1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Học thuyết quân sự 200 năm giúp Nga giành thế áp đảo ở Donbass

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga sở hữu lực lượng pháo binh uy lực hàng đầu thế giới nhờ học thuyết quân sự đã có từ hàng trăm năm qua, và họ đang tận dụng sức mạnh này để áp đảo Ukraine ở "chảo lửa" Donbass.

Học thuyết quân sự 200 năm giúp Nga giành thế áp đảo ở Donbass - 1

Hệ thống pháo hạng nặng TOS-1A của Nga được xem là một trong những vũ khí uy lực nhất tại chiến trường Ukraine (Ảnh: Military Watch Magazine)

Trong giai đoạn 2 của chiến sự Nga - Ukraine, khi Kiev đã mất đi nhiều hệ thống lựu pháo từ thời Liên Xô và gần như hết đạn pháo, giới chuyên gia nhận định, dàn hỏa lực hạng nặng của Nga đã thể hiện sức mạnh như "chiến thần", tạo nên những bước ngoặt trên chiến trường.

Theo Eurasian Times, quân đội Nga từ hàng trăm năm qua đã sử dụng nhuần nhuyễn học thuyết: "Pháo binh là trung tâm". Kể từ thế kỷ 18, họ đã là đội quân hùng mạnh với những khẩu đại bác vượt trội thời bấy giờ. Vào thời điểm đó, Thống chế Ivanovich Shuvalov thử nghiệm hàng loạt loại pháo, đặt nền móng cho sự phát triển của chiến thuật pháo binh trong quân đội Nga hàng trăm năm sau đó.

Tại Ukraine, pháo binh của Nga không chỉ đông đảo về số lượng, mà còn có sức công phá hàng loạt rộng lớn và khả năng nhằm mục tiêu chính xác như là vũ khí nòng cốt trên chiến trường. Eurasian Times đã so sánh sức mạnh của dàn pháo Nga hiện tại với huyền thoại rocket Katyusha Liên Xô sử dụng hồi Thế chiến II.

Trong lục quân Nga, pháo đóng vai trò chủ lực, là linh hồn của trận chiến. Học thuyết này xem các vũ khí khác có vai trò hỗ trợ cho pháo. Một kịch bản thường được Nga sử dụng là họ thường dùng các vũ khí hỗ trợ và các nhóm chiến đấu chiến thuật để "gom" đối thủ vào một khu vực và sử dụng lực lượng pháo hùng mạnh để kết thúc trận chiến.

Nó khác hoàn toàn với cách tiếp cận của phương Tây và Mỹ, nơi pháo binh và hỏa lực tầm xa có vai trò hỗ trợ cho đội hình bộ binh, thiết giáp, phương tiện cơ giới hóa và lực lượng đặc nhiệm.

Điều này cũng giải thích tại sao Raketnyye Voyskai Artilleriya (Binh chủng Tên lửa và Pháo binh) của lực lượng mặt đất Nga luôn được ưu tiên trong các quá trình hiện đại hóa quân sự lớn của Moscow.

Sức mạnh của pháo binh Nga được xem là vượt trội so với cả Mỹ. Ví dụ, pháo M-109A6 Paladin chỉ có thể bắn xa tới 22km với tốc độ 1 quả/phút, và không có khả năng tiến hành nhiều đợt bắn đồng thời.

Trong khi đó, pháo 2S35 Koalitsiya-SV có thể bắn ở cự ly 40km với tốc độ 9-16 quả mỗi phút.

Ngoài ra, Nga cũng sở hữu lực lượng pháo hùng hậu khác như: Rocket phóng loạt (MLRS) 9A52-4 Tornado (tầm bắn 90km); MLRS BM-30 Smerch  (70-90 km); Hệ thống pháo nhiệt áp TOS-1 220 mm (0,5-6km) và pháo tự hành 2S19 Msta 150 mm (SPH) (45-62 km).

Thêm vào đó, Nga còn nhiều loại đạn để bắn hàng loạt và tấn công chính xác. Sức mạnh của pháo binh Nga dội xuống nhà máy thép Azovstal, Mariupol hồi tháng 5 được xem là đã góp phần không nhỏ khiến khoảng 2.000 quân nhân Ukraine của tiểu đoàn Azov phải ra đầu hàng.

Năm 2016, Tổng tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Mark Milley từng thừa nhận trước quốc hội nước này rằng, Nga vượt trội hơn hẳn Washington nếu xét vào năng lực pháo binh.

Siêu pháo "lửa mặt trời" của Nga phóng hỏa lực vào mục tiêu ở Ukraine

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine