Bằng tại chức như bằng chính quy: “Vàng thau lẫn lộn”

Bài toán quản lý chất lượng đào tạo chưa được tháo gỡ, việc "cào bằng" bằng cấp không khác nào "vàng thau lẫn lộn", khó chấp nhận được.

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nhấn mạnh quan điểm "tự học là chính", "học suốt đời", do đó, việc quy định bằng tốt nghiệp đại học là chính quy hay bằng đại học tại chức không có nhiều ý nghĩa.

Cào bằng bằng cấp khi chưa quản lý được chất lượng đào tạo là cơ hội phát sinh những tiêu cực. (Ảnh minh họa)
Cào bằng bằng cấp khi chưa quản lý được chất lượng đào tạo là cơ hội phát sinh những tiêu cực. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, trong một môi trường xã hội phát triển, mọi cơ chế, chính sách từ công tác tuyển sinh, đào tạo, quản lý cho tới công tác tuyển dụng, sắp xếp việc làm đến cơ chế trả lương được thống nhất thì việc quy định bằng cấp chỉ là một hình thức.

Về mặt pháp luật, tất cả người dân Việt Nam đều có cơ hội được học tập và tìm kiếm việc làm như nhau nhưng cơ hội đó phải phụ thuộc vào nhu cầu tuyển dụng của từng khu vực.

Ví dụ tuyển dụng vào khu vực doanh nghiệp thì sẽ phải theo tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu của doanh nghiệp, còn tuyển dụng vào biên chế nhà nước thì yêu cầu cũng sẽ khác.

Do vậy, việc quy định bằng đại học chính quy hay bằng đại học tại chức cũng chỉ là một cách gọi. Còn quyết định sử dụng ai, lựa chọn loại hình nào lại phải do bên có nhu cầu tuyển dụng, quyết định.

Vị PGS kể, có những trường hợp tự học, thậm chí không cần học đại học nhưng họ vẫn có chuyên môn rất giỏi. Đối với những trường hợp này, không cần phải có bằng đại học thì doanh nghiệp cũng sẽ đi tìm để mời họ về làm việc.

Do đó, việc thống nhất chung một tên gọi về bằng cấp, về cơ bản sẽ tác động rất nhiều tới tư duy tuyển dụng việc làm chỉ dựa trên bằng cấp hiện nay. Nhất là trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

"Trước nay, dư luận đã nói rất nhiều tới chất lượng đào tạo đại học tại chức như "học như đi chơi", học đối phó, học cho xong... nhưng học tại chức đôi khi lại được coi là "phao cứu sinh" giúp cho một số trường hợp là "con ông cháu cha" có cơ hội được đề bạt thăng tiến nhanh hơn, chức vụ cao hơn, hưởng lương nhiều hơn.

Nhìn từ góc độ này, đề xuất của Bộ GD-ĐT là tín hiệu tích cực, đáng được hoan nghênh. Đề ra một cơ chế nhằm hạn chế được tiêu cực trong thi tuyển, trong bổ nhiệm việc làm là điều cần thiết.

Tuy nhiên, việc "cào bằng" về bằng cấp liệu có "cào bằng" được cả chất lượng đào tạo? Không gọi là bằng đại học tại chức nhưng chất lượng có tốt hơn so với trình độ tại chức hiện tại? Đây là câu hỏi liên quan tới quá trình quản lý đào tạo mà Bộ GD-ĐT phải đặt ra và trả lời được.

Vì nếu không giải được bài toán về chất lượng đào tạo thì việc "cào bằng" chất lượng đào tạo chính quy với đào tạo tại chức chẳng khác nào "vàng thau lẫn lỗn", khó đánh giá được chất lượng đầu vào", ông Tri nói.

Từ câu chuyện Quảng Ngãi phải ban hành văn bản "hạn chế" đề bạt cán bộ cấp cao có bằng đại học tại chức, vị chuyên gia cho rằng đó cũng là xuất phát từ tâm lý lo ngại chất lượng đội ngũ cán bộ kém, không đảm bảo được năng lực làm việc.

Tức là, họ đang nhìn vào chất lượng đào tạo để sàng lọc cán bộ, viên chức chứ không phải không tuyển dụng người đó vì bằng tốt nghiệp ghi là tại chức. Đây chính là mặt trái trong công tác tuyển dụng, đặc biệt là trong bộ máy quản lý nhà nước chúng ta cần phải nhìn nhận và khắc phục.

"Một bên chính quy sinh viên phải học tập trung, kéo dài trong suốt 4-5 năm, trong khi hệ tại chức là vừa học vừa làm, thời gian học chỉ bằng 1/2 hệ chính quy. Thời gian và chất lượng đào tạo như vậy làm sao có thể đảm bảo được? Làm sao coi như nhau được?", ông Tri đặt câu hỏi.

Qua đó, PGS Nguyễn Hữu Tri cho rằng, cần quy định giới hạn lứa tuổi để xét tuyển cho học tại chức hay không. Ví dụ, ở Quảng Ngãi quy định những người sinh sau năm 1975 là phải có bằng đại học chính quy là phù hợp.

Không thể chấp nhận những người vừa tốt nghiệp phổ thông, không thi được đại học chính quy thì thi vào tại chức rồi coi đó là tấm thẻ bài để được vào các cơ quan quản lý nhà nước là không ổn.

Khi chất lượng đào tạo không đảm bảo được như nhau thì chưa thể quy định hai loại hình tốt nghiệp có một bằng như nhau được.

Theo Lam Nguyên

Đất Việt