Hết thời luyện thi cấp tốc

Đã bước vào cao điểm của các khóa luyện thi cấp tốc nhưng nhiều trung tâm không một bóng người.

Tháng 5, khi học sinh chuẩn bị kết thúc năm học, nhiều trung tâm luyện thi ĐH rầm rộ thông báo chiêu sinh các khóa luyện thi cấp tốc. Nhiều trung tâm luyện thi của các trường ĐH cũng như các trung tâm bên ngoài luôn tấp nập người đến đăng ký, chậm chân thì không còn chỗ... Nhưng đó là hình ảnh của 6-7 năm trước, nay các trung tâm rơi vào cảnh chợ chiều.

Không đủ học viên mở lớp

"Mỗi lớp luyện thi chỉ còn 7, 8 học viên mà thôi. Đó là những thí sinh tự do muốn thi lại vào trường nhóm 1 nên đăng ký ôn tại trung tâm từ sau kỳ thi THPT quốc gia 2017. Từ vài năm trước, lượng học sinh đăng ký đã ngày càng giảm mạnh, đến nay thì hầu như không thể mở lớp được"- ông Đặng Văn Thành, phụ trách hotline của Trung tâm Luyện thi ĐH CLC Vĩnh Viễn (TP HCM), than thở.

Sau gần 20 năm thành lập, Trung tâm Luyện thi ĐH CLC Vĩnh Viễn từng phát triển mạnh với số lượng học sinh đăng ký đông đúc, thu hút khá đông học sinh từ các tỉnh thành. Nhưng nay trung tâm này đứng trước nguy cơ giải thể lớp ôn thi THPT quốc gia.

Trung tâm Luyện thi của Trường ĐH Sư phạm TP HCM vắng vẻ. (Ảnh: Tường Vy)
Trung tâm Luyện thi của Trường ĐH Sư phạm TP HCM vắng vẻ. (Ảnh: Tường Vy)

Các trung tâm luyện thi khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa và Luyện thi ĐH của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM hiện đang chiêu sinh khóa luyện thi cấp tốc dự kiến được tổ chức từ ngày 14-5 đến 17-6. Theo thông tin từ tờ rơi và trên trang mạng của trung tâm thì môn toán sẽ học 8 tiết/tuần, các môn vật lý, hóa, tiếng Anh, sinh, văn có thời lượng 4 tiết/tuần. Dù đã thông báo chiêu sinh nhưng một đại diện của trung tâm cho biết gần đến ngày khai giảng mới biết số lượng học sinh đăng ký là bao nhiêu, lúc đó mới quyết định có mở lớp hay không.

Bên trong Trung tâm Luyện thi của Trường ĐH Sư phạm TP HCM, có treo băng rôn chiêu sinh, tổng khai giảng các lớp ôn và luyện thi ĐH cấp tốc tháng 3-2018. Liên hệ với số điện thoại in trên băng rôn, chúng tôi được biết lớp luyện thi cấp tốc không thể mở vì quá ít học sinh đăng ký.

Tại Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức của Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cán bộ ghi danh cũng cho biết do quá ít học sinh đến đăng ký nên không thể mở lớp.

Đã lỗi thời!

Các trung tâm luyện thi ĐH từng có thời rất sôi động nhưng nay rơi vào cảnh điều hiu. Phải chăng cánh cửa vào ĐH đã rộng mở hơn xưa hay có nhưng hình thức ôn thi khác hiệu quả hơn thay thế?

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho biết ngay khi bước vào năm học, nhà trường tăng cường buổi 2 để ôn tập và hệ thống kiến thức cho học sinh sau những bài học mới. Ở trường, thầy cô có thể hằng ngày theo sát quá trình ôn tập của các em, học sinh nào kiến thức hổng thì thầy cô sẽ hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

TS Phạm Hồng Danh, Giám đốc Trung tâm Luyện thi ĐH CLC Vĩnh Viễn, cho rằng số lượng học sinh lớp 12 luôn giảm dần theo từng năm nhưng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ lại tăng làm cho cánh cửa vào ĐH không còn khó khăn như trước. Đề thi THPT quốc gia cũng không khó như đề thi ĐH trước đây nên học sinh chỉ cần ôn thi tại trường là đủ.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết phần lớn các trường ĐH hiện nay rơi vào tình trạng thiếu người học, nhiều trường công lập có điểm trúng tuyển nhiều ngành từ sàn đến 21-22, mức điểm này không quá khó đối với thí sinh thi THPT quốc gia. Chỉ những học sinh muốn thi đỗ vào trường tốp đầu mới cần tìm đến thầy giỏi nên các em không cần phải đến trung tâm để luyện thi đại trà như trước đây.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng mức độ tiếp cận internet của người Việt Nam rất nhanh, trong đó có lứa tuổi học sinh đã tác động mạnh đến lối dạy học truyền thống. Thay vì phải đến lớp học tập trung như trước đây, nay học sinh có thể học online với giáo viên giỏi ở mọi lúc, mọi nơi.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết trong những năm qua, rất nhiều trung tâm luyện thi ĐH phải đóng cửa vì không có người học. Tình hình này cũng sớm đặt dấu chấm hết cho loại hình luyện thi ĐH truyền thống vốn một thời nhộn nhịp.

Theo Tường Vy - Huy Lân

Người Lao Động