Làm gì để giảm gian lận trong kỳ thi THPT​ Quốc gia năm 2019?

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ siết chặt tất cả các khâu của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 để đảm bảo cao nhất tính nghiêm túc, an toàn.

Kết quả điều tra của vụ gian lận thi cử năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình ngay khi được công bố chính thức đã khiến nhiều người bức xúc. Từ kinh nghiệm đáng buồn này, Bộ GD-ĐT cho biết năm nay sẽ siết chặt tất cả các khâu để giảm tới mức tối đa tình trạng gian lận thi cử.

Đại diện nhiều trường đại học tại TP HCM cho rằng, nếu Bộ làm tốt các giải pháp đã đề ra và có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan từ khâu làm đề, coi thi, bảo quản bài thi và chấm điểm thì kết quả sẽ khách quan, tạo niềm tin cho xã hội.

Làm gì để giảm gian lận trong kỳ thi THPT​ Quốc gia năm 2019? - 1..jpg

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ siết chặt tất cả các khâu của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 (ảnh minh họa)

 

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ siết chặt tất cả các khâu của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 để đảm bảo cao nhất tính nghiêm túc, an toàn nhằm mang lại sự công bằng cho tất cả thí sinh. Trách nhiệm của các bên liên quan trong khâu tổ chức kỳ thi đã được quy định cụ thể trong văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT ban hành cách đây không lâu.

Việc ứng dụng công nghệ cũng được triển khai mạnh mẽ nhằm nâng cao sự giám sát trong suốt quá trình coi thi, bảo quản bài thi và chấm thi. Công tác thanh tra, giám sát tại các điểm thi ở tất cả các khâu cũng được nâng cao.

Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Mọi giải pháp kỹ thuật hay công nghệ cuối cùng đều do con người làm ra. Do vậy, việc lựa chọn người tham gia các khâu của kỳ thi là rất quan trọng. Lựa chọn đúng những người có trách nhiệm, ý thức rồi thì phải tập huấn kỹ hơn, nâng cao chất lượng tập huấn để chuyển giao về quy trình, chất lượng và vấn đề liên quan khác cho các bên tham gia kỳ thi này.

Cơ quan điều tra xác định trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình đã có 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh bị tẩy xóa để nâng điểm. Đại diện nhiều trường đại học tại TP HCM cho rằng điều này thể hiện việc giao cho các địa phương chấm thi là chưa ổn. Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Bộ quyết định giao quyền chủ trì chấm thi trắc nghiệm cho các trường đại học.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, đây là nét đổi mới thể hiện sự lắng nghe của Bộ GD-ĐT và biện pháp này sẽ góp công rất lớn trong việc giảm tiêu cực. Các trường không vì lý do gì mà nâng hay sửa điểm bởi điều quan trọng nhất với họ là chất lượng đầu vào của sinh viên.

Thế nhưng, ông Đỗ Văn Dũng cho rằng, để giảm thêm tiêu cực, Bộ cần áp dụng công nghệ triệt để hơn. Thứ nhất là việc lắp camera cần rải đều từ nơi tập trung bài thi đến nơi chấm thi. Thứ hai là cần đưa thêm các giải pháp giảm tiêu cực bài thi trắc nghiệm:

“Những tiêu cực trong kỳ thi vừa rồi xảy ra chủ yếu trên bài thi trắc nghiệm nên chúng ta cần có biện pháp chống tiêu cực trong bài thi dạng này. Lâu nay các bài thi trắc nghiệm không làm phách, bây giờ chúng ta có thể đưa thêm phách vào để hạn chế tiêu cực.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tăng cường giải pháp công nghệ trong vấn đề này. Tôi đã từng đề xuất chúng ta có thể dùng keo trong để niêm phong bài thi sau khi thí sinh nộp bài, sau đó tiến hành quét bài thi lên máy. Khi đó không ai có thể can thiệp để sửa kết quả bài thi. Cách làm này chắc chắn sẽ giảm tiêu cực đến mức thấp nhất”, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng nói.

Tán thành những đổi mới thiết thực của Bộ GD-ĐT trong việc giảm gian lận thi cử, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM mong rằng kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 sẽ công bằng, minh bạch, tránh những xáo trộn không đáng có. Bên cạnh các yếu tố về mặt kỹ thuật để hạn chế tình trạng tiêu cực trong thi cử, ông Sơn cho rằng Bộ cần đưa ra một đề thi hợp lý để đánh giá được năng lực thực tế của thí sinh.

Đề thi năm nay chủ yếu sử dụng cho việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông và đồng thời tỷ trọng điểm thi chiếm 70% trong khâu xét tốt nghiệp nên đề như thế nào cho phù hợp không phải là điều đơn giản. Do vậy, Bộ cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra các bài thi phù hợp với năng lực học sinh và mục tiêu đánh giá.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho hay: “Những vấn đề liên quan về mặt kỹ thuật phần lớn đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo giải quyết. Bây giờ, cái mà chúng ta cần cải tiến và có những điều cập nhật chính là vấn đề liên quan đến khâu đề thi. Chính việc ra đề hợp lý sẽ giúp khâu đánh giá thí sinh trong kỳ thi được tốt hơn”.

Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 không còn nhiều. Hiện Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT và các trường đại học đang khẩn trương tiến hành các khâu để đảm bảo kỳ thi quan trọng này diễn ra an toàn, tiết kiệm, nghiêm túc như chính yêu cầu mà xã hội đề ra.

Theo Mỹ Dung

VOV