Những câu chuyện “đặc biệt” ở kì thi ĐH đợt 2

(Dân trí) - Bộ chỉ giới thiệu còn trường tự quyết định, dùng camera giám sát mà lòng lo nơm nớp, thí sinh khiếm thị và sự đòi hỏi “choáng”... Những chuyện “đặc biệt” diễn ra ngay trong buổi thi đầu tiên của kì thi ĐH đợt 2.

Bộ chỉ giới thiệu còn trường… “tự quyết”

Cầm tờ giấy giới thiệu của Bộ GD-ĐT, tôi cùng một đồng nghiệp ở Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) quyết định xuống hội đồng thi Trường ĐH Nông nghiệp để phán ánh tính hình thi cử ở nơi đây. Do là một trường nằm ở khá xa trung tâm Hà Nội nên chúng tôi phải vất vã lắm mới đến được Hội đồng.

Đặt chân đến cổng trường ĐH Nông nghiệp, sau khi xuất trình giấy tờ, chúng tôi được cho phép đưa xe vào phía trong của cổng. Phía sau cáh cổng này, các hàng quán nước vẫn hoạt động nhan nhản, khách qua lại đông đúc như thường. Để có thể vào được hội đồng thi, chúng tôi phải qua một trạm an ninh thứ hai với cái biển to mang dòng chữ “Khu vực thi, cấm vào”, nơi đây có sự góp mặt của một đồng chí công an và 5-7 anh bảo vệ.

Cầm giấy giới thiệu, một anh bảo vệ ngắm nghía chúng tôi rồi cho biết: “Các anh cứ chờ ở đây để tôi vào báo cáo với hội đồng coi thế nào đã”. Nói xong, anh lấy xe máy rồi phi thẳng vào phía trong.

Đến tận gần 10 phút sau, đồng chí bảo vệ cầm hai tờ giấy giới thiệu trở ra thông báo: “Các thầy trong đó bảo với hai giấy này không được phép vào khu vực thi. Nếu các anh cần phỏng vấn thì sẽ cử người ra ngoài này để trả lời”.

Đã lỡ xuống trường thì cùng cần có ít thông tin để viết nên chúng tôi vui vẻ gật đầu: “Vậy, phiền anh giúp mời thầy ra ngoài này để trao đổi”.

Trước sự “quyết tâm” của chúng tôi, anh bảo vệ cho tay vào túi quần rút điện thoại sau đó bấm cuộc gọi. Chẳng biết anh trao đổi với ai nhưng sau khi cúp máy anh cho biết: “Hiện tại các thầy bảo bận, nếu các anh muốn gặp thì đợt sau 9h nhé”. Lắc đầu ngán ngẩm chúng tôi lẳng lặng quay lưng ra về.

Trước sự "thờ ơ” của trường với hai tờ giấy Bộ cấp, chúng tôi chia sẻ với bà Trần Thị Hà - phó chủ tịch hội đồng tuyển sinh quốc gia. Nghe câu chuyện, bà Hà bộc bạch: “Bộ thì cấp giấy như thế còn việc trường có đồng ý gặp hay không đó là nhờ tài… ăn nói của phóng viên”.

Dùng camera giám sát mà lo nơm nớp

Chuyện trường HV Báo chí và Tuyên truyền dùng camera giám sát các thí sinh trong phòng thi, đồng thời giám sát cả cán bộ coi thi xem họ có thực hiện đúng quy chế hay không phải nói là điều mới lạ bởi ở mùa tuyển sinh năm 2009, nhà trường cũng đã dùng phương pháp này. Với sự trợ giúp của camera mà năm 2009 nhà trường đã “tóm” được 2 thí sinh cố ý giở tài liệu.

Kỳ thi ĐH năm 2010, gặp tôi tại hội đồng tuyển sinh, ông Hoàng Đình Cúc - giám đốc học viện niềm nở cho biết: “Năm nay thi tốt lắm em ạ, đến thời điểm này chưa có thí sinh nào vi phạm quy chế”.

Giải thích cho sự nghiêm túc này, ông Cúc cho biết: “Nhằm "giúp" thí sinh không vi phạm quy chế thi, hàng năm Học viện đều yêu cầu thí sinh để cặp, tài liệu ở cổng trường để sinh viên tình nguyện trông coi, nhất là điện thoại di động”.
 
Những câu chuyện “đặc biệt” ở kì thi ĐH đợt 2 - 1

Dùng camera giám sát mà lòng cứ lo nơm nớp. (Ảnh: Tiến Nguyên)

Nhìn thấy chiếc máy tính với hệ thống giám sát camera, tôi ngỏ ý: “Thầy ơi, thầy bật hệ thông giám sát cho em xem qua một chút được không”. Nhìn ngang, nhìn dọc thầy cho biết: “Anh kỹ thuật đang chạy ra ngoài, em chờ một tí”.

Vài phút sau, anh nhân viên kỹ thuật có mặt và bắt đầu màn trình diễn ấn tượng. Vừa thao tác, anh vừa tiết lộ: “Các thầy không cho bật hệ thống giám sát lâu đâu vì sợ mất an toàn. Chỉ cho bật 5 phút rồi lại tắt, lúc nào cần kiểm tra lại bật lên”.

Theo tìm hiểu của tôi thì hệ thống giám sát camera của Học viện Báo chí và Tuyên truyền dùng mạng LAN nội bộ. Do có đường truyền như vậy nên vẫn phải đề phòng có kẻ “xâm nhập” vào hệ thống để làm những việc sai quy chế.

Trước sự lo lắng của tôi về tính bảo mật của đề thi, anh nhân viên này cho biết: “Có phóng to hết cỡ cũng không thể nhìn thấy tí nào về đề thi. Do đây là các camera mang tính giám sát là chính nên độ phân giải không cao”. Để minh chứng điều này anh kỹ thuật trổ tài phóng to, thu nhỏ trước sự chứng kiến của cánh phóng viên.

“Biết là không thể xem được đề thi bằng hệ thống camera mà trường vẫn đề cao cảnh giác, đúng là quá nghiêm”, một anh phóng viên vui vẻ ca ngợi.

Thí sinh khiếm thị và sự đòi hỏi “choáng”

Năm 2010, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tiếp nhận hồ sơ ĐKDT của 3 thí sinh khiếm thị. Tuy nhiên đến phút chót một thí sinh bỏ cuộc

Hai thí sinh khiếm thị này được bố trí thi ở cùng một phòng thi với sự giám sát của hai giám thị và hai người ở khoa Giáo dục đặc biệt giúp các em trong khâu đọc đề, sử dụng máy dành cho thí sinh khiếm thị.

Nhằm tìm hiểu và muốn được nghe tâm sự của hai thí sinh “đặc biệt” này, nên ngay sau khi kết thúc môn thi, tôi đã đi nhanh đến khu giảng đường, nơi mà các em dự thi. May mắn cho tôi, thí sinh Đ.V.H, sinh năm 1985 vẫn còn ngồi nán lại cùng với đội sinh viên tình nguyện. Gặp em, tôi hỏi: “Lý do nào em lại chọn ngành Giáo dục đặc biệt để dự thi? Dự thi thế này em có gặp nhiều khó khăn không? “Em đi thi để cho vui ấy mà”, H. trả lời.
 
Những câu chuyện “đặc biệt” ở kì thi ĐH đợt 2 - 2
Sự đòi hỏi của H. làm tôi phát "choáng". (Ảnh: Tiến Nguyên)

Vừa dứt câu trả lời, H. hỏi tôi: “Em hỏi thật nhé, anh muốn trao đổi hay là phỏng vấn em?”. Tôi nhanh chóng đáp: “Anh muốn có một bài phỏng vấn về em”. “Nếu là phỏng vấn thì em không trả lời đâu”, H nói.

Tôi trầm ngâm suy nghĩ, chắc là có lẽ là do em mặc cảm, nên ngại nếu được đưa lên báo chí. Chưa kịp động viên thì H. đã vào đề: “Anh có biết luật báo chí không? Theo luật thì người được phỏng vấn sẽ được trả tiền. Nếu anh trả tiền cho em thì em sẽ trả lời”.

Sự đòi hỏi của H. làm tôi và những người xung quanh thật sự bị “choáng”. Đội tình nguyện viên thì lắc đầu chào thua, cán bộ an ninh chỉ biết cười tủm tỉm, còn các bạn thí sinh thì nhìn bằng một ánh mắt ngạc nhiên.

Không để cho H. rơi vào cảm giác chờ đợi, tôi lên tiếng: “Anh xin lỗi, anh không mang theo tiền ở đây. Hẹn em dịp khác vậy”.

Nguyễn Hùng