinh thần khi tranh luận.

Giáo dục là viên ngọc thô cần mài giũa, chứ không phải thước phim ăn khách để công chúng chờ xem.

Tác giả: Lang Minh (Nguyễn Minh) là nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX. Anh cũng là dịch giả - tác giả cộng tác với nhiều nhà xuất bản: Trẻ, Giáo dục, Tri thức...

Lang Minh ứng dụng lý thuyết ngành nhân văn vào việc giảng dạy tư duy phản biện và các năng lực của thế kỷ XXI: tri tạo truyền thông và tri tạo kỹ thuật số (media & digital literacy). Về định hướng nghiên cứu, Lang Minh tập trung vào phân ngành Nhân học phê phán (Critical Anthropology), hướng tới việc phê phán các mối quan hệ bất bình đẳng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!