Chính sách tài chính cho giáo dục nghề nghiệp: Đảm bảo công bằng về kinh phí

Trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” cuối tuần qua, nhiều hội thảo chuyên đề đã được tổ chức - nhằm hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Việt Nam.

Chính sách tài chính cho giáo dục nghề nghiệp: Đảm bảo công bằng về kinh phí - 1

Ảnh minh họa.

Đổi mới cơ chế chính sách trong lĩnh vực GDNN lâu nay đã được đề cập đến song đến nay vẫn còn nhiều khó khăn. Một trong số đó, vấn đề về thay đổi cấp kinh phí thế nào để công bằng và đảm bảo chất lượng đang là một nút thắt. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì sẽ khó đẩy GDNN phát triển.

Nhận diện khó khăn

Đặt câu hỏi đâu là những vấn đề của hệ thống GDNN của Việt Nam, ông Vũ Cương đến từ Ngân hàng Thế giới cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là hiện nay hệ thống GDNN của Việt Nam có phần yếu kém hơn các nước trong khu vực. Ví dụ như  phần cung cấp chất lượng để phát triển GDNN, giám sát đào tạo chất lượng của hệ thống, cung cấp dịch vụ... Hiện nay tỷ lệ chi ngân sách cho GDNN đang giảm dần, nếu như năm 2011 là 9% thì đến năm 2015 giảm xuống còn 6%. Trong khi đó số lượng trường nghề ngày càng tăng lên, chủ yếu là các trường công nên ngân sách đầu tư cho GDNN khó khăn. Vấn đề đặt ra là trong số các trường đó, có những trường nghề hoạt động không hiệu quả,... nên cần sắp xếp lại.

Tuy nhiên sắp xếp thế nào để đảm bảo sự khách quan, công bằng, không ảnh hưởng đến người lao động?

Theo ông Vũ Cương, có những ngành rất dễ xã hội hóa nhưng ngược lại, có ngành xã hội cần nhưng khó xã hội hóa. Vì vậy cần phải xem xét đến cơ chế đặt hàng các ngành đó ở các tỉnh hay trung ương nhằm phù hợp với phát triển chung.

Để đảm bảo công bằng, cần tạo cơ chế chính sách giúp các sinh viên nghèo khó khăn được Nhà nước hỗ trợ bằng chính sách tín dụng hoặc học bổng. Nếu các em chọn học ngành xã hội hóa thì Nhà nước có hỗ trợ nữa không? Ông Cương đề xuất nếu sinh viên không nghèo nhưng rất tài năng cũng nên có chính sách hỗ trợ giúp các em phát triển nghề nghiệp hơn.

Về yếu tố hiệu quả, ông Cương đề xuất cần ưu tiên đấu thầu tạo ra dịch vụ cạnh tranh và cung cấp dịch vụ hợp lý nhất. Đồng thời làm sao để trường tư có thể nhận đơn hàng đó từ Nhà nước, tức là cạnh tranh công bằng với trường công?

Cuối cùng là sử dụng đầu ra của GDNN như thế nào cũng cần được tính đến để thu hút người học.

“Cần áp dụng cơ chế thị trường quyết định đánh giá chất lượng của hệ thống GDNN. Chúng ta chọn trường cho con em mình học thì phải tìm hiểu kỹ về trường nên tôi đề nghị cần nhanh chóng cung cấp thông tin về trường để phụ huynh và xã hội tham khảo”- ông Cương nói và chia sẻ thêm, hiện Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới đang xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của các trường,  “buộc” các trường phải tự trình bày mình ra để các bên tự giám sát.

Các đề xuất thiết thực

Theo bà Liên Hương- Gám đốc Ban Quản lý GDNN vốn ODA, phát triển GDNN không thể thiếu nguồn lực. Những khó khăn về chính sách tài chính của GDNN là rất lớn do ngân sách nhà nước có hạn trong khi nguồn vốn ODA thì ngày càng thắt chặt. Như hiện nay, chính sách lãi suất tăng lên, thời hạn giảm xuống nên rất khó khăn cho hệ thống GDNN nói chung.

“Tổng cục GDNN cũng vừa tổ chức hội thảo về vốn vay ưu đãi của Chính phủ đối với các cơ sở GDNN. Trong đó khẳng định việc ra đời Nghị định 97 nhằm giảm gánh nặng của Chính phủ và tăng hiệu quả sử dụng vốn ODA là rất cần thiết. Tuy nhiên, GDNN là lĩnh vực khó thu hồi vốn trực tiếp nên chúng tôi đề nghị cần có những cơ chế riêng”- bà Hương đề xuất.

Cụ thể, về đối tượng vay lại trong Nghị định 97 chỉ có 2 đối tượng, trong đó hầu hết các cơ sở GDNN không thể tiếp cận vốn vay ODA. Với các dự án mới vẫn được cho vay lại với tỷ lệ cao. Điều này rất khó đối với các trường thuộc lĩnh vực GDNN vì học phí thấp, chi phí học thực hành cao, thu không bù chi...

Vướng mắc thứ hai là tài sản đảm bảo khi vay lại bằng 120% giá trị của khoản vay lại. Trong khi toàn các trường công lập không có tài sản riêng, toàn bộ là tài sản nhà nước. Bà Hương dẫn chứng vừa rồi có dự án được phê duyệt, 14/16 trường đảm bảo bằng tiền, 2 trường đảm bảo bằng tiền và tài sản nhưng số tiền này sẽ bị phong tỏa toàn thời gian khoảng 20 năm. Đó sẽ là sự lãng phí do không phục vụ cho tái đầu tư sản xuất, khó khăn cho các trường đẩy mạnh thực hiện tự chủ sau này.

Chính vì vậy, Việt Nam lỡ nhiều dự án vì các trường không đáp ứng được các yêu cầu để vay... Có nhà tài trợ đã sẵn sàng nguồn lực để cho vay nhưng không tiếp cận được do khó khăn về pháp lý.  Rồi thời gian thẩm định một dự án rất mất thời gian

Thay mặt các nhà tài trợ, bà Liên Hương đề xuất trong ngắn hạn cần thay đổi một số điều khoản của Nghị định 97, bao gồm đơn giản hóa các điều kiện để cởi mở các khoản vay. Tăng cường lĩnh vực GDNN và đẩy mạnh tự chủ, không thể để các trường tự bơi mà Nhà nước vẫn cần hỗ trợ. Đồng thời cũng kiến nghị cần áp dụng tỷ lệ vay lại 10% đối với các trường đào tạo các lĩnh vực độc hại do khó tuyển sinh, đầu tư lớn, Nhà nước không đầu tư thì họ sẽ dừng tuyển sinh, từ đó dẫn đến mất cung cầu. Các ngành còn lại sẽ vay theo mức độ tự chủ...

Chia sẻ quan điểm này, ông Cương cho rằng trước mắt GDNN cần sự hỗ trợ của Nhà nước, không thể tự bơi. Khi các trường đã đạt được tiêu chuẩn để tồn tại nhưng Nhà nước vẫn duy trì hỗ trợ không vĩnh viễn mà có thể từ 3-5 năm. Song song với đó là tăng trách nhiệm tài chính, đảm bảo xây dựng tăng cường khả năng tiếp cận học bổng, quỹ tín dụng của học viên hệ thống GDNN...

Theo Thu Hương

Đại Đoàn Kết