Sớm thay đổi mô hình đào tạo sư phạm

Một chương tình Tư vấn mùa thi 2019 vừa diễn ra cuối tuần qua tại huyện Cần Giờ - TPHCM. Theo đó, phần lớn những băn khoăn của học sinh xoay quanh việc nên lựa chọn ngành nghề theo sở thích hay năng lực. Tại đây lựa chọn liên quan đến khối ngành sư phạm vẫn là một trong số những ngành học được quan tâm nhiều hơn cả. Điều này cũng có nghĩa là yêu cầu về đổi mới tuyển sinh ngành sư phạm năm 2019 sao cho xứng với kỳ vọng của người học, cũng đang được đặt ra.

 Sớm thay đổi mô hình đào tạo sư phạm  - Ảnh 1.

Cô trò vùng cao.


Xem xét lại chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm 

Mới đây, Hiệp hội Các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng về việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên và sắp xếp hợp lý các trường sư phạm. Theo Hiệp hội, mùa tuyển sinh 2018, Bộ GDĐT đã triển khai thực hiện nhiều đổi mới trong tuyển sinh ngành sư phạm. Cụ thể là giảm 33% chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm (từ 52.000 còn 35.000). Có những trường giảm khá sâu, như ĐH Sư phạm Huế giảm 37,5%, ĐH Sư phạm Thái Nguyên giảm 31,4%, ĐH Sư phạm  Hà Nội giảm 21%, ĐH Phạm Văn Đồng 73%, ĐH Cần Thơ 46,3%, CĐ Sư phạm Hà Giang giảm 73%, CĐ Sư phạm  Bắc Ninh 66%...

Ghi nhận thực tế cho thấy, mùa tuyển sinh 2018, chỉ trừ những trường sư phạm lớn, còn lại đa phần các trường tuyển sinh ngành sư phạm vẫn rơi vào tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu. Đơn cử năm 2018, Trường ĐH Hồng Đức - Thanh Hóa là cơ sở đi tiên phong trong việc đưa ra đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH ngành sư phạm theo diện “đặt hàng” và có đầu ra cho sinh viên. Trường thông báo tuyển tổng cộng 80 chỉ tiêu cho 4 ngành chất lượng cao nhưng đã có rất ít sinh viên đủ điều kiện xét tuyển.

Vậy nguyên nhân nào khiến các trường sư phạm dù đã đổi mới tuyển sinh, nhưng vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu? Theo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, con số 33% chỉ tiêu ngành sư phạm bị cắt giảm năm 2018 không theo quy luật nào minh chứng sự “trôi nổi” của việc đào tạo giáo viên. Còn theo GS.TS Phạm Hồng Quang- Giám đốc Trường ĐH Thái Nguyên, người chủ trì đề tài khoa học - công nghệ cấp quốc gia “Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” cho rằng cần thực hiện quản lý của Nhà nước một cách tập trung đối với chỉ tiêu đào tạo giáo viên hàng năm bảo đảm cung đáp ứng với nhu cầu xã hội. Bộ GDĐT cần chủ trì, phân bổ chỉ tiêu cho các trường dựa trên năng lực, nhu cầu của địa phương và điều kiện vùng miền. Theo ông Quang, Bộ GDĐT nên thực hiện phân cấp triệt để cho địa phương và các ĐH vùng, Bộ chỉ quản lý nhà nước về chuẩn đầu ra, chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo (thông qua kiểm định, thanh tra, giám sát), chuẩn nghề nghiệp giáo viên và sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên.

Còn GS.TS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề xuất: Nên xây dựng hệ thống trường sư phạm theo hướng: khu vực phía Bắc có 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên 1. Các cơ sở khác, trường CĐ sư phạm có thể quy hoạch thành phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng, trở thành nhân tố giúp phát triển giáo dục địa phương.

Để xuất đổi mới mô hình đào tạo sư phạm như trường y

Tại Hội thảo khoa học quốc gia vừa tổ thức tại Hà Nội ngày 22/12 về “Đổi mới đào tạo giáo viên Giáo dục công dân đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới”, liên quan đến việc đào tạo trong trường sư phạm đáp ứng yêu cầu mới, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới – cho rằng, hiện nay, chương trình đào tạo giáo viên ở các khoa Giáo dục chính trị (hoặc Giáo dục công dân) của một số trường sư phạm đã có nội dung giáo dục kinh tế và pháp luật ở mức độ khác nhau. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình môn Giáo dục công dân mới, các trường sư phạm cần mở rộng và nâng cao nội dung này, đồng thời bổ sung nội dung giáo dục tài chính, giáo dục kỹ năng sống.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng nhắc đến các vụ bạo lực và một số vụ việc khác xảy ra ở một số trường phổ thông trong thời gian qua, từ đó chỉ ra nhiều giáo viên chưa được đào tạo chu đáo về pháp luật và kĩ năng nghiệp vụ. Theo đó, để khắc phục hạn chế này, các trường sư phạm cần bổ sung vào chương trình đào tạo giáo viên tất cả các môn học một số nội dung giáo dục pháp luật, giáo dục nghiệp vụ. Cụ thể, về giáo dục pháp luật, cần bổ sung vào chương trình đào tạo Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường trung học, Luật Giáo dục, Luật Trẻ em, Luật Thanh niên; Về giáo dục nghiệp vụ, cần bổ sung vào chương trình đào tạo phương pháp dạy học; phương pháp đánh giá kết quả giáo dục; nghiệp vụ giáo viên, chủ nhiệm lớp, cán bộ Đoàn - Đội; quan hệ công chúng…

Nhấn mạnh tới việc đổi mới mô hình, phương thức đào tạo, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, hiện nay, chương trình đào tạo của hầu hết các trường ĐH vẫn là chương trình theo định hướng tiếp cận nội dung. Đã đến lúc các trường cần đổi mới chương trình theo định hướng tiếp cận năng lực, theo đó trước hết phải xác định chuẩn đầu ra của người học, từ đó mới xác định nội dung và phương pháp dạy học.

Mô hình đào tạo truyền thống của các trường sư phạm chủ yếu cung cấp kiến thức khoa học cơ bản, bổ sung một số kiến thức khoa học sư phạm, chưa bảo đảm đảm giáo sinh ra trường có đủ hiểu biết về hoạt động dạy và học, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ… Theo đó, GS Nguyễn Minh Thuyết gợi ý: Mô hình đào tạo vừa học vừa làm của trường y (kết hợp đào tạo tại trường và đào tạo qua thực tế khám chữa bệnh tại bệnh viện) là một gợi ý tốt để chúng ta đổi mới mô hình đào tạo sư phạm.

Theo Dung Hòa

Đại Đoàn Kết