Một giảng viên “khen ngợi” đề thi ĐH môn Vật Lý

(Dân trí) - Đã nhiều lần khui ra “sạn” đề thi tuyển sinh Vật lý ở nhiều năm nên chiều nay thầy giáo Chu Văn Biên - giảng viên Trường ĐH Hồng Đức đặc biệt quan tâm đến môn thi Vật lý kỳ thi ĐH đợt 1.

Ngay khi đề thi ĐH môn thi Vật lý được đăng tải lên mạng, thầy giáo Chu Văn Biên đã phấn khởi gọi điện cho Dân trí chia sẻ: “Tính từ năm 2007, đề Vật lý thi tuyển sinh đại học năm 2010, hay nhất, khó nhất và gần như không có “sạn”.
 
Một giảng viên “khen ngợi” đề thi ĐH môn Vật Lý - 1
Thầy Chu Văn Biên nhận xét kỳ thi ĐH năm nay, đề thi Vật lý hay nhất, khó nhất và gần như không có “sạn”.

Theo thầy Biên thì đề thi Vật lý năm nay nằm trong chương trình phổ thông hiện hành, chủ yếu là lớp 12. Xét toàn đề có 60 câu thì số câu lí thuyết “thật” khoảng 10 câu, số câu “bài tập hóa lí thuyết” khoảng 17 còn lại 33 câu là “bài tập thật”.

Dao động cơ có 9 câu, sóng cơ có 5 câu, điện xoay chiều có 12 câu, dao động và sóng điện từ có 7 câu, sóng ánh sáng có 6 câu, lượng tử ánh sáng có 6 câu, hạt nhân nguyên tử và thuyết tương đối có 8 câu, vi mô có 1 câu và vĩ mô không có câu nào. Với tỉ lệ này “rất hợp” với thí sinh có học lực khá giỏi nhưng lại “kị” với thí sinh có học lực trung bình.

Lượng kiến thức có trong đề thi chỉ liên quan đến khoảng 75% đến 80% lượng kiến thức có trong SGK Vật lý 12. Điều này cũng đã biết trước bởi vì theo yêu cầu của Bộ, không ra đề vào phần đã cắt bỏ và những vấn đề còn tranh cãi. Vì vậy đề thi chủ yếu khai thác những vấn đề “kinh điển” và cũng không ngạc nhiên khi đề thi chỉ “co cụm” ở một số vùng nhất định. Ví dụ phần lượng tử ánh sáng có 6 câu thì có đến 3 câu nằm ở bài Thuyết Bo và quang phổ hidro, 2 câu ở bài Sự phát quang; Phần sóng ánh sáng có 6 câu có 4 câu ở bài giao thoa I-âng.

Vì đề thi chủ yếu khai thác những vấn đề “kinh điển” nên rất nhiều câu “xoáy sâu” (ví dụ với mã đề 716 có các câu 1, 5, 7, 11, 12, 13, 14, 15, 19, 23, 24, 28, 33, 35, 38, 42,..) chiếm khoảng 30% và sẽ không ngạc nhiên khi nhiều thí sinh “than khó”.

Sở dĩ có nhiều thí sinh “khen đề hay” vì trong đề có khoảng 30% câu hỏi “chất lượng”. Trong các câu loại này chỉ có một phương án đúng và 3 phương án sai trùng với 3 kiểu sai lầm thường gặp của thí sinh (ví dụ với mã đề 716 có các câu 1, 5, 10, 12, 14, 15, 23, 24, 35…).

Cũng theo thầy Biên thì nhìn chung so với các năm trước, đề thi năm nay phân có khả năng phân hóa thí sinh giỏi, khá và đẩy các thí sinh trung bình sẽ có điểm dưới trung bình. Dĩ nhiên vì kì thi tuyển sinh lấy từ trên xuống nên đề khó cũng không làm ảnh hưởng đến khâu tuyển sinh của các trường tốp giữa và tốp trên, nhưng các trường tốp dưới thì hãy kiên nhẫn “chờ mưa”.

“Đề thi không chỉ để tuyển sinh mà còn là “kim chỉ nam” điều chỉ quá trình dạy và học ở phổ thông và trên hết đề thi còn là “diện mạo quốc gia”. Tuy còn nhiều ý kiến trái chiều nhau nhưng so với các năm trước, đề Vật lý năm nay “chất lượng” hơn” - thầy Biên cho hay.

Nguyễn Hùng (ghi)