Sinh viên y hào hứng với cách học "đảo chiều"

(Dân trí) - Sinh viên lên lớp không học lý thuyết, chỉ giải quyết tình huống, ca bệnh lâm sàng mà cô giáo đưa ra, lấy từ thực tế ở bệnh viện.

Sáng thứ hai, cô Lê Thị Hoa, Bộ môn điều dưỡng, trường Cao đẳng Y Thái Bình có tiết dạy về kiểm soát nhiễm khuẩn của lớp K12a.

Trong cặp sách của cô không còn có những quyển giáo trình nặng trĩu nữa mà duy nhất có chiếc máy tính. Thấy cô đến, cả lớp nhanh chóng chia thành 6 nhóm nhỏ, ngồi vây tròn, quanh một chiếc laptop.

Các em không phải học lý thuyết của bài học hôm nay trên lớp, mà cùng thảo luận, giải quyết về một ca lâm sàng.

Sinh viên y hào hứng với cách học đảo chiều - 1

Không gian lớp học

Ca lâm sàng hôm nay là về một bệnh nhân nam, 75 tuổi mổ sỏi ống mật chủ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhân viêm phổi. Cô giáo đặt ra câu hỏi bệnh nhân này có bị nhiễm khuẩn bệnh viện không? Ca bệnh này cùng các tài liệu liên quan đến bài học đã được cô Hoa đăng tải lên hệ thống e-learning của nhà trường từ tuần trước.

Tại tiết học này, các nhóm lần lượt trình bài bài tập của mình. Sinh viên Ngô Thị Thu cho biết, bệnh nhân này bị nhiễm khuẩn bệnh viện và lý giải về nguyên nhân, hậu quả và phương thức lây truyền và nhiễm khuẩn bệnh viện rất trôi chảy; lý thuyết này giảng viên chưa dạy mà sinh viên tự chủ động tìm hiểu tại nhà, khi lên lớp vận dụng lý thuyết để xử lý các ca lâm sàng.

Theo cô Hoa, đây là phương pháp học đảo chiều đang được áp dụng tại trường. Phương pháp này có nhiều hiệu quả trong việc dạy và học tại trường y. Khi giáo viên giao bài tập cho sinh viên, các em sẽ phải làm sản phẩm tự học tại nhà.

Những tài liệu liên quan đến bài giảng đã được giáo viên đăng tải lên hệ thống e-learming của trường như giáo trình, video bài giảng. Sinh viên sẽ phải nghiên cứu trước, thảo luận nhóm và giải quyết các tình huống mà giáo viên giao.

"Khi lên lớp, sinh viên chỉ trình bày sản phẩm tự học ở nhà, giáo viên chỉ định hướng và kết luận bài học", cô Hoa nói.

Với phương pháp truyền thống, khi lên lớp giáo viên phát tài liệu và thuyết trình. Nay, giáo viên cần có sự chuẩn bị hơn, cụ thể phải soạn giáo trình và video bài giảng để đăng tải lên hệ thống của trường, để các em có tư liệu học trước khi đến lớp.

Ngoài ra, giáo viên cũng cần xây dựng tình huống liên quan đến bài học, gắn với thực tế. Các em sẽ tự phải phán đoán tình huống, thực tế chứ không theo sách vở, lý thuyết.

Cô Hoa cho biết, với phương pháp học mới này, cả giáo viên và sinh viên đều bận và vất vả hơn, song học sinh hiểu bài, hứng thú hơn, khi học lâm sàng tại bệnh viện sẽ hiệu quả hơn.

Sinh viên y hào hứng với cách học đảo chiều - 2

Linh Chi, sinh viên năm nhất lớp TCĐD AWOK2, cũng cho biết, sau khi học các ca lâm sàng mà cô giáo đưa ra, các em được học tiếp ở phòng thực. Phòng mô phỏng được nhà trường bố trí giống như buồng bệnh.

Sinh viên đến học sẽ tiếp nhận ca bệnh, tự chuẩn bị dụng cụ (3-4 kỹ thuật cho một ca bệnh). Sinh viên sẽ được tiến hành thực hiện kỹ thuật có sự hỗ trợ của giảng viên.

Sinh viên năm cuối Đào Ngọc Chiến cho biết thêm, nhờ được học nhiều các ca lâm sàng trên lớp mà em không còn bỡ ngỡ khi thực tập tại viện.

Mới đây, một bệnh nhân nhập viện do viêm phổi tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Hôm đó, Chiến được phân công trực ban đêm. Giữa đêm, bệnh nhân tím tái, kích thích, vật vã. Ngay lập tức, Chiến cùng các bác sĩ cấp cứu bệnh nhân, cho thở oxy, truyền dịch, tiêm thuốc, đặt ống xông…

Được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân hồng hào trở lại. Nhờ được học lâm sàng nhiều, Chiến tự tin khi ra trường sẽ làm tốt công việc của một điều dưỡng.

Bà Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết phương pháp mới này được áp dụng tại trường 2 năm nay. Theo khảo sát, gần 70% sinh viên đồng ý với cách dạy này. Gần 90% giáo viên đánh giá phương pháp giảng dạy đang áp dụng này phù hợp với chuẩn đầu ra của khóa học.

Phương pháp này yêu cầu sinh viên tự học trước khi đến lớp cần hoàn thành 3 công việc, cụ thể là tự học các nội dung trong e-learning, làm bài tập nhóm (nộp sản phẩm tự học thông qua email), làm test tự lượng giá (yêu cầu sinh viên phải hoàn thành >50% số câu test mới được lên học tại phòng thực hành). 

Theo bà Dung, mỗi năm hệ chính quy của Trường cao đẳng Y Thái Bình nhập mới khoảng 400 sinh viên. Khoảng 70% sinh viên ra trường có việc trong vòng 6 tháng.

Phương pháp học mới này nằm trong Dự án Giáo dục và Đào tạo Nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) của Bộ Y tế.

Việc đổi mới chương trình bao gồm các nội dung: xây dựng chương trình chi tiết đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng tạo ra năng lực thực hành nghề nghiệp, lồng ghép, tích hợp các kiến thức, phát triển đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp dạy, học, tăng cường giảng dạy lâm sàng, xây dựng công cụ lượng giá sinh viên theo chương trình mới, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, quản trị chương trình đổi mới...

Đến nay, đã có 5 trường thí điểm đổi mới chương trình đào tạo dựa trên năng lực với ngành bác sĩ y khoa (Đại học Y dược TP HCM, Thái Bình, Huế, Thái Nguyên, Hải Phòng), 3 trường đào tạo bác sĩ răng hàm mặt (Đại học Y Hà Nội, TP HCM, Huế), 4 trường đại học, 3 trường cao đẳng thay đổi chương trình đào tạo điều dưỡng... Năm 2019 là năm thứ 2 các trường đào tạo bác sĩ y khoa, nha khoa, điều dưỡng tiếp tục triển khai chương trình đổi mới.

Trong suốt 5 năm qua, Dự án Giáo dục và Đào tạo Nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) do Bộ Y tế triển khai với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Liên minh Châu Âu đã triển khai nhiều hoạt động để đổi mới giáo dục, đào tạo đội ngũ nhân lực y tế.

Với gói hỗ trợ các trường đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tích hợp, lồng ghép, tạo ra năng lực, dự án HPET đều thuê chuyên gia quốc tế, trong nước để trực tiếp hướng dẫn các trường, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị cho đào tạo thực hành tiền lâm sàng; tổ chức các hoạt động học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường, giám sát kỹ thuật nhằm hỗ trợ các trường triển khai thành công việc đổi mới chương trình.

Trong thời gian tới, Dự án HPET sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở đào tạo hoàn tất việc đổi mới chương trình, xây dựng ngân hàng câu hỏi lượng giá dựa trên năng lực nhằm nâng cao năng lực hành nghề cho đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, hội nhập quốc tế.

Tú Anh