Trường đại học tuyển sinh hệ cao đẳng: Phải kiên quyết “tuýt còi”

Đó là ý kiến của PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT về việc có một số trường đại học (ĐH) vẫn cố tình tuyển sinh hệ cao đẳng (CĐ) trong năm học 2020-2021.

Việc này vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật GDĐH 2019 cũng như Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT.

Vẫn còn sai phạm

Luật giáo dục đại học (GDĐH) sửa đổi bổ sung năm 2018 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Theo đó, các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH bao gồm trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Việc đào tạo hệ CĐ thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và được quy định tại Luật GDNN.

Tuy nhiên, từ thời điểm tháng 7/2019, Tổng cục GDNN có công văn đề nghị 45 trường ĐH dừng tuyển sinh CĐ song vì có một số trường đã tuyển sinh nên Tổng cục đã thu hồi công văn này.

Trường đại học tuyển sinh hệ cao đẳng: Phải kiên quyết “tuýt còi” - 1

Ảnh minh họa.

Tới năm học này, thông tin từ đề án tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội công bố cho thấy, năm nay nhà trường tuyển sinh 300 chỉ tiêu cho ngành Công nghệ may, 50 chỉ tiêu cho Công nghệ kỹ thuật Cơ khí, 30 chỉ tiêu cho ngành Thiết kế thời trang. Như vậy, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ của trường năm học 2020-2021 là 380.

Lý giải về việc vẫn tuyển sinh hệ CĐ dù là trường ĐH, lãnh đạo nhà trường cho biết Luật GDNN không cấm trường ĐH đăng ký hoạt động GDNN. Hiện Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội có đăng ký hoạt động GDNN.

ĐH Công nghiệp Việt Trì tuyển 200 chỉ tiêu cho 7 ngành. ĐH Công nghiệp Hà Nội tuyển 850 chỉ tiêu cho 7 ngành.

Theo đề án tuyển sinh công khai trên website của Trường ĐH Sao Đỏ năm 2020-2021 hiện không có thông tin về việc tuyển sinh hệ CĐ. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với cán bộ tuyển sinh của nhà trường thì được biết, hiện nhà trường đã bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký online cho các ngành học hệ CĐ và ĐH đối với các thí sinh ở xa.

Tuy nhiên, cán bộ tư vấn tuyển sinh của nhà trường cũng đề nghị thí sinh và gia đình cân nhắc về cơ hội học ĐH ở cùng ngành học với mức học phí không chênh lệch nhiều và thời gian học chỉ tăng hơn 1 năm so với học CĐ trong khi cơ hội và vị trí việc làm sau này sẽ mở rộng hơn nhiều.

Trong trường hợp nếu đăng ký xét tuyển vào ĐH nhưng không đỗ thì có thể cân nhắc học hệ CĐ sau này, nhà trường cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho thí sinh.

Kiên quyết “tuýt còi”

Theo phân tích của các chuyên gia, không phải đến bây giờ mới có quy định các trường ĐH phải dừng tuyển sinh hệ CĐ mà đây là một lộ trình thực hiện đã được thông báo và lên kế hoạch từ lâu.

Cụ thể, Bộ GDĐT quy định trong thông tư 32 năm 2015 về xác định chỉ tiêu thì cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo CĐ ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020.

Tức là từ ngày 1/1/2020 tất cả các trường ĐH phải dừng tuyển sinh nếu không sẽ vi phạm quy định của Thông tư này. Riêng đối với các trường đã tuyển sinh CĐ trước ngày này được tiếp tục đào tạo đến khi sinh viên tốt nghiệp

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng việc có một số trường ĐH vẫn “cố tình” tuyển sinh hệ CĐ là vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật GDĐH 2019 cũng như Thông tư 32 đã đề cập ở trên.

Cần phải kiên quyết xử lý để tách bạch hệ CĐ ra khỏi trường ĐH để các trường tập trung đào tạo bậc ĐH, nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế. Các hoạt động GDNN đã có Luật GDNN quy định sát sao và quản lý nên không thể lẫn lộn.

Về phía Tổng cục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH cho biết đã thực hiện rà soát và phát hiện một số trường ĐH thông báo tuyển sinh CĐ. Hiện Tổng cục đã gửi văn bản cho các trường này yêu cầu dừng tuyển sinh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về một số trường ĐH tuy trong đề án tuyển sinh không công khai tuyển sinh hệ CĐ nhưng khi gọi điện hỏi phòng đào tạo của nhà trường thì vẫn được thông báo và hướng dẫn nộp hồ sơ xét tuyển hệ CĐ, đại diện Tổng cục GDNN cho biết sẽ tiếp tục rà soát và nếu phát hiện trường nào tuyển sinh chui sẽ có báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý.

PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất cần thiết phải quy định cụ thể về mức độ xử phạt đối với trường ĐH, đặc biệt là người lãnh đạo nếu vẫn cố tình vi phạm các quy định này mới đủ sức răn đe các nhà trường. 

Theo Thu Hương

Đại Đoàn Kết