1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tháng thuận lợi cho ông Putin kể từ đầu chiến sự

Quốc Đạt

(Dân trí) - Nga và Tổng thống Vladimir Putin đã đón nhận nhiều tin tức có lợi trong một tháng qua khi cuộc phản công của Kiev không đạt đột phá và phương Tây chuyển sự chú ý sang Gaza, theo chuyên gia.

Tháng thuận lợi cho ông Putin kể từ đầu chiến sự - 1

Đặc công Ukraine tham gia diễn tập ở tỉnh Chernihiv, Ukraine ngày 2/11 (Ảnh: Reuters).

Điện Kremlin có nhiều có lý do để thở phào khi năm 2023 sắp kết thúc, theo ông Mark Galeotti, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh thuộc Bộ Quốc phòng Anh (RUSI).

Khoảng lặng chiến sự tới cùng mùa đông

Trên chiến trường, cuộc phản công của Ukraine dường như đã cạn kiệt sức lực. "Mùa lầy lội" khiến lực lượng Kiev khó có bước tiến nào đáng kể hơn nữa cho đến mùa xuân.

Nga có thể đã tổn thất lớn nhưng họ đã trụ vững và chứng tỏ được khả năng thích ứng với vũ khí của phương Tây. Binh sĩ của Moscow đang tích cực dùng máy bay không người lái (UAV) và khả năng tác chiến điện tử tiên tiến để đáp trả.

Dù không rõ liệu người Nga có chiếm được thị trấn Avdiivka ở miền đông hay không, trận đánh này cho thấy khả năng tiến hành các cuộc tấn công cục bộ. Trận đánh này cũng làm tiêu hao viện binh mà Ukraine mà lẽ ra có thể điều động ở miền nam.

Tuy Nga cũng không đạt được bước tiến nào đáng kể trong năm qua, ông Galeotti chỉ ra rằng chiến lược thực sự của Nga là kéo dài xung đột lâu hơn sự quan tâm của phương Tây dành cho Ukraine. Vì thế, không thua cũng đồng nghĩa với thắng lợi cho Nga.

Tháng thuận lợi cho ông Putin kể từ đầu chiến sự - 2

Hai bên đã rót hàng nghìn binh sĩ vào giao tranh quanh Avdiivka (Ảnh: Reuters).

Tiếp sức cho cuộc chiến

Bên ngoài chiến trường, cả 2 bên đều đã phải dè sẻn đạn pháo, nhưng phía Nga có vẻ sẽ ở vị thế tốt hơn Ukraine và phương Tây trong năm tới.

Phương Tây đang gặp phải vấn đề trong việc cố gắng tăng cường sản xuất. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã thừa nhận rằng EU sẽ không đạt mục tiêu cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo và tên lửa vào tháng 3.

Trong khi đó, tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga đang được đẩy vào trạng thái hoạt động tăng cường. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 3%, giữa lúc các nhà máy tăng gấp đôi hoặc gấp ba ca làm.

Nền kinh tế Nga đang phát triển tốt hơn dự kiến. GDP có thể tăng 2-3% trong năm nay, so với mức dự đoán 0,5% của Anh. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây không hoàn toàn thất bại nhưng có tác động thấp hơn so với mong đợi.

Nhóm G7+ đã áp đặt mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vào tháng 12/2022 nhưng trên thực tế, Nga vẫn nhận được ít nhất 80 USD/thùng.

Trong nước, Người Nga tỏ ra vẫn sẵn sàng tình nguyện chiến đấu với số lượng tương đối lớn.

Khó khăn cho Ukraine

Ngược lại, tinh thần vẫn còn cao, binh sĩ Ukraine đã kiệt sức. Quân đội của Kiev đã nỗ lực giảm thiểu thương vong nhưng họ vẫn phải chịu thương vong lớn hơn Nga nếu so với tổng dân số.

Ông Galeotti cho rằng trong năm tới, Ukraine sẽ phải thực hiện biện pháp huy động quân quy mô lớn hơn và cứng rắn hơn để có nhân lực cho chiến sự.

Trong mắt Moscow, cuộc tranh cãi gần đây giữa Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng tham mưu trưởng Valery Zaluzhny về việc chiến sự có phải đã "bế tắc" hay không cũng có thể được coi là tín hiệu về sự chia rẽ ngày càng tăng trong nội bộ Ukraine.

Tháng thuận lợi cho ông Putin kể từ đầu chiến sự - 3

Nga đã có bước tiến lớn xung quanh Avdiivka (Ảnh: AFP/Getty).

Phương Tây mất tập trung

Các sự kiện ở Trung Đông đã mang đến cho Điện Kremlin sự đánh lạc hướng mà Nga vẫn luôn mong đợi.

Cuộc chiến giữa Hamas và Israel không phải không có tác động tiêu cực tới Nga, đặc biệt là quan hệ Nga - Israel, nhưng mức độ quan tâm của truyền thông phương Tây tới Trung Đông có thể khiến Điện Kremlin tin rằng Ukraine sẽ nhận được ít sự hỗ trợ và chú ý hơn.

Điều này chưa chắc đã đúng hoàn toàn nhưng cảnh tượng các vật tư quân sự của Mỹ - bao gồm cả đạn pháo 155mm mà người Ukraine rất cần - được đưa đến Israel đã khiến phía Nga phấn khởi.

Việc Thủ tướng Italy Giorgia Meloni thừa nhận phương Tây đã mệt mỏi với Ukraine, tranh cãi ở Mỹ về viện trợ, cùng các thông tin gần đây cho thấy tình báo Mỹ hiện tin rằng vụ nổ đường ống dẫn khí Nord Stream 2 do một nhóm thân Ukraine thực hiện, tất cả đều được Moscow cho là dấu hiệu cho thấy phương Tây đang tìm lý do giảm hỗ trợ cho Ukraine.

Mây mù ở chân trời

Ông Galeotti cho rằng vẫn còn những "đám mây mù" tại chân trời đối với Điện Kremlin.

Xung đột ở Trung Đông có thể đang chiếm ưu thế trên các mặt báo tại thời điểm hiện tại nhưng không có dấu hiệu thực sự phương Tây thực sự rút lui. Khả năng ông Trump tái đắc cử tổng thống đang khiến nhiều người ở Washington ủng hộ việc tăng cường hỗ trợ cho Kiev khi còn có thể.

Một số hệ thống khí tài nhất định, như tiêm kích F-16, vẫn sẽ phải mất nhiều tháng để tới Ukraine với số lượng ít, nhưng khi nước này nối lại các chiến dịch tấn công vào mùa xuân, Kiev có thể sẽ có nhiều hệ thống mới với số lượng được bổ sung.

Ngay cả các hệ thống từ thời Liên Xô cũng đang được cải tiến như dự án FrankenSAM có năng lực phóng tên lửa phòng không hiện đại của Mỹ từ các bệ phóng Buk-M1 được chế tạo từ những năm 1980.

Dư luận nước Nga cũng có thể dần thay đổi ý kiến. Cuộc thăm dò mới nhất của Russian Field cho thấy tỷ lệ người Nga ủng hộ đàm phán hòa bình (48%) lần đầu tiên lớn hơn tỷ lệ người ủng hộ tiếp tục chiến sự (39%). Chỉ 21% cho rằng nền kinh tế sẽ cải thiện, trong khi 43% cho rằng nó sẽ tồi tệ hơn.

Theo The Times