Thi trên máy tính: Hệ thống câu hỏi khổng lồ, làm gì để tránh bị “lộ” đề thi?

Kỳ thi THPT quốc gia thi trên máy tính cần hệ thống ngân hàng câu hỏi lớn, bảo mật dữ liệu đề thi ra sao cũng là một vấn đề khó, bởi thí sinh có thể sau khi thi vô tình làm "lộ" đề thi, đáp án.

Bộ GD&ĐT đề xuất, lộ trình triển khai giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD&ĐT đề xuất cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi. Trong giai đoạn này, Bộ sẽ thí điểm tổ chức thi trên máy tính để từng bước áp dụng phương thức thi này phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Thi trên máy tính: Hệ thống câu hỏi khổng lồ, làm gì để tránh bị “lộ” đề thi? - 1

Kỳ thi trên máy tính được tổ chúc tại ĐH Quốc gia Hà Nội từ năm 2015.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, hình thức thi trên máy tính cần thí điểm ở một số nơi đủ điều kiện, học sinh đã được làm quen, sau đó tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, trước khi mở rộng.

Theo góp ý của một số chuyên gia giáo dục, để kỳ thi diễn ra thành công, đầu tiên đó là thiết lập hệ thống máy tính phòng máy tiêu chuẩn, có thể trang bị, nâng cấp tại các trường phổ thông, hoặc tại các trường đại học, cao đẳng tại địa phương để thực hiện thi tại chỗ.

Với tính chất lớn như kỳ thi THPT Quốc gia, dù tổ chức thành nhiều đợt nếu thi trên máy tính, nhưng dự kiến sẽ phải có số lượng máy tính lớn để phục vụ. Ví dụ như, trong 2 năm 2015 và 2016, ĐH Quốc gia Hà Nội huy động từ 6.000 đến 7.000 máy tính của trường và các trường tham gia tổ chức phục vụ thi đánh giá năng lực quốc gia (thi trên máy tính).

Kỳ thi THPT Quốc gia mang tính toàn quốc, hàng năm có khoảng 800.000 - 900.000 thí sinh đăng ký dự thi. Bởi vậy việc cần làm đó là bắt tay xây dựng ngân hàng khổng lồ với hàng vạn câu hỏi (kèm đáp án), để từ đó chia thành các mã đề được lựa chọn ngẫu nhiên.

Được biết, trong thời gian triển khai kỳ thi đánh giá năng lực quốc gia, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã xây dựng ngân hàng câu hỏi với khoảng 4.000 câu hỏi khác nhau được xây dựng bởi đội ngũ cán bộ chuyên viết câu hỏi cho bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực.

Đồng nghĩa với việc nếu kỳ thi mang tính quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức trên quy mô toàn quốc, số lượng câu hỏi, mã đề thi sẽ phải rất lớn để đảm bảo sự khách quan, công bằng và mức độ tương đương giữa các mã đề.

Một mối lo khác đó là khi tổ chức thi trên máy tính, liệu chuyện để lọt đề thi, lộ đề thi ra bên ngoài hay không bởi rất có thể hệ thống máy tính sẽ được kết nối mạng internet và vẫn có thể bằng cách nào đó đưa ra được bên ngoài.

Trên thực tế tại kỳ thi trên máy tính của ĐH Quốc gia Hà Nội đã có quy định rõ đối với thí sinh đó là thí sinh không được phép ghi âm, chụp ảnh hoặc sao lưu, chia sẻ thông tin về các câu hỏi thi của đề thi dưới bất cứ hình thức nào.

Trước những thắc mắc của thí sinh về việc được in câu hỏi, đáp án để về tham khảo, đối chiếu xem chấm đúng hay sai… ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, bộ đề thi chuẩn hóa, không những Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng không công bố đề thi như SAT hay ACT (của Mỹ). Đề thi và câu hỏi là sản phẩm riêng, các câu hỏi có thể được sử dụng trong các ca thi khác… Do đó, khuyến cáo thí sinh không tiết lộ đề thi trên mạng xã hội.

Theo Quang Anh

Gia đình & Xã hội