Tâm điểm
Nguyễn Nam Cường

Ứng xử đúng với IELTS

Một người bạn của tôi ở phòng công chứng tỉnh vui mừng chia sẻ, con chị được xét miễn 6 mức tiếng Anh của một trường đại học ở TPHCM vì cháu đã có IELTS 6.5 (hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh) trước khi nộp đơn xét tuyển vào trường này.

Nhà trường quy định năm đầu tiên sinh viên phải trải qua 3 học kỳ với 6 mức học tiếng Anh dự bị từ level 1 đến level 6, việc này sẽ tiêu tốn khoảng 50 triệu đồng. Vì là điều kiện bắt buộc nên nếu sinh viên không học tốt sẽ phải thi lại hoặc tệ hơn là học lại, dĩ nhiên là tốn thêm chi phí.

Gia đình chị bạn tôi so sánh chi phí của tất cả các mức này với việc đầu tư học ở các lò luyện IELTS từ những năm phổ thông, thì thấy nếu học từ phổ thông sẽ hiệu quả kinh tế hơn (tổng học phí khoảng hơn 22 triệu đồng).

Hỏi ra mới biết, gia đình chị không thần thánh chứng chỉ IELTS học thuật 6.0 như nhiều gia đình khác. Về phần con gái chị, cháu tự đánh giá đúng sức học của bản thân, chị và chồng thì cân nhắc kinh tế gia đình để cùng con đưa ra chiến lược thực tế nhất cho tương lai với bài toán tiết giảm chi phí tối đa nếu con chị được chọn vào trường cháu thích. Cả nhà xác định rằng chứng chỉ IELTS chỉ để giúp cháu được miễn một năm học dự bị tiếng Anh, là nền tảng để cháu tiếp cận kho kiến thức Anh ngữ, điều quan trọng hơn với cháu là kiến thức chuyên môn theo chuyên ngành ở bậc đại học và các kỹ năng mềm khác.

Ứng xử đúng với IELTS - 1

Thí sinh tham dự kỳ thi IELTS tại Việt Nam (Ảnh minh họa: IELTS British Council Vietnam).

Trên đây là câu chuyện của nhà chị bạn tôi. Tới giờ tôi vẫn chưa thấy có thống kê cụ thể bao nhiêu gia đình đã tính bài toán vậy. Tuy nhiên, khi lướt nhanh các trang mạng xã hội của nhiều bạn trẻ đạt IELTS trên 8.0, tôi thấy họ hầu như "thần thánh hóa" việc mình có thể sở hữu được chứng chỉ này - thật ra với mục đích là để kinh doanh mở lớp dạy tiếng Anh.

Tôi không nói đạt IELTS cao là không cần thiết, mà muốn nói rằng việc quá nhấn mạnh vào chứng chỉ này vô hình trung làm cho nhiều bạn trẻ hiểu sai lầm việc lấy và sở hữu chứng chỉ IELTS thì bản thân mình đã thật sự là người có năng lực. Tất cả quên rằng, ngoài chuyên ngành ngôn ngữ Anh hoặc có liên quan, kiến thức ở đại học rất đa dạng mà cần sự nỗ lực chinh phục từ người học. Tiếng Anh chỉ là một công cụ hỗ trợ đắc lực khi học tập chứ không phải là tất cả.

Không riêng gì tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc cũng rơi vào trường hợp giống như vậy. Trước những năm 2012, việc có được chứng chỉ Topik cấp độ 6 ở người học tiếng Hàn là một điều khó khăn vì nội dung và hình thức thi cực khó và đúng chất của nó. Từ những qui định của thực tiễn trong tuyển dụng và yêu cầu của việc đi du học, sâu xa hơn là trong chiến dịch mở rộng tầm ảnh hưởng của tiếng Hàn Quốc, hiện nay hình thức thi dẫu khó nhưng dễ thở và dễ lấy hơn xưa. Nên đã có rất nhiều người nhầm tưởng khi sở hữu các chứng chỉ này là "mình đã có tất cả".

Trên thực tế, tất cả những bài thi chứng chỉ dù là tiếng Anh hay tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, đều có công thức chung và vài mẹo sẵn trong thi cử. Người học chỉ cần chú ý các điểm mấu chốt thì có thể dễ dàng đạt được kết quả như mình mong muốn. Vấn đề là thời gian và công sức bỏ ra.

Trở lại với xu hướng những năm gần đây trong việc tuyển sinh của các trường đại học cho thấy, thí sinh nào có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS học thuật 5.0 trở lên, TOEFL iBT 42 ( (bài thi được thiết kế bởi Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ nhằm đánh giá khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh) … thì cơ hội được xét tuyển rất cao.

Bắt đầu từ năm 2023, nhiều trường đại học của Việt Nam còn quyết định sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ do chính các trường trong nước cấp. Chính vì vậy mà có rất nhiều người suy nghĩ đây như là một "kim bài miễn tử". Một số trường thì đánh giá rằng, những sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ này thật sự có năng lực, và gia đình có khả năng đầu tư vào chứng chỉ ngoại ngữ nên điều kiện kinh tế tốt hơn, từ đó ưu tiên các em trong chọn đầu vào.

Song, hãy nhìn thẳng vào thực tế về chất lượng đánh giá và thang đo của chứng chỉ ngoại ngữ để áp vào các tiêu chí này. Hiện nay, mỗi cơ sở đại học ở Việt Nam đang có một loại thang đo quy đổi khác nhau. Đơn cử, trường ĐH Thương mại, IELTS 5.5 được quy đổi thành 12 điểm; từ 7.5 điểm trở lên được quy đổi thành 16 điểm. Song cũng là IELTS thì trường ĐH Giao thông vận tải lại quy đổi IELTS 5.0 thành điểm 8, từ 8.0 trở lên quy đổi thành 14 điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng việc loạn quy đổi này dẫn đến tình trạng điểm sàn của trường này cao hơn điểm xét của trường kia. Tôi xin không bàn nhiều về vấn đề này vì đó là chiến lược tuyển sinh của các trường. Điều tôi thật sự quan tâm là việc xét tuyển tiếng Anh của nhà trường để lựa chọn sinh viên có thật sự đáp ứng đúng với mục tiêu, triết lý đào tạo của nhà trường hay không.

Hay đơn giản nếu chỉ chọn tiếng Anh để ưu tiên trong việc xét tuyển, cạnh tranh chọn thí sinh thì việc xem chứng chỉ tiếng Anh như là "thần thánh" mà nhiều người đang tranh cãi, vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Không phủ nhận sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh sẽ kèm theo rất nhiều lợi thế khác như cơ hội giao lưu với sinh viên quốc tế, đáp ứng được nhu cầu du học và xa hơn là cơ hội việc làm sau ra trường. Vì vậy không chỉ riêng tiếng Anh mà tất cả các ngoại ngữ cần được xác định đúng bản chất của nó từ nhiều phía, người học, nhà trường và xã hội.

Ngoại ngữ là một công cụ để con người ta dễ dàng có được điều mình muốn, là một cơ hội tốt để tiến ra xa hơn với thế giới chớ không phải là một phép màu và quyền lực tối thượng như chúng ta đang nghĩ. Một thực tế là với 12 năm học ngoại ngữ trong nhà trường hiện nay, đa số các em (ngoại trừ các em ở trường chuyên, lớp chọn về ngoại ngữ) nếu không đi học thêm ở ngoài sẽ rất khó đạt chuẩn IELTS học thuật 6.0. Bởi vậy, đến những năm cuối cấp, gia đình và các em phải chạy đôn chạy đáo học ở ngoài tốn hàng chục triệu đồng. Thực tế này phần nào tạo ra sự mất công bằng giữa con em nhà nghèo với nhà khá giả. 

Vậy nên, hãy tính đến chi phí cơ hội để đầu tư chứng chỉ ngoại ngữ, đừng lãng phí thời gian và cũng để ma mị thành một quyền lực có sức diệu kỳ. Nhờ nó mà chúng ta có thể làm được tất cả để rồi khi thật sự cần sử dụng nó ta mới vỡ lẽ, thật ra nó cũng là một chứng chỉ mà thôi.

Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!