Bằng cấp và sự mặc cảm

Dự Luật Giáo dục đại học vừa đưa ra, trong đó có việc thống nhất văn bằng chính quy và thường xuyên đã gây ra sự lo ngại của dư luận và của cả những nhà giáo dục. Thay đổi tên gọi của văn bằng chẳng thể thay đổi được yếu kém của giáo dục đại học hiện nay.

Sự chênh lệch về chất lượng của 2 loại hình đào tạo đại học không còn gì để bàn cãi. Chênh lệch từ đầu vào, chương trình giảng dạy, thi cử và cả đầu ra. Hệ quả tất yếu của nó chính là có sự khác biệt quá lớn về hiệu quả và năng lực làm việc giữa những người học chính quy và tại chức.

Một nhà giáo dục lâu năm, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhìn nhận đào tạo tại chức đang góp phần làm méo mó bức tranh giáo dục nước nhà, gây bức xúc cho người dân.

Với loại hình đào tạo này ở nhiều trường, học thì phần nhiều chỉ điểm danh cho đủ mặt, thậm chí thuê cả người điểm danh giùm. Thi cử nặng hình thức, trường thì lo thu tiền, thầy cũng ngán ngẩm, trò cũng đắp đổi cho qua. Bởi thế không phải ngẫu nhiên mà khối doanh nghiệp dân doanh khi tuyển dụng thường đưa ra điều kiện về văn bằng chính quy.

Tất nhiên không thể đánh đồng tất cả nhưng số người thực học từ loại hình đào tạo tại chức còn rất thấp trong số hàng vạn người được học mỗi năm. Không ít người vì điều kiện không thuận lợi, họ phải chọn loại hình đào tạo khác chính quy. Nhưng bằng vào nỗ lực bản thân, tinh thần ham học hỏi, họ đã vượt qua những chương trình đào tạo cao hơn, rất khắt khe để có những đóng góp lớn cho xã hội, tạo nghề nghiệp vững chãi cho bản thân.

Cho đến nay, có rất ít quốc gia công nhận văn bằng đại học của Việt Nam mà nguyên nhân chính là do chất lượng đào tạo chưa tốt. Hằng năm có hàng ngàn sinh viên săn tìm học bổng để được tiếp cận với chương trình đào tạo đại học tiên tiến hơn. Nhiều gia đình có điều kiện sẵn sàng đầu tư cho con cái học tập ở nước ngoài với mong muốn phát huy được năng lực của bản thân, có cơ hội tìm được việc làm tốt hơn.

Ở nước ta, nhu cầu học tập ngoài chính quy để nâng cao trình độ, nâng cao năng lực làm việc là có thật. Và một sự thật khác là không ít người học chỉ để hợp thức hóa văn bằng theo quy trình bổ nhiệm, để khỏa lấp những yếu kém cố hữu về trình độ của bản thân. Ở góc độ này, mục tiêu của giáo dục đã thất bại. Giáo dục không còn để trang bị kiến thức, nâng tầm hiểu biết mà chỉ là vật trang trí cho sự khoe mẽ, là công cụ để tiến thân.

Chuyện quan trọng cần phải làm là nâng chất lượng đào tạo đại học, loại bỏ những kiểu đào tạo hình thức, nhằm hợp thức hóa văn bằng chứ không phải đắn đo cho việc thay đổi tên gọi một loại hình đào tạo kém chất. Khi chất lượng đào tạo 2 loại hình đại học này như nhau thì hiển nhiên mọi người chẳng cần phải phân biệt tên gọi của văn bằng. Khi người học thực sự nghiêm túc thì cũng chẳng có gì băn khoăn là chính quy hay tại chức.

Theo Hồ Phi

Người Lao Động