Bỏ cộng điểm khuyến khích vào lớp 10: Kết quả tuyển sinh sẽ khách quan hơn

Theo phương thức tuyển sinh vào lớp 10 vừa được TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh công bố, từ mùa tuyển sinh 2019 sẽ không còn điểm cộng cho học sinh có chứng chỉ học nghề, không áp dụng cộng điểm đối với học sinh có học lực giỏi, tiên tiến... Nhiều người cho rằng việc bỏ cộng điểm sẽ góp phần làm giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh, giúp cho kết quả tuyển sinh khách quan hơn.


Thí sinh dự tuyển lớp 10 THPT tại Hà Nội năm học 2018. (Ảnh: Phạm Quang Vinh)

Thí sinh dự tuyển lớp 10 THPT tại Hà Nội năm học 2018. (Ảnh: Phạm Quang Vinh)

Giảm bệnh thành tích

Theo như phương thức tuyển sinh năm học 2019- 2020 đã được Sở GDĐT Hà Nội công bố, học sinh lớp 9 THCS dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập sẽ phải thi 4 môn. 3 môn đã được biết trước là Văn, Toán, Ngoại ngữ; một môn sẽ biết sau cùng sẽ công bố trong khoảng tháng 3/2009. Cách tính điểm tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội được tính như sau: (điểm thi Toán + Ngữ văn) x 2 + (điểm Ngoại ngữ + điểm môn thứ tư) + điểm cộng thêm (dành cho các đối tượng thuộc diện ưu tiên). Trong đó, bài thi của các môn tính theo thang điểm 10. Như vậy, ngoài tăng số môn gấp đôi so với năm 2018, việc xét học bạ, xét điểm cộng ở bậc THCS như trước đó đã không còn được duy trì.

Trước đó, tại mùa tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm học 2018- 2019, mặt bằng điểm thi nói chung thấp, thực trạng “làm đẹp” học bạ cũng đã được nhắc tới. Bởi trên thực tế có khá nhiều học sinh đạt danh hiệu khá, giỏi trong suốt 4 năm học THCS, nhưng khi dự thi 2 môn Văn- Toán vào lớp 10, điểm số và kết quả thi của các em đã không được như mong đợi, thậm chí khiến nhiều phụ huynh thấy thất vọng.

Thời điểm từ 2018 trở về trước, cách tính điểm tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội như sau: Điểm xét tuyển = Điểm THCS + Điểm thi (đã tính hệ số 2) + Điểm cộng thêm. Trong đó, điểm THCS được tính theo kết quả rèn luyện và học tập của học sinh trong 4 năm THCS. Cách tính điểm rèn luyện học tập như sau: Hạnh kiểm tốt và học lực giỏi được cộng 5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực giỏi, hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá được cộng 4,5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực khá được cộng 4 điểm; hạnh kiểm tốt và học lực trung bình, hoặc hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi được cộng 3,5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực trung bình, hoặc hạnh kiểm trung bình và học lực khá được cộng 3 điểm. Các trường hợp còn lại cộng 2,5 điểm (thuộc đối tượng ưu tiên).

Cùng với đó, những học sinh có chứng chỉ nghề loại giỏi được cộng 1,5 điểm, chứng chỉ nghề loại khá cộng 1 điểm, loại trung bình được cộng thêm 0,5 điểm. Theo bảng điểm xét tuyển của Sở GDĐT Hà Nội công bố, tỉ lệ học sinh được cộng 21,5 điểm (học sinh giỏi 4 năm liên tiếp 20 điểm + 1,5 điểm nghề) chiếm đa số. Như vậy, gần như số điểm cộng thêm áp dụng cho tất cả học sinh THCS xét tuyển vào lớp 10, chứ không phải chỉ để dành cho những trường hợp đặc biệt.

Đón nhận thông tin bỏ cộng điểm khuyến khích ở bậc THCS bắt đầu từ năm 2019, nhiều học sinh lớp 9 tại Hà Nội không khỏi tiếc nuối, vì đã nỗ lực có “điểm đẹp” từ năm lớp 6 đến nay. Tuy nhiên, đa số cho rằng, quy định này sẽ mang lại công bằng cho mọi thí sinh. Nhiều học sinh Trường THCS Thăng Long - Hoàng Mai chia sẻ: Chúng em chỉ có học lực trung bình, khoảng cách về điểm cộng 4 năm học giữa các danh hiệu cũng “vênh” đáng kể. Do đó, khi không còn cộng điểm ưu tiên, khuyến khích nữa, việc học và thi hi vọng sẽ thực chất hơn. Còn theo các giáo viên, việc bỏ cộng điểm THCS sẽ giúp họ giảm áp lực phải làm đẹp học bạ từ nhiều phía, vì thầy cô giáo nào cũng rất mong muốn học sinh giỏi thực chất.

Không còn điểm nghề

Theo quy định mới, từ năm 2019 tới việc cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT cho học sinh có chứng chỉ nghề THCS tại Hà Nội sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn.

Cùng với đó, Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cũng vừa thông tin chính thức, sẽ không còn cộng điểm nghề trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2019 - 2020. Ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho hay, mục tiêu của học nghề là trang bị cho học sinh có kiến thức cơ bản một nghề như điện, chụp ảnh hay nấu ăn để phục vụ cuộc sống sau này. Đây mới là ý nghĩa thực sự của học nghề, còn cộng điểm là khuyến khích thêm.

Theo đó, việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2019 chỉ còn áp dụng cộng các loại điểm sau: Cộng 2 điểm cho một trong các đối tượng: con liệt sĩ; con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên. Cộng 1,5 điểm cho một trong các đối tượng: con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con thương binh mất sức lao động dưới 81%; con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”. Cộng 1 điểm cho một trong các đối tượng: người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số.

Trước những ý kiến trái chiều về việc bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho hay, việc bỏ cộng điểm nghề trong tuyển sinh vào lớp 10 nhằm lấy lại mục đích và ý nghĩa của việc giáo dục hướng nghiệp. Đồng thời, tránh tình trạng loạn các cuộc thi ở địa phương theo lối hình thức, gây mệt mỏi cho phụ huynh và học sinh. Vì hiện nay các trường có tổ chức học và thi nghề, nhưng mục đích chủ yếu để lấy điểm cộng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT là chính, khiến học sinh chỉ học nghề để đối phó. Ngoài ra, những trường hợp được cộng nhiều loại điểm đã gây ra sự chênh lệch và thiếu công bằng cho học sinh khác. Nhiều năm qua, phản ánh từ nhiều địa phương cho thấy, thực chất việc dạy và học nghề ở cả bậc THCS và THPT vẫn nặng về thành tích. Các trường không ngần ngại ép buộc học sinh học nghề, không cần biết các em có nhu cầu hay không. Như vậy, không còn điểm học nghề sẽ giúp các em nhẹ bớt một môn học, dành thêm thời gian tập trung vào các môn thi.

Trước những thay đổi nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra sự công bằng trong thi cử, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt bày tỏ sự đồng tình cao. Ồng Dong cũng nêu lên tầm quan trọng của việc không ngừng thay đổi phương pháp dạy học trong nhà trường. Đó là cơ sở để đảm bảo đúng mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh ở bậc học phổ thông. Trong đó, quan trọng là hướng cho các em không học lệch, học tủ để đối phó với thi cử, mà phải học đều các môn học.

Theo Minh Quang

Đại Đoàn Kết