Trường ĐH thứ ba của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định AUN-AQ

(Dân trí) - Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM vừa chính thức được trao Chứng nhận đạt chuẩn đánh giá chất lượng cấp cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN-QA). Đây là trường thứ ba trong cả nước đến nay đạt được chuẩn chất lượng này.

Trước đó, trường ĐH Quốc tế TPHCM đã triển khai hoạt động đánh giá này từ năm 2017 và hoàn thiện vào cuối tháng 11/2018. Chiếu theo bộ tiêu chuẩn, trường có 100% tiêu chuẩn đạt, trong đó 32% tiêu chuẩn đạt đánh giá trên mức mong đợi ở các mảng nhân sự, đối ngoại, đánh giá chất lượng, tuyển sinh, hỗ trợ sinh viên, quản lý khoa học, kết quả đầu ra của người học và kết quả nghiên cứu khoa học.

Trường ĐH thứ ba của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định AUN-AQ - 1

Đại diện mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) trao chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA cho tập thể lãnh đạo trường ĐH Quốc tế TPHCM

Bên cạnh đó, hai chương trình học của trường là cử nhân ngành Tài chính ngân hàng và Kỹ thuật xây dựng cũng được công nhận đạt chuẩn chất lượng cấp chương trình đào tạo theo đánh giá này. Nhờ đó, nhà trường đã nâng số lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn đánh giá AUN-QA lên con số 11, trong đó có 9 chương trình bậc đại học và 2 chương trình bậc thạc sĩ. Đồng thời, trường cũng có 2 chương trình kiểm định theo chuẩn ABET.

Trường ĐH Quốc tế được thành lập năm 2003 và là trường ĐH công lập đầu tiên sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong đào tạo giảng dạy và nghiên cứu. Đến nay, trường có hơn 7.600 sinh viên và gần 800 học viên, nghiên cứu sinh sau ĐH. Trường hiện có 19 chương trình đào tạo bậc ĐH, 9 chương trình bậc thạc sĩ và 2 chương trình bậc tiến sĩ.

Trước trường ĐH Quốc tế, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) đã đạt kiểm định chất lượng AUN-QA vào năm 2017.

Được biết, mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) thành lập năm 1995 với việc ban hành Hiến chương về giáo dục đại học. AUN thực hiện các chương trình và các hoạt động nhằm khuyến khích và tăng cường hợp tác, phát triển giáo dục mở rộng hội nhập khu vực tiến đến việc đạt được các chuẩn mực toàn cầu.

Các hoạt động hiện tại của AUN được phân thành 5 lĩnh vực, bao gồm: Các chương trình trao đổi dành cho giới trẻ; Hợp tác học thuật; Tiêu chuẩn, cơ chế, hệ thống và chính sách hợp tác giáo dục đại học; Môn học và phát triển chương trình; Các diễn đàn về chính sách khu vực và toàn cầu.

Lê Phương