Quy hoạch trường sư phạm: Quan trọng nhất là quyền lợi của người học

Trước thực trạng đào tạo giáo viên lâu nay, một yêu cầu bức thiết đặt ra là cần sớm quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm trong thời gian tới. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, trong quá trình quy hoạch, quan trọng nhất vẫn là đảm bảo quyền lợi cho người học.

Quyền lợi của người học, của hàng triệu học sinh, sinh viên được đặt lên hàng đầu. (Ảnh minh họa)
Quyền lợi của người học, của hàng triệu học sinh, sinh viên được đặt lên hàng đầu. (Ảnh minh họa)

Để ý tưởng sớm hành hiện thực

Một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm được ngành GD&ĐT đặt ra trong năm học 2017 -2018, quy hoạch mạng lưới là nhiệm vụ đầu tiên. Đây là vấn đề không mới nhưng ngành giáo dục gặp khá nhiều khó khăn trong triển khai.

Trong đó, ở bậc ĐH, nhiều ý kiến cho rằng việc quy hoạch ngay chính trong khối trường sư phạm, vấn đề hoàn toàn nằm trong tầm tay, trong thẩm quyền của Bộ, cũng đang ở dạng… ý tưởng.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GD&ĐT), hiện Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng chuẩn của các trường sư phạm riêng, trên cơ sở đó rà soát lại hệ thống các trường sư phạm hiện nay để xem trường nào đạt chuẩn để tiếp tục đầu tư tồn tại, trường nào chưa đạt chuẩn nhưng ở những vị trí trọng yếu vẫn phải đầu tư và có thể hợp nhất, sát nhập vào các trường lớn để lan tỏa chất lượng của những trường lớn ra những vùng miền ở các địa phương khác nhau.

Những trường yếu, xã hội không chấp nhận, điểm chuẩn quá thấp vẫn không có người đến học thì phải đóng cửa. Trên thực tế, chủ trương quy hoạch, lựa chọn để đầu tư vào các trường trọng điểm, còn các trường ĐH, CĐ sư phạm địa phương có thể sáp nhật hoặc trở thành một nhánh của các trường lớn đã được Bộ GD&ĐT đưa ra từ cách đây vài năm và nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia giáo dục.

GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, cả nước chỉ nên có độ 4,5 trường trọng điểm, là những trường có truyền thống đào tạo sư phạm thì tiếp tục đào tạo. Còn những trường khác thì nên nghiên cứu để giải quyết trở thành phân viện, nhánh của trường đó. Phương án thứ hai là nhập vào những trường đa ngành, trở thành giảng viên đào tạo sinh viên ở các trường này tốt hơn. Như vậy tốt hơn là để quá nhiều trường như hiện nay, chất lượng không đảm bảo mà đào tạo ra quá nhiều giáo viên.

Đặt quyền lợi của người học lên trên hết

Mặc dù nói rằng những trường quá yếu, hạ điểm chuẩn thấp vẫn không tuyển sinh được sẽ phải đóng cửa nhưng vài năm trở lại đây, thực tế là chưa có trường CĐ Sư phạm nào bị giải thể. Sát nhập, trở thành một nhánh của trường ĐH lớn là cách làm đã được triển khai nhưng cũng chưa hoàn toàn thuận lợi.

GS Nghiêm Đình Vỳ- nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, cách làm này cũng tồn tại một số bất cập cần tính đến như việc giảng dạy của các trường CĐ sẽ khó khăn, biên chế của các trường ĐH cũng phình ra. Trong khi đó, cơ sở vật chất giữa các đơn vị này cũng thường cách xa nhau, không dễ cho việc quản lý.

“Ở nước ngoài có thể làm được nhưng chúng ta hiện nay điều kiện kinh tế, giao thông cũng khó khăn. Việc sát nhập này cần tính toán một cách cẩn trọng” – GS Vỳ nêu quan điểm.

Đó là chưa kể, theo phân tích của nhiều chuyên gia, khi thực hiện việc sáp nhập sẽ có những người mất đi cơ hội việc làm là nguy cơ nhìn thấy rõ. Giải quyết bài toán tinh giản biên chế này như thế nào để hợp lý, hợp tình là vấn đề không đơn giản. Nếu làm không khéo có thể gây ra những hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng đến nhiều người.

Một đề xuất khác đó là nâng cấp các trường CĐ sư phạm lên học viện, ĐH để đáp ứng nhu cầu đổi mới. Bởi từ khi Bộ chính trị ban hành NQ29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục với yêu cầu từ năm 2020, giáo viên tiểu học, THCS phải có trình độ ĐH thì một số trường đã tính đến phương án chuyển đổi, nâng cấp thành học viện.

Tuy nhiên, theo quyết định quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ giai đoạn 2006-2020, Thủ tướng Chính Phủ đã nhấn mạnh, hạn chế nâng cấp các cơ sở hiện có. Như vậy, kể cả khi các trường mong muốn và chuẩn bị đủ điều kiện để có thể nâng cấp lên học viện, ĐH thì cũng không dễ triển khai.

Về phía nhà trường, lãnh đạo Trường CĐ Sư phạm Cà Mau cho rằng, câu chuyện giải thế hay sát nhập các trường sư phạm cần phải được nhìn nhận trong một tổng thể nhất định.

Thứ nhất, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của nhà trường nếu không còn nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực hay bồi dưỡng đội ngũ thì phải giải thể là đúng. Thứ hai, dựa trên nguyện vọng đề xuất của các cơ sở giáo dục ĐH, các trường CĐ. Thứ ba, phù hợp với chính sách pháp luật của nhà nước. Thứ tư, phù hợp với tính khoa học. Thứ năm, phải đảm bảo được chính sách của người học, người lao động, giảng viên… Trong bối cảnh giáo dục mầm non còn tồn tại thì còn cần đến sự tồn tại của các trường CĐ sư phạm địa phương.

Nhìn nhận vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, trong bối cảnh ngành giáo dục ngổn ngang nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết hiện nay, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm đương nhiên phải tính tới nhưng không thể làm mà chưa trả lời được các câu hỏi như để chuẩn bị cho quy hoạch, các trường sư phạm sẽ phải làm gì?

Đội ngũ giáo viên trường sư phạm đó sẽ được chuyển hóa ra sao? Với riêng các trường CĐ sư phạm địa phương, ông Nhĩ cho rằng phải tính đến cơ chế để quản lý thống nhất các trường sư phạm phải trực thuộc Trung ương và Bộ GD&ĐT quản lý đào tạo chung, không để địa phương quản lý, giao chỉ tiêu tuyển sinh nữa.

“Giải pháp xây dựng chuẩn của các trường sư phạm riêng của Bộ GD&ĐT là cần thiết để nâng cao chất lượng giáo viên, vừa để các trường tự quyết định số phận của mình bởi nếu không đạt chuẩn các cơ sở đào tạo sư phạm sẽ bị chính người học đào thải. Nhưng dù quy hoạch theo cách nào, tôi cho rằng sẽ chỉ thành công nếu quyền lợi của người học, của hàng triệu học sinh, sinh viên được đặt lên hàng đầu. Còn nếu chỉ xoay quanh câu chuyện làm sao tốt nhất cho các trường thì tương lai của ngành sư phạm nói riêng và giáo dục nước nhà nói chung vẫn sẽ không thể khởi sắc”- ông Nhĩ nhấn mạnh.

Theo Hương Linh

Đại Đoàn Kết