Đào tạo theo định hướng ứng dụng trong các trường đại học ở Việt Nam

Chính phủ đã ban hành nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, có hiệu lực từ 25/10/2015. Theo quy định, cơ sở giáo dục đại học được phân thành 3 tầng: định hướng nghiên cứu; định hướng ứng dụng và định hướng thực hành.

Để đáp ứng với thị trường nguồn nhân lực, một số trường đại học đã có xu hướng dịch chuyển quá trình đào tạo từ đào tạo theo tiếp cận nội dung sang đào tạo theo tiếp cận năng lực. Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên đã hoàn thiện sứ mạng, tầm nhìn của mình trước cuộc cách mạng 4.0 và bối cảnh hội nhập quốc tế thông qua chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước và khu vực miền núi phía Bắc. Năm học 2016 - 2017, Trường tiến hành hàng loạt các hoạt động về đổi mới chương trình và tổ chức đào tạo nhằm trang bị cho người học những nội dung họ và xã hội cần thay vì những nội dung nhà trường và giảng viên có; Tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong mối quan hệ gắn kết với doanh nghiệp để tăng cường hoạt động trải nghiệm của sinh viên, sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.

Để tìm hiểu về định hướng đào tạo của nhà trường, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Tảo - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường và TS Lê Hùng Linh - Trưởng Phòng Đào tạo.


TS. Nguyễn Văn Tảo - Hiệu trưởng nhà trường và TS. Lê Hùng Linh - Trưởng phòng Đào tạo.

TS. Nguyễn Văn Tảo - Hiệu trưởng nhà trường và TS. Lê Hùng Linh - Trưởng phòng Đào tạo.

Xin chào TS Nguyễn Văn Tảo và TS Lê Hùng Linh, xin chân thành cảm ơn hai thầy đã nhận lời mời của chúng tôi. Trước tiên, các thầy có thể cho biết căn cứ trên những cơ sở nào nhà trường quyết định điều chỉnh chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng?

TS Nguyên Văn Tảo: Theo quy định của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các trường đại học được phân thành 03 tầng: cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành; căn cứ vào sứ mạng, tầm nhìn của nhà trường trong bối cảnh mới; Dựa vào kết quả khảo sát từ thị trường lao động; căn cứ điều kiện thực tiễn của nhà trường, Lãnh đạo chủ chốt của nhà trường đã thảo luận rất kỹ và lựa chọn theo định hướng ứng dụng là phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay.

Vâng, vậy thưa thầy, những nhiệm vụ trọng tâm nhà trường đã thực hiện để định hướng theo ứng dụng là gì?

TS Nguyễn Văn Tảo: Có rất nhiều nhiệm vụ cần thực hiện trong giai đoạn dịch chuyển, nhưng lãnh đạo nhà trường đã thống nhất tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Phát triển chương trình đào tạo trong mối quan hệ gắn kết với thị trường lao động; Tổ chức thực hiện chương trình đào tạo đạt chuẩn đầu ra để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng; Xây dựng cơ chế phối hợp với doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp trong phát triển chương trình, tổ chức đào tạo và đánh giá chương trình đào tạo, hỗ trợ sinh viên sau tốt nghiệp. Trong đó nhấn mạnh đổi mới đó là tăng sự gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp.

Về xây dựng và quản lý chương trình theo định hướng ứng dụng, TS Lê Hùng Linh sẽ chia sẻ thêm về chương trình hành động cụ thể của nhà trường.

TS Lê Hùng Linh: Năm học 2016 - 2017, nhà trường đã phát triển 17 chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng và bắt đầu tổ chức thực hiện từ năm học 2017 - 2018 với mục tiêu sinh viên ra trường đáp ứng thị trường tuyển dụng và đáp ứng theo chuẩn AUN. Trên cơ sở đó xây dựng các khối kiến thức và đề xuất các môn học; xây dựng đề cương chi tiết môn học. Trong quá trình xây dựng chương trình mỗi giảng viên trong từng chuyên ngành đều phải trả lời được câu hỏi: Môn học này góp phần hình thành năng lực nào của sinh viên? Tổ chức thực hiện chương trình như thế nào để phát triển năng lực người học? Chương trình này đã được đánh giá bởi 60 chuyên gia đến từ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo khác và hiệp hội nghề nghiệp, viện nghiên cứu. Chương trình mới thay đổi một cách căn bản về cách dạy, cách học và hình thức kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt là tăng thời lượng học tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp của sinh viên, tạo nhiều cơ hội để sinh viên được rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tham gia các dự án… Điều khác biệt nữa là nhà trường đã huy động được doanh nghiệp, cựu sinh viên tham gia sâu vào quá trình phát triển chương trình, quá trình đào tạo và đánh giá kết quả đào tạo sinh viên.

Rất cảm ơn hai thầy đã chia sẻ thông tin, vậy trong quá trình thực hiện nhà trường đã gặp thuận lợi và khó khăn gì?

TS Nguyễn Văn Tảo: Thuận lợi lớn nhất của nhà trường là sự quyết tâm và đồng thuận trong cán bộ chủ chốt, giảng viên và nhân viên nhà trường trong quá trình điều chỉnh, tổ chức chương trình đào tạo và sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi gặp khó khăn trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, thay đổi thói quen dạy học của giảng viên và sinh viên, sự chênh lệch trong năng lực đầu vào của sinh viên với yêu cầu nguồn lực chất lượng của thị trường lao động.

Vậy những năm tiếp theo, nhà trường sẽ có định hướng gì để khắc phục những khó khăn trên?

TS Nguyễn Văn Tảo: Định hướng chiến lược của nhà trường là phân nhóm chương trình đào tạo đại học theo hai hướng: chương trình đại học theo hướng ứng dụng và chương trình đại học chất lượng cao theo định hướng nghiên cứu; chương trình thạc sĩ theo hai hướng: nghiên cứu và ứng dụng. Người học sẽ căn cứ vào năng lực thực tiễn của bản thân và định hướng đầu ra để lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp. Để tổ chức có hiệu quả các chương trình đào tạo, giảng viên nhà trường sẽ thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn để đáp ứng tốt mục tiêu đào tạo. Đồng thời, cùng với việc lấy giảng viên nhà trường làm nòng cốt Trường sẽ mời chuyên gia có uy tín, các doanh nhân thành đạt theo đúng chuyên ngành tham gia quá trình đào tạo, phát triển năng lực cho giảng viên và sinh viên; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học gắn giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn với giảng viên và sinh viên.

Phương châm hợp tác với doanh nghiệp là cùng chia sẻ lợi ích trong đào tạo - thực hành, thực tập, thực tế - đánh giá kết quả - cung cấp và sử dụng nguồn nhân lực, qua đó đem lại lợi ích cuối cùng cho người học.

Lãnh đạo nhà trường đã xác định rất rõ vai trò của cựu sinh viên, học viên trong sự phát triển của nhà trường. Do vậy, chúng tôi sẽ tập trung phát triển tăng cường sức ảnh hưởng của "Hội cựu sinh viên" trong điều chỉnh chương trình đào tạo, trong tổ chức đào tạo và rèn kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Để những nhiệm vụ trọng tâm được triển khai có hiệu quả, chúng tôi đã xác định rất rõ các điều kiện sau: sự thay đổi tư duy, cách thức quản lý từ Ban giám hiệu, lãnh đạo phòng, lãnh đạo khoa, trung tâm; sự năng động, tích cực, sáng tạo của giảng viên, sinh viên trong thiết lập và duy trì mối quan hệ với thế giới nghề nghiệp; sự phối hợp từ cựu sinh viên, học viên với nhà trường.

Rất cảm ơn hai thầy đã có những chia sẻ về định hướng phát triển của nhà trường. Kính chúc sức khỏe hai thầy cùng gia đình, chúc Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông phát triển bền vững!

Hoàng Vũ