Đắk Lắk: Đến năm 2030 sẽ xóa bỏ 223 điểm trường

(Dân trí) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh này giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, sẽ tiến hành sáp nhập 115 trường học các cấp và xóa bỏ 223 điểm trường.

Theo Đề án, giai đoạn 2018 - 2030, toàn tỉnh sẽ sáp nhập 115 trường học các cấp (mầm non 13 trường, tiểu học 95 trường, trung học cơ sở 7 trường); xóa bỏ 223 điểm trường (mầm non 122 điểm, tiểu học 76 điểm và trung học cơ sở 1 điểm) trên phạm vi toàn tỉnh.

Đắk Lắk: Đến năm 2030 sẽ xóa bỏ 223 điểm trường - 1

Ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk sẽ tiến hành sáp nhập 115 trường học từ mầm non đến THCS.

Đề án nêu rõ, đến năm 2021, sáp nhập 61 trường, xóa bỏ 184 điểm trường; đến năm 2025 sáp nhập 42 trường, xóa bỏ 33 điểm trường và đến năm 2030 sáp nhập 12 trường, xóa bỏ 6 điểm trường.

Sau khi thực hiện Đề án này, đến năm 2021 toàn tỉnh còn 906 trường học các cấp và 1.210 điểm trường (giảm 59 trường, 260 điểm trường so với năm 2018); đến năm 2025 là 864 trường, 1.180 điểm trường và đến năm 2030 chỉ còn lại 852 trường, 1.177 điểm trường.

Số lượng lãnh đạo, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục đến năm 2021 giảm 2.664 người so với năm 2015, đến năm 2025 giảm 239 người so với năm 2021 và đến năm 2030 tăng 149 người so với năm 2025.

Được biết, theo số liệu năm 2018 toàn ngành có 965 trường, 1.470 điểm trường, 15.000 lớp và 434.361 học sinh từ mầm non đến THPT. Số lượng lãnh đạo, giáo viên, nhân viên của ngành có 32.767 người.

Theo Sở GD-ĐT Đắk Lắk, việc sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với nhu cầu thực tế của từng địa phương. Ra soát, sắp xếp điều chỉnh lại quy mô lớp học, số lớp, số học sinh hợp lý, thu gom lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và thuận lợi thực tế mỗi địa phương, mỗi vùng.

Việc thực hiện sáp nhập điểm trường phải thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Khắc phục tình trạng lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao từ đó có điều kiện tập trung nguồn lực và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững; giữ vững tính ổn định về mạng lưới trường lớp, chất lượng GD-ĐT và bảo đảm nhu cầu học tập của người dân, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, mỗi vùng.

Cũng theo Sở GD-ĐT, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và trong đội ngũ lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên và nhân dân để tạo sự đồng thuận với Đề án này. Đồng thời, phối hợp với Sở Nội vụ có văn bản hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư; Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu chính sách đối với lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh để triển khai thực hiện Đề án”, vị lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay.

Ngoài ra, cuối mỗi giai đoạn triển khai đề án tổ chức tổng kết việc triển khai để tham mưu UBND tỉnh có những điều chỉnh, bổ sung.

Thúy Diễm