Chuẩn hóa đề thi, tránh sai sót

Bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi của kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào giữa tháng 5-2017.

Tính chính xác cũng như chất lượng của đề thi THPT quốc gia 2017 được đặc biệt chú ý sau những sai sót trong đợt khảo sát tập dượt cho kỳ thi này với đề thi toán và hóa của Hà Nội.

Không thể chủ quan trong khâu ra đề

Trước những băn khoăn về tính chính xác cũng như độ tin cậy của đề thi để phục vụ kỳ thi THPT quốc gia 2017, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), khẳng định bộ đang xây dựng đề thi trên cơ sở chuẩn hóa theo quy trình: viết câu hỏi thô, biên tập, chọn lọc, thẩm định, thử nghiệm, chỉnh sửa, rà soát kỹ trước nhằm tránh sai sót khi phát cho thí sinh.

Học sinh đang làm quen với các dạng đề thi trắc nghiệm. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Học sinh đang làm quen với các dạng đề thi trắc nghiệm. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Đến nay, ngân hàng đề thi phục vụ kỳ thi THPT quốc gia đã khá lớn và đủ chất lượng để kiểm tra kiến thức toàn diện của học sinh. Ông Trinh nhấn mạnh khác với các năm trước, mỗi thí sinh dự kỳ thi THPT năm nay đều có một mã đề riêng nên bắt buộc quy trình làm đề phải chuẩn hóa, các khâu phải tuân thủ chặt chẽ. “Bộ GD-ĐT xác định không thể chủ quan trong khâu ra đề nên ngay từ lúc này đã yêu cầu các sở GD-ĐT rà soát, báo cáo quy trình in sao đề thi để chủ động tránh sai sót” - ông Trinh cho biết.

Ma trận đề kỳ thi THPT quốc gia 2017 được xây dựng phù hợp với hình thức thi theo bài đã công bố trong phương án, theo hướng tiếp tục thực hiện đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức và các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng và ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi bảo đảm phân hóa kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Đến nay, Bộ GD-ĐT đã 2 lần công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm để học sinh và giáo viên có cơ sở ôn tập, chuẩn bị kỹ cho kỳ thi. Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đang được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng.

TS Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho hay cục đang tiếp tục triển khai xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi để công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016-2017 (dự kiến giữa tháng 5), giúp các cơ sở giáo dục và thí sinh tập dượt, làm quen với định dạng đề thi.

Công bố đề thi và đáp án

Đến nay, nhiều tỉnh, thành đã tổ chức các đợt khảo sát môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Tại Hà Nội, nhiều thí sinh bày tỏ lo lắng khi làm bài thi tổ hợp. Theo các em, quy định phải nộp lại đề thi, giấy nháp cho giám thị sau khi thi hết môn thứ nhất và thứ hai đã khiến thí sinh gặp khó khăn nếu muốn xem lại đề để kiểm tra kiến thức của bản thân cũng như dự đoán điểm thi nhằm chọn trường phù hợp với năng lực.

Giải tỏa lo lắng này, TS Sái Công Hồng cho rằng việc Bộ GD-ĐT quy định thí sinh phải nộp lại đề khi, giấy nháp khi làm xong môn đầu tiên và môn thứ hai trong buổi làm bài tổ hợp là muốn các em chú trọng làm bài ở môn đang thi, không bị mất tập trung khi xem lại môn đã thi trước đó. Bộ không quy định thí sinh phải nộp lại đề và giấy nháp ở môn thi cuối cùng.

Ông Hồng ví dụ trong buổi thi môn tổ hợp khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, nếu để lại đề và giấy nháp thì thí sinh có thể tập trung thời gian làm các môn để xét tuyển vào các trường ĐH, chứ không chú trọng làm những môn khác.

Ông Hồng khẳng định sau khi kết thúc bài thi tổ hợp, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngay đề và đáp án các môn thi lên website của bộ để thí sinh xem lại, đối chiếu kết quả, dự đoán điểm thi và lấy đó làm cơ sở chọn trường ĐH phù hợp với số điểm đã đạt được. Vì vậy, thí sinh cần tập trung làm các bài thi để có kết quả tốt.

Công bố danh sách 63 cụm thi

Bộ GD-ĐT vừa công bố danh sách 63 cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo quy định mới, năm nay, các cụm thi đặt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước do các sở GD-ĐT chủ trì.

Sở GD-ĐT có nhiệm vụ tổ chức hội đồng thi, căn cứ điều kiện thực tế thành lập các điểm thi tại trường hoặc liên trường phổ thông ở địa phương, bảo đảm thuận lợi cho thí sinh. Sở GD-ĐT còn chủ trì, phối hợp với các trường được giao nhiệm vụ tổ chức in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thông báo kết quả thi, phúc khảo, xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia và báo cáo về Bộ GD-ĐT theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH, CĐ có trách nhiệm phối hợp với các sở GD-ĐT tổ chức thi theo đúng quy chế.

Theo danh sách mới công bố, Hà Nội là cụm thi lớn nhất với sự phối hợp của 12 trường ĐH. Cụm thi TP HCM có sự tham gia của 9 trường ĐH.

Theo Yến Anh

Người Lao Động