Sinh viên ngành tài chính, kế toán cần chuẩn bị gì trước đột phá công nghệ?

(Dân trí) - Những bước tiến mạnh mẽ của kỷ nguyên số hoá đang viết lại tương lai ngành Tài chính, Kế toán.  Khi đó, nhiều công việc sẽ biến mất và nhường chỗ cho nhiều công việc mới mẻ, thú vị.

Đây cũng là bài toán được đặt ra với các trường đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành tài chính, Kế toán cho tương lai.

Sinh viên ngành tài chính, kế toán cần chuẩn bị gì trước đột phá công nghệ? - 1

Các đại biểu tham dự hội nghị giáo dục “Sự phát triển các công việc trong kỷ nguyên tự động hoá".

Đại học cung cấp nguồn nhân lực phải thay đổi

Cách đây vài năm, các công việc phân tích dữ liệu đều cần bàn tay con người nhưng giờ đây công nghệ đã có thể thay thế phần lớn công việc này. Các phần mềm tài chính kế toán hiện nay cho phép xuất báo cáo tài chính kèm bản phân tích phục vụ cho công tác quản trị. 

 Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế những công việc thủ công của kế toán, kiểm toán như thu thập, xử lý, tính toán số liệu nhưng những công đoạn như phân tích, tìm nguyên nhân đưa ra giải pháp cho từng tình huống cụ thể, thậm chí những tình huống chưa từng xảy ra lại luôn cần có sự tham gia của con người.

Như vậy, trí tuệ nhân tạo dù không thay thế được con người nhưng nó đang làm thay đổi môi trường, hoàn cảnh làm việc của kế toán, kiểm toán.

Khi áp dụng công nghệ, một số vị trí việc làm sẽ bị thu hẹp, thậm chí sẽ mất đi, như các vị trí trung gian trong giao dịch do đã được tự động hóa. Bên cạnh đó, các việc làm mới lại có cơ hội mở ra hoặc phát triển mạnh như các vị trí tư vấn khách hàng, quản lý tài chính cá nhân dựa trên công nghệ, nhân lực trình độ cao biết sử dụng công nghệ mới.

Nghiên cứu gần đây của hãng tư vấn McKinsey cho thấy, nhu cầu về các chuyên gia, đáng chú ý là các chuyên gia tài chính, kế toán, sẽ tăng đáng kể khi lĩnh vực Tài chính và Kế toán xuất hiện các công việc thú vị mới mẻ đáp ứng bước tiến của cuộc các mạng số hoá đang diễn ra. 8% - 9% công việc trong năm 2030 sẽ là những công việc mới chưa từng xuất hiện.

Điều này đòi hỏi việc đào tạo nguồn nhân lực khác với trước đây và vai trò của các trường đại học trong việc cung cấp nguồn lực cũng phải thay đổi.

Các trường cần phải có sự đổi mới trong chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cũng như cần phải nghiên cứu các vấn đề mới trong kế toán, kiểm toán, bắt kịp với xu thế toàn cầu.

Sức mạnh của công nghệ làm thay đổi năng lực sinh viên

Tại hội nghị giáo dụcSự phát triển các công việc trong kỷ nguyên tự động hoá” do Hiệp hội kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức tại Singapore với sự tham dự của giảng viên của các trường Đại học từ 13 nước Đông Nam Á – Úc và Newzealand.

Đây là diễn đàn để các học giả, nhà lãnh đạo kinh doanh và tài chính cùng chí hướng thảo luận và chia sẻ những ý tưởng mới và thực tiễn tốt nhất.

Hội nghị cũng tạo cơ hội cho các kết nối hiệu quả và các cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo tư tưởng trong ngành. Đồng thời, tại hội nghị cũng diễn ra phiên ký kết giữa các đối tác của ACCA.  

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học Viện Tài chính chia sẻ: “Tham dự hội nghị lần này, giúp lãnh đạo học viện nhận diện rõ hơn tương lai của các chuyên gia Tài chính và Kế toán trước sức mạnh của tự động hoá, dữ liệu và công nghệ để cùng chia sẻ hiểu biết, khám phá các khả năng, để phát triển năng lực, kỹ năng tài chính của sinh viên đại học".

Theo TS Tùng, các nghiên cứu điển hình của các nước về việc đào tạo những sinh viên tốt nghiệp với năng lực phù hợp và phát triển các kỹ năng lãnh đạo kinh doanh chiến lược, giúp nhà trường cập nhật phương pháp giáo dục cho sinh viên của Học viện  Tài chính. 

TS Tùng cho rằng, mô hình phối hợp đưa chương trình văn bằng nghề nghiệp  như ACCA là một ưu tiên của Học viện trong bối cảnh đổi mới kỹ thuật số ngày nay.

Cụ thể, chương trình được xây dựng cập nhật hàng năm trên cơ sở nghiên cứu khảo sát từ mạng lưới doanh nghiệp đối tác toàn cầu. Luân phiên mỗi đợt khảo sát gồm hơn 500 Giám đốc tài chính, trưởng ban tài chính và các nhà ra quyết định tài chính cao cấp về những năng lực cần thiết của các vị trí tài chính kế toán kiểm toán.

Sinh viên ngành tài chính, kế toán cần chuẩn bị gì trước đột phá công nghệ? - 2

Đại diện Học viện Tài chính và đại diện của trường đại học Oxford Brookes (Anh) tại hội nghị.

Chương trình ACCA trang bị các năng lực cần có của những vị trí công việc khác nhau trong ngành tài chính hiện đại mà học viên ACCA sẽ đạt được thông qua hoàn tất Chứng chỉ ACCA bao gồm: Các môn thi, nội dung học về đạo đức nghề nghiệp & kỹ năng chuyên nghiệp và yêu cầu về kinh nghiệm thực tế.

Khung Năng lực đảm bảo học viên khi hoàn tất Chương trình ACCA sẽ có đầy đủ 10 năng lực của một chuyên gia tài chính kế toán toàn diện đáp ứng các vai trò, vị trí khác nhau trong ngành: Lãnh đạo và Quản lý; Quản trị, rủi ro và kiểm soát; Quản lý mối quan hệ với các đối tác; Kiểm toán và bảo đảm; Luật và thuế; Quản trị Tài chính; Chiến lược và đổi mới (bao gồm công nghệ); Báo cáo doanh nghiệp; Kế  toán quản trị bền vững; Tính chuyên nghiệp và Đạo đức.  

Tại hội nghị, đại diện Học viện Tài chính và đại diện của trường đại học Oxford Brookes (Anh) đã ký kết hợp tác. Sự hợp tác này mang lại cơ hội nhận 3 văn bằng trong 1 chương trình cho sinh viên Học Viện Tài Chính, là sự kết hợp hoàn hảo giữa đào tạo học thuật và chuyên môn, làm cầu nối cho nguồn nhân lực chất lượng cao nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp.

Ngoài ra, chương trình đặc biệt chú trọng đến tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán giúp cho các cử nhân tương lai có thể góp phần quan trọng vào sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế.

+ Bằng cử nhân chính quy chất lượng cao (Bachelor Degree) do Học viện Tài chính cấp

+ Cơ hội nhận bằng Cử nhân Kế toán ứng dụng (Honored Degree in Applied Accounting) do Trường Đại học Oxford Brookes cấp

+ Cơ hội nhận chứng chỉ nâng cao về Kế toán và Kinh doanh (Advanced Diploma in Accounting and Business) từ ACCA.

 Hồng Hạnh