Cần đầu tư tài chính cho thuốc Methadone

Sau 5 năm triển khai ở Việt Nam, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã chứng tỏ được hiệu quả về mặt y tế, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, việc tiếp tục và mở rộng chương trình sau năm 2015 đang gặp nhiều khó khăn do tài trợ nước ngoài sẽ kết thúc vào năm 2015.

 Hiệu quả y tế - kinh tế - xã hội

 

Điểm mới của phương pháp điều trị Methadone chính là điều trị tự nguyện, duy trì nhằm phục hồi không chỉ về thể chất mà còn cả tâm lý, hành vi cho người nghiện ngay tại cộng đồng. Với tác động cạnh tranh và khóa heroin, Methadone sẽ dần giảm khoái cảm heroin mang lại, giúp người nghiện giảm hẳn, tiến đến ngừng sử dụng heroin, sức khỏe theo đó cũng phục hồi, người nghiện có thể sinh hoạt và lao động bình thường.

 

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, tỷ lệ sử dụng ma túy với bệnh nhân điều trị bằng Methadone giảm từ 100% tại thời điểm bắt đầu điều trị xuống 15,9% sau 2 năm điều trị. Báo cáo của Bộ Công an cũng cho thấy, có đến 76% người bệnh có việc làm toàn thời gian hoặc bán thời gian làm sau khi được điều trị 24 tháng.

 

Đặc biệt, tất cả các hiệu quả này có thể đạt được với mức chi phí thấp. Ước tính, thay vì tốn 300.000 đồng/ngày để mua heroin, người nghiện chỉ cần chi 7.500 đồng/ngày để mua thuốc Methadone. Chi phí hoạt động của cơ sở Methadone cũng giảm đáng kể khi người nghiện sống cùng gia đình và hàng ngày đến uống thuốc, không cần chi cho việc quản lý người nghiện 24/7.
 

Cần đầu tư tài chính cho Methadone

 

Hiện nay, chương trình điều trị Methadone đã điều trị cho 15.000 người nghiện ở 74 cơ sở tại 29 tỉnh thành. Đây là một thành tích đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn khá xa so với mục tiêu 80.000 người nghiện được điều trị bằng Methadone vào năm 2015 của Chính phủ. Chỉ còn 1 năm để 65.000 người này được tiếp cận với Methadone. Đặc biệt, năm 2015 cũng là thời điểm các nguồn tài trợ (là kinh phí hoạt động hiện tại của chương trình) sẽ bị cắt, đồng nghĩa với việc chương trình có thể bị ngừng lại. Điều trị nghiện heroin bằng Methadone là điều trị duy trì, đòi hỏi được áp dụng thường xuyên và lâu dài, do đó hàng nghìn người nghiện sẽ đứng trước nguy cơ tái nghiện khi bị dừng điều trị do thiếu kinh phí.

 

Như vậy, để chương trình này được tiếp tục, mang đến cơ hội điều trị cho hàng nghìn người nghiện, Chính phủ cần đưa ra một kế hoạch tài chính cụ thể để đầu tư kinh phí cho chương trình.