Trường ĐH Ngoại thương tăng tính ứng dụng trong đào tạo

(Dân trí) - Ngày 23/12, trường Đại học Ngoại thương tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với 4 đối tác nhằm phát triển toàn diện và tạo nhiều bước đột phá mới trong đào tạo.

4 đối tác mà trường hợp tác là Trung tâm nghiên cứu chính sách phát triển (DEPOCEN), Công ty CP CSCI Đông Dương (CSCI Indochina Group), Tổ hợp Công nghệ giáo dục Topica (Topica Group), đặc biệt với Đề án Việt Nam Silicon Valley (VSV).

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng đại học Ngoại thương cho biết, trường ĐH Ngoại thương thực hiện cơ chế tự chủ, năm 2017 là năm kết thúc giai đoạn thí điểm tự chủ của trường. Trong thời gian thí điểm cơ chế tự chủ, nhà trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặt nền tảng cho sự phát triển, nhưng cũng đặt ra yêu cầu có những đột phá toàn diện trong tương lai.


PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương

Theo ông Tuấn, định hướng phát triển chiến lược của trường đến năm 2030 sẽ phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp độ, đa bậc học, chú trọng tính ứng dụng trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hoạt động trên phạm vi quốc gia và quốc tế.

Trường sẽ cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ở nhiều bậc học và hình thức, dịch vụ nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho chính phủ và các doanh nghiệp, đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng và hệ thống giáo dục đại học của VN.

Trong lễ ký kết với DEPOCEN, Topica và CSCI Indochina Group trường ĐH Ngoại thương cam kết hướng tới mục tiêu thành lập Trung tâm nghiên cứu độc lập đặt tại trường ĐH Ngoại thương. Đồng thời, gắn lý luận và thực tiễn, nâng cao năng lực nhằm phát triển và chuyển giao những tri thức tiên tiến vào thực tiễn phát triển kinh tế xã hội; phát triển chương trình đào tạo từ xa chất lượng cao, góp phần xây dựng xã hội học tập trong thời đại công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, với Việt Nam Silicon Valley, là đề án của Bộ KH&CN nhằm thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam, hướng tới tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho hay, với cộng đồng sinh viên sáng tạo có tinh thần dấn thân khởi nghiệp, Ngoại thương sẽ tiên phong trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng tới trường đại học khởi nghiệp.

"Mô hình hợp tác giữa các bên không chỉ huy động được những nguồn lực mới cho phát triển, mà còn góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia với sự tham gia chính thức của các trường đại học" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Hồng Hạnh