1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Iran và hiệu ứng domino ở Trung Đông

(Dân trí) - Tham vọng phát triển chương trình hạt nhân của Iran đã tạo ra hiệu ứng domino ở Trung Đông. Nhiều tín hiệu cho thấy một cuộc chạy đua hạt nhân giữa các quốc gia trong vùng đang bắt đầu, khiến thế giới Arập lo lắng.

Xã luận nhật báo liên Arập Al- Hayat viết: "Lịch sử Trung Đông ghi nhận Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad là người thành công trong việc thay đổi sự cân bằng hạt nhân trong vùng. Nhưng việc nước cộng hòa Hồi giáo Iran theo đuổi chương trình hạt nhân, thách thức Mỹ và châu Âu, khiến các nước láng giềng e ngại". 

Tháng 12/2006, sau khi Hội nghị thượng đỉnh thường niên diễn ra ở Arập Xêút kết thúc, các nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC: gồm Arập Xêút, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Qatar, Bahrein và Oman) thông báo dự kiến xem xét xây dựng chương trình hạt nhân dân sự chung. Tháng 1/2007, Vua Abdallah II của Jordani tuyên bố trong  cuộc nói chuyện với nhật báo Ha'Aretz của Israel  rằng, nước ông đang chuẩn bị xây dựng chương trình hạt nhân dân sự. 

Về phần mình, Tổng thống Yemen Ali Abdallah Saleh ủng hộ mạnh mẽ quyết định của GCC, đồng thời nhấn mạnh mong muốn được sở hữu năng lượng hạt nhân phục vụ mục đích dân sự của nước này. Ai Cập cũng có các dự án tương tự, điều này được khẳng định trong chuyến thăm của Tổng thống Hosni Moubarak tới Nga tháng 11/2006.

 

Tham vọng hạt nhân của các nước Arập tiếp tục phát triển trong khi Israel, nước sở hữu vũ khí nguyên tử (mặc dù không chính thức thừa nhận điều đó) từ chối ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Các nhà phân tích và chuyên gia ước tính, hiện Israel có khoảng 100-200 đầu đạn hạt nhân, biến nước này thành cường quốc hạt nhân duy nhất trong vùng. Những vũ khí này chính là yếu tố quan trọng gây căng thẳng ở Trung Đông. Với Iran, nước tuyên bố phát triển chương trình hạt nhân dân sự thì Israel là một nguy cơ cần phải đối phó. Khi nhà nước Do Thái có vũ khí hạt nhân, buộc Iran cũng hướng về mục tiêu đó và các nước Arập ở Trung Đông sẽ bị hút theo công nghệ này.

 

Nhật báo Palestin Al-Hayat Al-Jadida trích dẫn nguồn tin tình báo Anh cho biết, trước khi chính quyền của tổng thống Saddam Hussein sụp đổ, tại Iraq có khoảng 20.000 nhà khoa học trình độ cao. Những người còn sống hiện nay có thể đang cư trú tại Iran và tham gia xây dựng chương trình hạt nhân của nước này. Tờ báo khẳng định, Iran có thể tự hào gia nhập câu lạc bộ các nước phát triển ở hữu công nghệ hạt nhân, đồng thời nêu ra các nguy cơ từ việc phổ biến vũ khí hạt nhân trong vùng.

 

Al- Hayat nhấn mạnh, cuộc chay đua hạt nhân, cho dù là vì mục đích dân sự trong vùng bất ổn như Trung Đông có thể là nguyên nhân của một bi kịch, thậm chí thảm họa chưa từng có. Lẽ ra hướng đến sự phi hạt nhân hóa trong vùng, đặc biệt liên quan đến Israel, vùng Trung Đông lại nuôi dưỡng các tham vọng ngược lại, trong bối cảnh các cuộc chiến tranh và xung đột không ngừng diễn ra.

 

Các chính trị gia có ý kiến rất khác nhau về hồ sơ Iran. Cựu Ngoại trưởng Pháp Roland Dumas bày tỏ chính kiến trên France Inter ngày 5/1/2007: "Sở hữu bom nguyên tử như ví dụ Iran có thể là một yếu tố cân bằng trong vùng. Nhưng cần  phải có một thỏa thuận, kiểm soát và trong hoàn cảnh khác với tình hình luôn tiềm ẩn các nguy cơ như hiện nay". Ồng coi việc có bom nguyên tử không phải là nhân tố trầm trọng hóa tình hình, mà là nhân tố giúp tái thiết cân bằng và gìn giữ hòa bình. Bởi nếu trong vùng có một nước có tiềm năng quân sự mạnh và sở hữu bom nguyên tử thì chính nước đó sẽ áp đặt lên các nước khác. Roland Dumas hi vọng các cuộc thương lượng với Iran sẽ sớm được nối lại.

 

 Trước đó, ngày 29/1, trong cuộc gặp với các phóng viên của báo Nouvel Observateur, New York TimesInternational Herald Tribune, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đưa ý kiến liên quan việc Iran có thể sản xuất bom nguyên tử gây tranh cãi mạnh mẽ. Ông nói: "Điều đó không nguy hiểm. Cái nguy hiểm chính là sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Cũng có nghĩa nếu Iran theo đuổi con đường của mình và làm chủ hoàn toàn công nghệ hạt nhân, nguy hiểm không nằm trong quả bom họ có nếu nó không dùng vào việc gì. Họ sẽ phóng đến đâu?". Nhưng ngay sau tuyên bố đó, ông Chirac vội cải chính với 3 tờ báo trên rằng, chính sách của nước Pháp không thay đổi và việc Iran sở hữu bom nguyên tử là nguy hiểm.

 

Còn với nước Mỹ, Iran có thể sẽ là cuộc xung đột quân sự thứ 3 mà vị tổng thống được bầu năm 2008 cần phải giải quyết, sau Afghanistan và Iraq.

 

Ngọc Nhàn
(Tổng hợp)