Tâm điểm
Đặng Việt Trinh

Những giọt nước mắt mùa thi

Mấy hôm nay, cứ vào chập tối, mỗi khi nghe lời qua tiếng lại ồn ào ở nhà đối diện, những người hàng xóm lại biết ngay là không khí gia đình chị L. đang căng thẳng, xung đột vì chuyện chọn trường, chọn ngành cho đứa con gái.

Hôm rồi, bé H. con gái chị L. chạy qua nhà tôi khóc nức nở. Em bảo giờ mình phải làm sao khi bản thân đam mê vẽ, muốn học trường mỹ thuật và trở thành họa sĩ trong tương lai. Nhưng lúc nào em vừa mở miệng ra, bố mẹ ngay lập tức can ngăn, bảo em hồ đồ, vớ vẩn "trứng đòi khôn hơn vịt", và muốn em theo học trường kinh tế để ra trường nối nghiệp kinh doanh cho công ty bố mẹ.

"Cuộc chiến" kéo dài cũng cả mấy tháng nay, em biết bố mẹ mất ăn mất ngủ, bản thân em cũng đang rất lo âu, ức chế, cảm thấy áp lực vì sự ép buộc, "chỉ thị" phải học ngành này, trường nọ, thậm chí còn chửi mắng và dọa "từ" em. Em nói trong giàn giụa nước mắt "Ước gì bố mẹ chịu lắng nghe hết tâm tư, nguyện vọng của em dù chỉ là một lần…".

Tôi nghẹn ngào và biết đây là chuyện không của riêng ai vào mỗi mùa tuyển sinh đại học.

Chỉ một thời gian ngắn nữa, khoảng 1 triệu thí sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Đồng nghĩa với điều này, là 1 triệu học sinh lớp 12 đã và đang băn khoăn chọn ngành, chọn trường, chọn nghề. Cùng với đó là vô vàn nỗi lo từ phía gia đình, người thân, các bậc phụ huynh khi đặt nhiều kỳ vọng, áp lực về định hướng tương lai và thành tích thi cử với con em mình…

Những giọt nước mắt mùa thi - 1

Một phụ huynh ôm chầm lấy con khi vừa kết thúc một môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Ảnh: Mạnh Quân).

Một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương (năm 2019-2020) với đối tượng là học sinh từ 10-19 tuổi cho thấy: 55,6% số trẻ tham gia nghiên cứu có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn trong trường 8,9%). Kết quả nghiên cứu cũng thể hiện rằng, stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm các em học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học.

Còn theo một số liệu khác từ cuộc khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM năm 2019, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%. Trong đó, có tới 75% học sinh thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành mình theo đuổi, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ.

Những số liệu trên có thể chỉ mang tính tương đối, có ý nghĩa tham khảo, tuy nhiên cũng phản ánh phần nào thực tế.

Cha mẹ ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con mình. Và định hướng của cha mẹ với con cái về nghề nghiệp, về tương lai là điều cần thiết. Nhưng cách thức như thế nào? Phải chăng cha mẹ với quyền của mình có quyền ép buộc con, "đặt đâu ngồi đấy", khăng khăng như thế mới là đúng, là chuẩn theo hệ giá trị mà cha mẹ đưa ra? Hay là cha mẹ nên ngồi xuống, cùng với con trò chuyện, thực sự lắng nghe con và cùng bàn luận để đưa ra lựa chọn. Đâu là thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức khi con chọn ngành, chọn nghề? Ngành nghề nào phù hợp với sở thích, năng lực, ước mơ của con, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu thực tế xã hội?

Tôi hiểu rằng đây là những câu hỏi không dễ trả lời, không dễ có sự đồng thuận giữa các thế hệ với kiến thức và trải nghiệm cuộc sống khác nhau. Nhưng nếu chúng ta không ngồi xuống cùng nhau thì làm sao để bắt đầu một cuộc trò chuyện. Một lần nói chuyện chắc chưa thể giải quyết hết các vấn đề đặt ra thì hai lần, ba lần…, giữa các lần đó là sự hỗ trợ về thông tin tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp của nhà trường, thầy cô, của rất nhiều thông tin hữu ích và sẵn có trên internet…

Với mỗi bạn trẻ, không ai có thể sống thay cuộc đời của bạn đó, không ai có thể nỗ lực thay, học tập thay, làm việc thay… với vô vàn khó khăn, thử thách trên đường đời. Vì vậy, suy cho cùng hành trình học tập, hành trình sự nghiệp, thành công hay thất bại thì quyết định cuối cùng ở chính bản thân mỗi người.

Các quyết định ở ngưỡng cửa cuộc đời, ở những "cột mốc" sẽ ít nhiều tác động đến tương lai. Nhưng có thể nói định hướng nghề nghiệp là một vấn đề phức tạp và có nhiều biến số. Lựa chọn học nghề hay vào cao đẳng, đại học, học trong nước hay du học, học ngành nghề cụ thể nào đó, chưa chắc đã quyết định công việc của một người sau này và chưa chắc có thể nói như thế nào là "hơn", như thế nào là "kém".

Vì vậy, câu chuyện ở đây không chỉ cần cha mẹ bình tĩnh, sáng suốt mà trước hết và quan trọng nhất chính là người con, là các em học sinh cũng phải biết lắng nghe. Bao nhiêu em còn cảm tính, "bướng" trong việc chọn ngành học phù hợp, chưa thực sự nghiên cứu kỹ lưỡng về nhiều yếu tố khách quan và chủ quan?

Cùng với sự phát triển của đất nước, các bạn sinh vào nửa cuối của thế hệ gen Z (từ 2006 đến 2012) có nhiều điều kiện thuận lợi để cải thiện thể chất và phát triển năng lực hơn thế hệ trước. Thế nhưng, các em lại đang gánh trên vai muôn vàn áp lực có tên và không tên trong thời đại công nghệ số.  

Thời cha mẹ các em, thế giới bên ngoài lớp học chỉ là những buổi vui chơi cùng bạn bè và những cuốn truyện tranh, những tập báo Hoa Học Trò, Mực Tím… Còn bây giờ là thời của mạng xã hội, của trí tuệ nhân tạo, khiến gen Z dễ xao nhãng, dễ mất tập trung và nhiều khi hướng ra bên ngoài để khát khao được công nhận bằng những hệ giá trị không hẳn phù hợp với bản thân.

Đây là lý do nhiều bạn trẻ thấy thất vọng, tự ti về mình khi nhìn mọi thứ được tô vẽ trên mạng xã hội qua lớp màng lọc (filter) ảo diệu về một hình mẫu nào đó. Các con chạy đua theo tiêu chuẩn sống của người khác, sợ bị cười nhạo quê mùa khi không nắm bắt kịp các xu hướng trên mạng…

Hiểu được điều này, sẽ giúp cha mẹ đồng hành cùng con tốt hơn trên bước đường tương lai. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Chắc chắn sẽ không có một câu trả lời duy nhất cho mọi gia đình, rằng nên làm gì, nên ứng xử ra sao với các con trong mùa thi. Điều chúng ta có thể nói với nhau là các bậc làm cha mẹ hãy luôn là điểm tựa vững chắc, là người chỉ dẫn, định hướng và là nơi tiếp thêm những kháng thể tinh thần để các con luôn thấy được "chữa lành" ngay trong chính nhà mình, thay vì những sự ép buộc cực đoan và không khí nặng nề trong suốt mùa thi.

Tác giả: Chị Đặng Việt Trinh là cây bút trẻ có nhiều bài đăng ở các tờ báo, tạp chí trong nước; hiện là chuyên viên truyền thông trong lĩnh vực bất động sản và giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!