Thi tốt nghiệp THPT 2011: Đáp án môn Ngữ văn làm khó thí sinh?

(Dân trí) - Nhiều giáo viên ở ĐBSCL cho rằng đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 Bộ GD-ĐT ra hướng “mở”, nhưng khi Bộ ra đáp án thì “không mở”.

Ngày 5/6, Sở GD-ĐT 11 tỉnh, thành ĐBSCL (trừ Long An và Tiền Giang) có họp tại TP Cần Thơ để “thỏa thuận” cách chấm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Theo đó, Sở GD-ĐT 11 tỉnh, thành ĐBSCL (vùng 6) ra biên bản cuộc họp ngày 5/6 thống nhất hướng dẫn chấm môn Ngữ văn cho phù hợp tình hình thực tế của vùng nhưng vẫn bám sát đáp án của Bộ. 

Chúng tôi đã có trao đổi với một số giáo viên có tham gia chấm thi để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Theo cô D. (một giáo viên ở An Giang) cho biết mỗi giáo viên chấm thi đều nhận được đáp án của Bộ GD-ĐT. Căn cứ theo đáp án này, các Sở “thỏa thuận” một cách chấm cho phù hợp nhưng vẫn dựa trên “tinh thần” đáp án của Bộ đưa ra. Cô D. khẳng định: “Có chăng chỉ là các giáo viên chấm linh hoạt mà thôi”.

Cũng theo cô D., đề thi ra ở câu 1 chỉ yêu cầu thí sinh nêu lên hình ảnh thường thấy trong bức tranh. Trong hướng dẫn chấm của vùng 6 cũng tập trung vào ý này. Câu 1 là câu chỉ nêu ý chứ không yêu cầu phân tích nên không có gì là sai khi thí sinh nêu gắn gọn những hình ảnh có trong bức tranh như “màu hồng hồng”, “người đàn bà…” hay “ánh sương mai”…

Thi tốt nghiệp THPT 2011: Đáp án môn Ngữ văn làm khó thí sinh?  - 1
Thí sinh ĐBSCL trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011.

Cô D. cũng cho biết, đề Ngữ văn năm nay ra vừa sức, một số môn khác như Toán, Lịch sử…cũng “không khó lắm” thì tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp cao là chuyện bình thường. Những phản ánh về “chấm quá mở” trong thời gian qua có phần thái quá.

Được biết bài thi của học sinh Tiền Giang và Long An được giáo viên TPHCM, việc một giáo viên ở Tiền Giang (không có liên quan gì đến chấm thi ở 11 tỉnh, thành ĐBSCL) nêu ý kiến riêng của mình về vấn đề này theo một số giáo viên tham gia chấm là chưa đủ thuyết phục.

Thầy T. (một giáo viên ở Bạc Liêu) cho rằng, khác với những năm trước, năm nay ở câu 1 của đề Ngữ văn, Bộ ra hướng “mở”, tuy nhiên khi Bộ ra đáp án thì “không mở”. Bởi vậy, trong biên bản thỏa thuận hướng dẫn cách chấm của vùng 6 thống nhất chấm theo đáp án mở, là đúng. “Ai cho rằng, mở đến mức độ học sinh không làm bài được mà vẫn có điểm là không khách quan” - thầy T. khẳng định.

Tuy nhiên, PV Dân trí lại được nghe những ý kiến trái chiều “không đồng tình” với hướng dẫn chấm của vùng 6.

Thầy N.Đ.T. (một giáo viên chấm thi ở Sóc Trăng) cho biết thực tế nhiều thí sinh làm không đạt nhưng vẫn phải chấm điểm vì dựa vào từ ngữ là chính. Thí dụ, hướng dẫn của Bộ cần phải nêu cụ thể là “màu hồng hồng của ánh sương mai” thì mới có điểm. Trong khi đó, hướng dẫn của vùng 6 lại mở đến mức chỉ cần có “màu hồng hồng”, “người đàn bà…” là có điểm.

Cô giáo T.N.Th (giáo viên ở Mỹ Tú, Sóc Trăng) cho biết, năm nay hướng dẫn chấm của Bộ bị vùng 6 “mở rộng” nên thí sinh đạt điểm cao nhiều hơn. Cô Th. chia sẻ, thiệt nhất là những học sinh giỏi vì điểm của các em cũng không hơn những học sinh bình thường.

Khi PV hỏi các em học sinh về đề thi môn Ngữ văn, hầu hết cho rằng đề thi môn Ngữ văn năm nay ra khá bất ngờ vì trước đây ở câu 1 thường là văn học nước ngoài.

Em My (học sinh ở Bạc Liêu) cho biết trong quá trình ôn tập, thầy cô hướng dẫn học sinh ôn tập câu 1 là văn học nước ngoài nhưng đề thi lại ra văn học Việt Nam nên hầu hết các học sinh đều không làm trọn câu này.

“Môn Văn được 7,5 điểm, nếu đề ra câu 1 không bất ngờ thì có thể em còn đạt điểm cao hơn”- My nói.

Huỳnh Hải - B.D