Điểm xét tốt nghiệp THPT quốc gia 2019: Băn khoăn tỉ lệ 70/30

Năm 2007, tỉ lệ tốt nghiệp THPT giảm xuống mức kỷ lục, dưới 70%. Với cách tính điểm mới Bộ GDĐT dự kiến áp dụng, liệu lịch sử này có lặp lại? Hay vẫn duy trì ở mức trên 90% như những năm gần đây?


Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia những năm gần đây đều trên 90%.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia những năm gần đây đều trên 90%.

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu như điểm xét tốt nghiệp THPT gồm: 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) sẽ bất lợi cho học sinh có học lực trung bình.

Thầy Lê Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) lấy ví dụ, học sinh có học lực trung bình hoặc khá thường có thể đạt điểm trung bình trung, học tập cao nhất chỉ là 7. Nếu điểm thi chỉ đạt trung bình 4 điểm/môn thì theo cách tính mới vẫn trượt tốt nghiệp. Trong khi những năm trước, không ít thí sinh chỉ cần được 2-3 điểm/môn cũng có thể đỗ tốt nghiệp nhờ điểm học bạ cao và chiếm tỉ lệ 50%.

Còn theo tính toán của TS Lê Thị Thanh Mai (ĐH Quốc gia TPHCM), nếu áp dụng công thức của năm 2019, khả năng sẽ có 116.103 học sinh đủ điểm xét tốt nghiệp năm 2018 sẽ trở thành không đủ điểm để xét tốt nghiệp năm 2019. Nói cách khác, tỉ lệ tốt nghiệp sẽ giảm gần 15%.

Tuy nhiên, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT những năm gần đây đều duy trì ở mức trên 90% (năm 2014: 99,09%; năm 2015: 91,58; năm 2016: 92,93; năm 2017: 97,42 và năm 2018: 97,57). Liệu năm 2019, kịch bản trên 90% sẽ lặp lại?

TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng có 3 yếu tố để có thể dự đoán tỉ lệ tốt nghiệp 2019 tuy có thể giảm nhưng chỉ giảm ít, thậm chí vẫn ở mức trên 90%. Một là như đã công bố, đề thi năm 2019 sẽ chỉ chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và ở mức độ dễ hơn để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Hai là điểm khuyến khích và điểm ưu tiên vẫn tiếp tục được áp dụng. Ba là, theo xu thế “nước lên thuyền lên”, nhiều trường THPT sẽ nâng điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh lên cao hơn nữa.

Thực tế, đề thi minh họa THPT quốc gia năm 2019 Bộ GDĐT công bố đầu tháng 12 vừa qua được đánh giá là có mức độ khó giảm rõ rệt so với năm 2018. Đặc biệt, phạm vi kiến thức ôn tập như trước đó Bộ công bố bao gồm cả lớp 10, 11, 12, trong đó kiến thức lớp 12 là chủ yếu chưa được thể hiện rõ trong đề thi minh họa khi số câu hỏi liên quan đến kiến thức lớp 10,11 hầu như rất ít hoặc không có. Mặc dù không giới hạn kiến thức chỉ nằm trong chương trình lớp 12 nhưng qua đề thi minh họa, nhiều trường THPT cho biết sẽ tập trung vào ôn tập các nội dung của năm cuối cấp, các năm trước chỉ hệ thống lại.

Hiện Bộ GDĐT vẫn đang lắng nghe để quyết định tỉ lệ chính thức cuối cùng của điểm thi THPT quốc gia và điểm trung bình năm lớp 12. Mặc dù có một số ý kiến băn khoăn tỉ lệ 70/30 chưa thuyết phục khi Bộ chủ trương đánh giá học tập theo cả quá trình và mục tiêu giáo dục toàn diện chúng ta đang theo đuổi. Tuy nhiên, nếu trở lại tỉ lệ 50:50 như trước đây với kết quả học tập năm lớp 12 cao chót vót thì thí sinh chỉ cần 2,3 điểm đã có thể tốt nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng lãng phí.

Thầy Đặng Danh Hướng - giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) ủng hộ phương thức tính điểm mới đang được đề xuất với lý do sẽ phân loại học sinh tốt hơn, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo được sự công bằng, khách quan trong xét tốt nghiệp cũng như công nhận tốt nghiệp cho học sinh. Nhất là trong bối cảnh nhiều trường phổ thông đang có biểu hiện nâng điểm quá đà cho học sinh mà không đánh giá đúng trình độ nhận thức của các em (hay nói đúng hơn là chạy theo thành tích ở một số trường THPT).

Bên cạnh đó, với cách tính điểm mới này yêu cầu học sinh phải có thái độ học nghiêm túc hơn, không được ỷ lại và mong chờ sự cứu vớt của thầy cô thông qua việc nâng đỡ điểm trung bình năm học lớp 12.

Về phía các trường ĐH, nhiều trường sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ song song với các hình thức xét tuyển khác đều bày tỏ mong muốn các trường THPT đánh giá học sinh đúng năng lực, thực chất, tránh “tô hồng học bạ” sẽ rất khó cho các trường khi lựa chọn thí sinh phù hợp.

* Trước tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của nhiều địa phương, trong đó có nhiều tỉnh miền núi quá cao, dư luận đặt câu hỏi là kết quả này có phản ánh đúng chất lượng học tập và giảng dạy? Có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia hay không?

Theo Điều 31 của Luật Giáo dục hiện hành thì học sinh học hết 12 năm phải thông qua kỳ thi để được công nhận tốt nghiệp do Bộ GDĐT quy định. Bởi vậy không thể bỏ được kỳ thi này. Có thể nghiên cứu sửa đổi Luật Giáo dục nhưng điều quan trọng của kỳ thi còn để đánh giá việc dạy và học ở các đơn vị giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, giữ được kỳ thi thi này thì chất lượng dạy học phổ thông sẽ tốt lên, do tâm lý chung là không thi thì không học. Về điểm học bạ như chiếc “phao cứu sinh” của học sinh, Bộ sẽ từng bước tiến tới đánh giá điểm học bạ ở một mức độ nhất định, còn lại phải tăng vai trò của điểm thi để kỳ thi có ý nghĩa cao hơn, thực chất hơn.

Theo Hàn Minh

Giáo dục & Thời đại