Chạy đua để đảm bảo kiến thức

Dù các trường tổ chức dạy học theo nội dung tinh giản do Bộ GD&ĐT quy định nhưng để năm học kịp kết thúc vào 15/7 như mốc thời gian điều chỉnh của Bộ GD&ĐT, cả thầy và trò đều phải chạy đua để đảm bảo kiến thức.

Đặc biệt, với những HS cuối cấp cần chuẩn bị cho các kỳ thi được nhà trường bố trí dạy học liên tục 2 ca một ngày, thậm chí cả thứ Bảy, Chủ nhật…

Tận dụng thời gian vàng

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, hiện nhà trường đang tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nên dự kiến sẽ kết thúc năm học đúng với mốc quy định của Bộ GDĐT là 15/7.

“Bộ GDĐT đã hướng dẫn giảm một số đầu điểm kiểm tra và giảm tải nội dung chương trình học kỳ 2 nên thầy trò cũng giảm áp lực hơn.

Nhưng không vì thế mà thầy trò chủ quan bởi sau một thời gian nghỉ dài, kiến thức ít nhiều cũng rơi rụng đi, tác phong học tập cũng cần rèn lại”, thầy Nguyễn Xuân Khang phân tích.

Nhìn nhận đây là giai đoạn quan trọng giúp các em HS hệ thống lại kiến thức, đặc biệt với những HS lớp 9 chuẩn bị bước vào một kỳ thi chuyển cấp quan trọng, thầy Phạm Xuân Sinh- Phó hiệu trưởng Trường THCS Trực Mỹ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) cho biết, trên thực tế việc học trực tuyến và học trên truyền hình trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh của HS không đồng đều, nhất là HS các khối lớp dưới vì các em không bị áp lực thi cử như khối 9.

Vì vậy, nhà trường xác định phải có kế hoạch cụ thể cho việc HS quay trở lại trường. Trong đó, mỗi thầy cô giáo đều chuẩn bị những phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với từng nhóm HS trong lớp. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy nhà trường luôn động viên, khích lệ tinh thần và sự cố gắng của các em HS.

Trong 10 tuần cuối cùng này, nội dung giảng dạy ngoài các bài học mới của học kỳ 2 sẽ xoay quanh việc ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản và chú trọng rèn luyện kỹ năng giải bài tập cho từng em.

Chia sẻ quan điểm về việc học online không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả 100% với mọi HS, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội cho biết: Khi trở lại trường học, nhiệm vụ đầu tiên của các thầy cô là rà soát, ôn tập lại kiến thức để có phương án giúp mọi HS đều đạt chuẩn kiến thức kỹ năng theo yêu cầu.

Tăng cường thời gian học tập trung trên lớp, quan tâm đến những HS còn yếu… và thiết kế bài giảng theo đúng chương trình tinh giản Bộ GDĐT đã quy định thay vì áp dụng cách dạy, cách soạn bài truyền thống là cách nhà trường đang áp dụng.

Chạy đua để đảm bảo kiến thức - 1

Cả thầy và trò đều phải chạy đua để đảm bảo kiến thức.

Linh hoạt các hình thức dạy học

Trên thực tế, nhiều giáo viên cho biết sau khi nghiên cứu chương trình tinh giản của Bộ GDĐT mới thấy nếu không thay đổi cách giảng dạy thì khó lòng đảm bảo yêu cầu giảm tải cho việc học của cả thầy và trò.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) thông tin, Bộ đã có hướng dẫn tinh giản còn khi triển khai cụ thể, các nhà trường phải chủ động có kế hoạch chi tiết.

Ở đây không phải chỉ là việc sắp xếp thời khóa biểu, ca học trong ngày, trong tuần, mà là việc thiết kế nội dung dạy học để phù hợp với điều kiện về thời gian và các yếu tố khác.

“Tùy theo thực tế của mỗi nhà trường để xây dựng phương án ôn tập, củng cố, bù đắp kiến thức, kỹ năng còn thiếu hụt của học sinh khi học qua Internet, truyền hình.

Tuy nhiên, không nên bố trí HS học liên tục cả thứ bảy, chủ nhật, không có ngày nghỉ sẽ gây áp lực, kém hiệu quả”- PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nêu quan điểm.

Đối với những HS học trực tuyến không hiệu quả, cách làm của một số trường là tách những HS có khả năng tiếp thu kém hơn hoặc không có điều kiện học trực tuyến và học qua truyền hình riêng ra. Giáo viên dạy lớp bình thường xong thì quay lại dạy riêng đối tượng cần kèm cặp kỹ.

Ông Thành cho rằng không nhất thiết phải tách riêng, mà có thể tổ chức ôn tập trung cả lớp, coi sự tương tác giữa HS khá, giỏi với HS yếu, kém là một biện pháp hỗ trợ.

Ví dụ như chia các nhóm học tập để giao nhiệm vụ. Trong nhóm có cả HS giỏi, khá và yếu kém. Hướng dẫn HS phân công thực hiện nhiệm vụ phù hợp, trao đổi với nhau về nội dung bài học… Giáo viên chú ý hơn đến các em học còn yếu, kém để hướng dẫn qua chính các nhiệm vụ học tập mà các em đang được giao.

Trong khoảng 10 tuần từ nay đến khi kết thúc năm học, các chuyên gia cho rằng việc đa dạng, linh hoạt các hình thức học tập, ôn luyện, kiểm tra trên tinh thần linh hoạt, nhẹ nhàng, trong đó khối 9, 12 có kế hoạch riêng trên cơ sở định hướng chọn trường, chọn ngành cho các em sẽ đem lại hiệu quả tốt.

Cụ thể, dạy học, kiểm tra, vui chơi, rèn luyện thân thể, giải trí hợp lý sẽ giúp HS tiến bộ, giáo viên cũng đỡ bị áp lực vì phải dạy đi dạy lại nhiều lần một kiến thức.

Theo Thu Hương

Đại Đoàn Kết