Thầy giáo trẻ thường đeo kính râm trong các giờ kiểm tra

Đến giờ kiểm tra, thầy Lê Việt Hoàng (giáo viên dạy Vật lý Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) thường đeo kính râm để học sinh khó quay cóp, dùng tài liệu khi không biết mắt thầy đang hướng về đâu.

Thầy giáo trẻ thường đeo kính râm trong các giờ kiểm tra - 1

Hình ảnh thầy Lê Việt Hoàng đeo chiếc kính râm quen thuộc với học sinh trong các giờ kiểm tra.

Tốt nghiệp loại Xuất sắc ngành Sư phạm Vật lí chất lượng cao của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Hoàng bắt đầu nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) từ đầu năm nay. Với sự dí dỏm, gần gũi trong cách dạy, thầy giáo trẻ đã nhanh chóng “lấy lòng” được các học trò.

Anh là chủ nhân của những đề kiểm tra với lời dẫn độc đáo, ấn tượng khiến các học sinh thích thú. Đặc biệt, thầy giáo Hoàng còn có cách hạn chế tiêu cực trong các giờ kiểm tra trên lớp khi thường xuất hiện với một chiếc kính râm.

“Những giờ kiểm tra trên lớp mình thường làm thế. Bởi khi đeo kính râm thì học sinh sẽ không biết mình sẽ hướng mắt về chỗ nào trong giờ kiểm tra. Vì thế các em sẽ dè chừng hơn với hành động của bản thân, hạn chế những quay cóp, dùng tài liệu hay hỏi bài nhau mà tập trung trong giờ kiểm tra. Và trên thực tế thì mình thấy cách này khá hiệu quả”, thầy Hoàng nói.

Thầy giáo trẻ thường đeo kính râm trong các giờ kiểm tra - 2

Thầy giáo trẻ Lê Việt Hoàng có tính cách dí dỏm, thân thiện.

Thay vì ra những đề kiểm tra 15 phút và 1 tiết truyền thống có phần khô cứng, thầy giáo trẻ đã biến tấu hình thức để đề có thêm yếu tố hài hước, hấp dẫn khiến học sinh hào hứng hơn khi làm bài.

Ở mỗi đề kiểm tra, ngoài phần nội dung chính giống như các đề thi truyền thống, điều khiến học sinh thú vị là ở phần giới thiệu và yêu cầu của đề với nội dung hài hước, dễ thương.

Thầy giáo trẻ thường đeo kính râm trong các giờ kiểm tra - 3

Một trong những đề kiểm tra độc đáo do thầy Hoàng soạn cho các học sinh của mình.

“Trình bày sạch đẹp như đi thi, tính toán cẩn thận như đi chợ. Không quay cóp, hỏi bài các cháu xung quanh (khó quá có thể hỏi giám thị coi thi). Bị bắt gian lận có thể bị phạt tiền từ 10k đến 20k” – một trong những yêu cầu được cách điệu gần gũi với tuổi học trò.

Vẫn đầy đủ những yêu cầu cơ bản là trình bày sạch đẹp, không sử dụng tài liệu, quay cóp, nhưng lối vào đề hài hước, dí dỏm khi gọi học sinh là các “cháu”, hay cho phép hỏi giám thị trong chừng mực nhất định. Nhưng vẫn có hình phạt cụ thể khi bị bắt gian lận khiến học sinh bớt căng thẳng nhưng nghiêm túc hơn khi làm bài.

Chia sẻ với VietNamNet về những đề kiểm tra ấn tượng này, thầy Hoàng cho biết anh đã làm những đề thi khác với truyền thống ngay từ những ngày còn trên ghế trường đại học. “Việc sử dụng những từ ngữ thân thiện, câu chuyện thường ngày trong đời sống, đưa cả các nhân vật nổi tiếng hay chính các học sinh vào trong đề là một trong những cách để môn học cũng như đề kiểm ta trở nên gần gũi hơn với học sinh. Đơn giản tôi nghĩ rằng khi đọc đề kiểm tra như thế, học sinh sẽ bớt căng thẳng và thoải mái hơn”, Hoàng nói

Hoàng cho biết anh cũng không mất quá nhiều thời gian để cho ra những đề thi cuối cùng như vậy. “Về cơ bản câu hỏi và nội dung cũng như những đề bình thường, tôi chỉ bớt thêm chút thời gian để thay đổi câu chữ thôi. Đôi khi lời dẫn chỉ từ một ý nghĩ thoảng quá và chỉ mất 5 phút để đánh máy lại nhưng hấp dẫn với học trò. Tôi thấy học sinh thích thú, các em đều rất vui vẻ sau khi đọc đề và sau đó bước vào làm bài trong tâm trạng thoài mái”, Hoàng chia sẻ.

Thầy giáo trẻ thường đeo kính râm trong các giờ kiểm tra - 4

Hoàng chia sẻ có lẽ những đề thi theo hướng hài hước, dí dỏm này cũng một phần xuất phát từ tính cách có phần dí dỏm, thân thiện của mình ở ngoài đời. “Nhiều học sinh tôi dạy cũng từng nói: đọc đề cái biết ngay là đề của thầy Hoàng”.

Sự độc đáo của đề kiểm tra này nhận được sự ủng hộ của học sinh. Những hình ảnh đề sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội cũng được nhiều bạn trẻ bày tỏ sự thích thú, ấn tượng và như có thêm cảm hứng để làm bài.

Theo Hoàng, việc ra đề như vậy không làm ảnh hưởng gì tới chất lượng cần đạt được mà chỉ như thay đổi diện mạo. Hẳn cũng vì thế mà Hoàng cho hay nhà trường cũng không phản đối việc mình ra đề thi theo hướng này.

“Tôi nghĩ vẫn sẽ giữ phong cách này khi ra đề cho các em học sinh và cố gắng duy trì đến khi nào hết ý tưởng để đưa vào đề”, thầy giáo trẻ cười tươi.

Theo Thanh Hùng

VietNamNet