Bình đẳng giới từ con đường đến trường của học sinh nữ dân tộc thiểu số

Hoài Nam

(Dân trí) - Con đường đến trường của nhiều học sinh nữ dân tộc thiểu số gặp không ít chông gai xuất phát từ điều kiện khó khăn và cả định kiến.

"Chị của em bỏ học rồi!"

"Chị của em bỏ học rồi!" là lời chia sẻ của em Điều Thái Khang, người dân tộc thiểu số Stiêng, học lớp 7, Trường THCS Tân Thành, Đồng Xoài, Bình Phước.

Bình đẳng giới từ con đường đến trường của học sinh nữ dân tộc thiểu số - 1

Thị Ánh Thư, cô học trò người Stiêng và nhiều bạn học khác chung hoàn cảnh... có chị gái bỏ học từ sớm (Ảnh: Hoài Nam).

Hai năm trước, người chị 14 tuổi của Khang đã nghỉ học ở nhà để làm việc nhà và đi cạo mủ cao su thuê. 

Còn em Thị Ánh Thư, học sinh lớp 6, mồ côi mẹ từ bé, người bố bỏ nhà đi. Hai chị em Ánh sống với bà ngoại 73 tuổi, người bà hàng ngày đi làm thuê, đi cạo mủ nuôi cháu. 

Chị gái của Ánh đã nghỉ học vào năm học trước khi chuẩn bị lên lớp 8. Cô nghỉ học ở nhà để cùng bà đi lấy mủ, làm thuê kiếm tiền. 

Mỗi em một hoàn cảnh nhưng nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở ngôi trường này cùng điểm chung là có chị gái nghỉ học sớm. 

Cô Lê Thị Ngọc Lan - giáo viên Trường THCS Tân Thành - cho biết, gần 25 năm công tác tại trường, cô đã chứng kiến nhiều học sinh dân tộc thiểu số nghỉ học, đặc biệt là học sinh nữ. 

Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi, bố mẹ ly hôn, các em sống với ông bà, người quen. Nhiều em đi học nhưng cũng phập phồng ngày đi, ngày nghỉ, thường xuyên nghỉ học ở nhà làm thuê, làm mướn kiếm tiền. 

Các em nghỉ nhiều nhất ở độ tuổi lớp 7, lớp 8. Theo cô Lan, có thể bước vào lứa tuổi này, nhiều em bắt đầu có thể lao động nên phải nghỉ học để đi làm. 

Tại Trường THCS Bình Minh, Bù Đăng, Bình Phước cũng vậy, nhiều hoàn cảnh học trò nhỏ người dân tộc thiểu số cùng cảnh có chị gái... đã bỏ học. 

Bình đẳng giới từ con đường đến trường của học sinh nữ dân tộc thiểu số - 2

Chị Thị Sát cho biết, cô con gái đầu 15 tuổi của chị đã nghỉ học để ở nhà làm việc nhà và đi làm mướn kiếm tiền cùng bố mẹ nuôi em (Ảnh: Hoài Nam).

Chị Thị Sát, mẹ của em Điểu Long, học lớp 6, địu đứa út hơn một tuổi cho biết, vợ chồng chị có 4 đứa con, con gái đầu 15 tuổi đã nghỉ học hai năm trước. Người mẹ lý giải, anh chị không đủ tiền đóng học cho con, thêm nữa gia đình cần người làm việc nhà, cần người phụ bố mẹ đi làm kiếm tiền lo cho các em. 

Nghỉ học, hàng ngày cô con gái của chị Sát đi làm mướn, cạo điều thuê để cùng bố mẹ lo cho các em nhỏ. Về nhà, cháu bé lại làm việc nhà, chăm các em. 

Bình đẳng giới từ con đường đến trường của học sinh nữ dân tộc thiểu số - 3

Con đường đến trường của nhiều nữ sinh dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn (Ảnh: Hoài Nam).

"Đừng dập tắt ước mơ của con"

Hai cô con gái sinh đôi của chị Thị Drao, 31 tuổi đang học lớp 6 tại Trường Tiểu học -THCS Bế Văn Đàn, xã Đắk R'Moan, Gia Nghĩa, Đắk Nông. Cô chị là Thị Thi Nrung Ja, cô em là Thị Phi Nrung Ja, còn hai em nhỏ đang ở tuổi mầm non. 

Bình đẳng giới từ con đường đến trường của học sinh nữ dân tộc thiểu số - 4

Hai cô con gái của chị Thị Drao từng bật khóc khi mẹ nói: "Nghỉ học thôi con" (Ảnh: Hoài Nam).

Gần 3 năm trước, chị Drao trở thành trụ cột gồng gánh cả gia đình khi chồng ốm đau, bệnh tật. Sau một thời gian gồng gánh, đuối sức, người mẹ nói với hai bé gái sinh đôi: "Nghỉ học thôi con!". 

Chị Drao nhớ lại khoảnh khắc đó, hai con cùng bật khóc. Các cháu nói trong nước mắt: "Mẹ ơi, chúng con muốn đi học". Chị Drao cũng òa khóc theo con. 

Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, chị Drao tự nói với mình: "Đời mình đã khổ vì không được ăn học đến nơi đến chốn, sao lại có thể để những đứa con gái phải khổ như mẹ".  

Từ suy nghĩ đó, chị quyết tâm, có khổ đến mấy, kể cả ăn cơm ăn cháo qua ngày, cũng không để con phải nghỉ học. 

Hai cô con gái của chị tiếp tục con đường đến trường với quyết tâm đó của người mẹ. Cả ba mẹ con cùng đặt mục tiêu, ít nhất hai cháu sẽ học hết lớp 12. 

Bình đẳng giới từ con đường đến trường của học sinh nữ dân tộc thiểu số - 5

Chị Thị Drao tự động viên bản thân "Đừng dập tắt ước mơ của con" để đồng hành cùng con trên đường đến trường (Ảnh: Hoài Nam).

"Những lúc khó khăn, tôi lại tự động viên bản thân rằng mọi người làm được mình cũng làm được, mình đừng dập tắt ước mơ của con", người mẹ trải lòng. 

Thầy Nguyễn Văn Hương - Trường Tiểu học -THCS Bế Văn Đàn - chia sẻ, giữ chân học sinh dân tộc thiểu số để các em không nghỉ học giữa chừng là việc rất gian nan. 

Trường thực hiện nhiều giải pháp vừa dụ vừa dỗ, thầy cô phải tâm lý để động viên các em đến trường. Ngoài ra, trường cũng tích cực vận động các nguồn tài trợ để hỗ trợ các em về thẻ bảo hiểm y tế, các gói học bổng, quà tặng, ... để tiếp thêm sức cho các em. 

Bình đẳng giới từ con đường đến trường của học sinh nữ dân tộc thiểu số - 6

Thầy Nguyễn Văn Hương trao tặng chiếc xe đạp của mạnh thường quân đến chị em Thị Thi Nrung Ja và Thị Phi Nrung Ja (Ảnh: Hoài Nam).

Đặc biệt với học sinh nữ dân tộc thiểu số, để con đường đến trường của các em thuận lợi hơn, theo thầy Hương cần kết hợp, vận động, động viên với chính gia đình các em từng bước thúc đẩy hiểu biết, nhận thức của phụ huynh đối với việc học hành của con cái và sự bình đẳng giữa con trai và con gái trong cơ hội được đến trường.