Dự thi lớp 6 trường chuyên Hà Nội: Có 2 điểm 9 sẽ bị loại từ vòng sơ tuyển?

Kỳ tuyển sinh lớp 6 THCS tại nhiều trường học tại Hà Nội năm học 2019 - 2020 được dự báo khá căng thẳng ở các trường chuyên, trường chất lượng cao, trường ngoài công lập nổi tiếng. Trong đó, nhiều phụ huynh cảm thấy “sốc” trước quy định phải có hầu hết điểm 10 từ lớp 1 đến lớp 5 mới được dự thi vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.

 

Dự thi lớp 6 trường chuyên Hà Nội: Có 2 điểm 9 sẽ bị loại từ vòng sơ tuyển? - 1

Tuyển sinh lớp 6, lớp 10 tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam luôn căng thẳng bởi qua 2 vòng sơ tuyển và thi với nhiều tiêu chí cao. (Ảnh: Chí Cường)

 

Tiêu chí sơ tuyển quá cao

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6 THCS Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, năm học 2019 - 2020. Cụ thể, để vào được trường chuyên này, học sinh sẽ phải qua hai vòng sơ tuyển và kiểm tra năng lực. Đối với sơ tuyển, thí sinh phải có tổng điểm học tập cấp tiểu học và điểm ưu tiên đạt từ 139 điểm trở lên. Trong đó, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm của môn Toán, tiếng Việt trong 2 năm học lớp 1 và 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên. Như vậy, học sinh chỉ được phép duy nhất 1 điểm 9.

Đối với năm lớp 3, tổng số các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 2 môn Toán, Tiếng Việt phải đạt 20 điểm. Đến năm lớp 4 và 5, từng năm phải đạt điểm 10 của tất cả 4 bài kiểm tra các môn: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý. Ngoài ra, học bạ của học sinh các năm từ lớp 3 phải đạt “hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”. Thí sinh có điểm sơ tuyển từ 139 trở lên sẽ tham gia vòng 2 với 3 môn kiểm tra đánh giá năng lực (Vòng 2): môn Toán, tiếng Việt và tiếng Anh, mỗi môn làm bài trong thời gian 45 phút, điểm tính theo thang điểm 10.

Háo hức với mong muốn con được học ngôi trường chuyên nổi tiếng có cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên bậc nhất Thủ đô, vậy nên thông tin tuyển sinh lớp 6 của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam được công bố thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh. Tuy nhiên, sau khi biết được chi tiết thông tin tuyển sinh với những tiêu chuẩn khó như trên, nhiều phụ huynh có ý định cho con dự tuyển vào trường này cảm thấy “hụt hẫng” vì những tiêu chí quá khó, nhiều học sinh trượt ngay từ vòng 1, chỉ vì suốt những năm học tiểu học con “chẳng may”… có điểm 9.

Thất vọng với phương thức sơ tuyển khó như trên, phụ huynh Trần Phương Thảo có con đang học lớp 5 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội tâm sự: “Biết là cả thành phố có một trường chuyên nên việc tuyển sinh rất khó, nhưng tiêu chí đưa ra toàn điểm 10 như thế là rất khó, trong khi cấp tiểu học luôn được đánh giá là vừa học vừa chơi là chính, ít ai rèn con để đạt điểm 10 tất cả các môn từ năm lớp 1. Ngay cả các môn phụ như Khoa học Lịch sử và Địa lý cũng yêu cầu điểm 10 nữa thì không phải học sinh nào cũng đạt, thông tin này khiến tôi cảm thấy thất vọng vì lơ là chuyện học của con từ năm lớp 1”.

Có làm gia tăng học thêm, “làm đẹp” học bạ?

Dù đồng tình với việc sẽ có quá đông thí sinh tham gia tuyển sinh, nên nhà trường “gạt” bằng cách nâng tiêu chí, song không ít phụ huynh cho rằng, cách sơ tuyển của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam có phần hà khắc, các năm tới sẽ khiến nhiều phụ huynh ép con phải học từ ngay lớp 1, thậm chí “chạy điểm” để học bạ toàn điểm 10. “Nếu đã có kiểm tra năng lực, nên tạo cơ hội cho nhiều học sinh tham gia, bởi có những học sinh lớp 1, 2 học chưa tốt nhưng các lớp tiếp theo lại học tốt. Chỉ vì chẳng may có điểm 8 hay 9 đôi khi là do sơ xuất mà học sinh tiểu học rất dễ mắc phải mà không được thi là chưa thực sự công bằng”, phụ huynh Hoàng Lâm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.

Không chỉ riêng trường chuyên, kỳ tuyển sinh lớp 6 năm nay tại Hà Nội được đánh giá cũng hết sức căng thẳng, nhất là ở các trường công lập chất lượng cao, trường thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge (7 trường THCS công lập), hàng loạt trường ngoài công lập nổi tiếng khác như: Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, THCS Đoàn Thị Điểm, Phổ thông liên cấp Marie Curie… Hầu hết các trường này đều có tiêu chí xét tuyển và áp dụng hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực “đầu vào”.

Về công tác tuyển sinh lớp 6 hiện nay tại Hà Nội, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết: “Bậc THCS đã là thực hiện phổ cập, do đó học sinh được đảm bảo về chỗ học. Tâm lý phụ huynh mong muốn con vào trường điểm, trường chuyên cũng khá phổ biến và chính đáng. Tuy nhiên, việc xét học bạ với yêu cầu cao dễ nảy sinh tình trạng “làm đẹp” học bạ, còn đối với tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực, rất dễ phát sinh các dịch vụ ôn luyện vì thế cần công khai minh bạch để phụ huynh và học sinh nắm rõ. Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT phải kiểm soát hoạt động kiểm tra, đánh giá năng lực để tránh học thêm, luyện thi tràn lan”.

Liên quan đến tuyển sinh vào lớp 6, đối với việc kiểm tra, đánh giá năng lực, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, các quận, huyện, thị xã quy định bài kiểm tra, đánh giá năng lực vào lớp 6. Điểm kiểm tra là tổng điểm các bài kiểm tra, đánh giá năng lực được tính theo thang điểm 10, hình thức kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận. “Nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành của Bộ GD&ĐT, đảm bảo yêu cầu bốn cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao”, ông Đại thông tin thêm.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2019 - 2020, số học sinh vào lớp 6 là 132.500 em, tăng 2.000 em so với năm trước. Điểm mới trong công tác tuyển sinh lớp 6 năm học 2019 - 2020 là Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và các trường THCS công lập chất lượng cao (THCS Cầu Giấy, THCS Thanh Xuân, THCS Nam Từ Liêm) sẽ không phân theo tuyến (quận, huyện). Nếu trường có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu thì áp dụng tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực.

Theo Quang Anh

Gia đình & Xã hội