Đề tham khảo môn tiếng Trung: Xuất sắc mới đạt điểm tuyệt đối

(Dân trí) - Trong số 50 câu hỏi của đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 môn tiếng Trung, có khoảng 70% câu hỏi ở mức độ trung bình - mức độ nhận biết và thông hiểu.

Đó là nhận định của cô Bùi Thị Lan, giáo viên môn tiếng Trung, Trường THPT Chuyên Ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Giảm độ khó

Cô Lan đánh giá, nhìn chung, đề thi tham khảo môn tiếng Trung Quốc được xây dựng bài bản, chi tiết, độ phân hóa tốt, nội dung phù hợp, có khả năng phát huy tính sáng tạo của học sinh, đảm bảo mục đích chính của kỳ thi.

Đề tham khảo vẫn gồm 50 câu, thời gian làm bài 60 phút. So với đề thi THPT quốc gia những năm trước, về cơ bản, đề thi tham khảo này có mức độ khó giảm rõ rệt.

Các nội dung môn học được hướng dẫn tinh giản trước đó không xuất hiện trong đề thi tham khảo.

Việc điều chỉnh về độ khó và cấu trúc đề thi tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc xét công nhận tốt nghiệp theo quy chế mới.

“Với thí sinh có học lực khá trở lên, thời gian làm bài có thể ngắn hơn khoảng 30-40%”, cô Lan nhận định.

Các câu hỏi trong đề thi bao gồm cả các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trong đó, các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm tỷ lệ lớn hơn hẳn.

Đề tham khảo môn tiếng Trung: Xuất sắc mới đạt điểm tuyệt đối - 1

Học sinh có học lực trung bình có thể tự tin làm bài đạt mức điểm đỗ tốt nghiệp.

Theo cô Lan, trong số 50 câu hỏi của đề thi tham khảo, có đến khoảng 70% câu hỏi ở mức độ trung bình - mức độ nhận biết và thông hiểu, chỉ có khoảng 20% câu hỏi mức vận dụng, 10% câu hỏi mức độ vận dụng cao.

Như vậy, học sinh học lực trung bình có thể tự tin làm bài đạt mức điểm đỗ tốt nghiệp.

Các câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu chủ yếu xoay quanh các kiến thức về từ vựng và ngữ pháp cơ bản, nội dung dễ hiểu, gần gũi với đời sống văn hóa và giao tiếp hàng ngày.

Nội dung các bài đọc hiểu cũng là những chủ đề gần gũi, thiết thực với lứa tuổi học sinh, có tính giáo dục cao.

Cô Trương Hải Yến, giáo viên môn tiếng Trung, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên (Thái Nguyên) nhận định: “Thí sinh chỉ cần nắm chắc nội dung của sách giáo khoa là có thể làm bài đạt điểm 6-7”.

Bài đọc đề cập triết lí nhân sinh

Theo một số giáo viên, nội dung các câu hỏi trong đề thi chính xác, dễ hiểu, chủ yếu gắn với chủ đề nhà trường, thầy cô, bạn bè, việc học tập và cách đối nhân xử thế trong xã hội.

Đặc biệt, chủ đề bài đọc đề cập tới đời sống học tập và sinh hoạt của học sinh, mang lại cảm giác gần gũi, thân quen, phù hợp với môi trường, lứa tuổi học sinh.

Ngoài ra, bài đọc còn đề cập đến triết lí nhân sinh, giúp bổ sung kiến thức xã hội, rèn luyện cho học sinh cách đối nhân xử thế cũng như khả năng ứng biến, thái độ trong học tập và làm việc.

Ngoài ra, đề tham khảo môn tiếng Trung bao gồm các mảng nội dung thiết yếu của chuyên ngành ngoại ngữ như: ngữ âm, chữ Hán, từ vựng, ngữ pháp…

Các câu hỏi của đề thi có cách hỏi khá đa dạng, như điền vào chỗ trống; chọn vị trí đúng của từ/cụm từ; giải thích từ/cụm từ; chọn đáp án đúng cho bài đọc; chọn đáp án đúng hoàn thành đoạn văn…

Các dạng bài tập phong phú, trải rộng như vậy giúp kiểm tra đánh giá được kiến thức cũng như kỹ năng ngoại ngữ, đồng thời khuyến khích khả năng phân tích, suy đoán, tư duy, tổng hợp của học sinh.

Đề tham khảo môn tiếng Trung: Xuất sắc mới đạt điểm tuyệt đối - 2

Những học sinh có học lực xuất sắc mới có thể đạt điểm tuyệt đối.

Xuất sắc mới đạt điểm tuyệt đối

Theo cô Yến, mặc dù đề thi không có những câu hỏi đánh đố nhưng để đạt được điểm tuyệt đối cũng không phải dễ dàng.

Đề tham khảo đòi hỏi khả năng phân tích, liên kết và nắm được ý của bài cùng khả năng tư duy, vận dụng thực tế, yêu cầu học sinh phải phân biệt được ý nghĩa hoặc cách dùng của từ ngữ khó đó.

Vì vậy, đề này có tính phân loại với đối tượng học sinh trung bình và học sinh khá, giỏi. Những học sinh có học lực xuất sắc mới đạt điểm tuyệt đối.

Các câu hỏi khó có thể xuất hiện ở phần ngữ pháp, từ vựng, đặc biệt là phần hư từ, từ đồng nghĩa, cận nghĩa, giải nghĩa cụm từ cố định, đồng thời cũng xuất hiện ở các câu hỏi suy luận hay tổng hợp thông tin ở bài đọc.

Các bài đọc không chỉ yêu cầu học sinh hiểu được nội dung cơ bản mà cần có sự suy luận logic, kết hợp kiến thức từ vựng, ngữ pháp mới có thể làm tốt được các câu vận dụng cao.

Như vậy, đề thi tham khảo, ngoài việc giúp học sinh thử sức, tiếp cận đề thi hoàn chỉnh còn có tác dụng định hướng trong việc dạy học của giáo viên, là cơ sở để giáo viên THPT xây dựng được đề thi tham khảo cho học sinh trường mình, tiếp cận với đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, giáo viên môn tiếng Trung Quốc, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) cho rằng, thông qua đề thi tham khảo, có thể thấy việc dạy và học ở trường phổ thông hiện nay cần đúng bản chất, chắc kiến thức sách giáo khoa...

Nhà trường không nên chạy theo mẹo vặt, thủ thuật, vì những kiến thức đó không tồn tại được lâu và đề thi hoàn toàn có thể hóa giải được được điều này.

Quỳnh Nguyễn