Tuyển sinh đại học 2019: Cân nhắc nguyện vọng

Dù đăng ký bao nhiêu nguyện vọng (NV) thì cuối cùng các em cũng chỉ có thể nhập học một trường duy nhất nếu đỗ. Vì vậy, các chuyên gia lưu ý các thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký NV. Về lo lắng của các trường khó khăn trong việc lọc thí sinh “ảo”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, phải có cách để kiểm soát thí sinh ảo bằng những con số thống kê qua các năm.

 Tuyển sinh đại học 2019: Cân nhắc nguyện vọng  - Ảnh 1.

Năm 2019, thí sinh được thoải mái đăng ký NV xét tuyển ĐH.


Trúng tuyển nhiều trường, nhập học một trường

Từ năm 2017, quy chế tuyển sinh đã cho phép thí sinh được thoải mái đăng ký NV xét tuyển nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa về sự lựa chọn cơ hội cho thí sinh. Thống kê của Bộ GDĐT năm 2018 cho thấy, có 16% thí sinh đăng ký xét tuyển 1 NV, 16% đăng ký 2 NV, 17% đăng ký 3 NV, 13% đăng ký 4 NV, 7% có 5 NV. Từ NV thứ 6 trở lên có 27% thí sinh đăng ký. Trong đó, có thí sinh đăng ký nhiều NV nhất là 50.

Ở kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) 2018, đại diện một số trường ĐH đã đưa ra đề xuất nên khống chế số lượng NV đăng ký xét tuyển ĐH. Theo đó, chỉ khoảng 5 NV là nhiều rồi. Không cần đến 10 NV khiến các trường khó khăn trong lọc ảo. Về phía thí sinh, khi đã không đam mê, không theo đuổi thì việc cho phép các em đăng ký tới 10 NV chẳng để làm gì.

Gần đây nhất, tại hội nghị Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ĐH và trường sư phạm năm 2018 vừa diễn ra ở Hà Nội, một số lãnh đạo các trường ĐH nêu đề xuất, Bộ GDĐT có thể cân nhắc cho thí sinh không đăng ký nhiều NV. Vì trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2018, thí sinh ảo rất nhiều. Có nhiều em có điểm trúng tuyển đăng ký vào các trường nhưng sau đó lại không nhập học. Điều này gây khó khăn cho các trường ĐH trong việc tuyển sinh.

Trước những ý kiến đề nghị xem xét lại việc cho thí sinh đăng ký thoải mái số lượng NV, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, việc gây ra thí sinh “ảo” phụ thuộc vào nhiều vấn đề nhưng nhìn chung tuyển sinh ĐH là phải sống chung với ảo và phải có cách để kiểm soát nó bằng những con số thống kê qua các năm.

Để khắc phục thí sinh “ảo”, bà Phụng cho rằng, sắp tới, Bộ GDĐT và các trường ĐH, CĐ phải tính đến có đủ cơ sở dữ liệu, đủ kinh nghiệm kiểm soát. Việc làm này cũng là để thí sinh có thể trúng tuyển nhiều trường và được chọn nhập học một trường như các nước phát triển khác.

Chọn ngành đừng mơ hồ

Công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT thời gian qua đã được ngành giáo dục quan tâm. Nhiều buổi tư vấn hướng nghiệp cho các thí sinh đã được tổ chức nhằm giúp các em có hiểu biết hơn về các ngành nghề có thể theo đuổi trong tương lai. Mặc dù đã có cuốn Những điều cần biết về thông tin tuyển sinh từ các năm nhưng nhìn chung, nếu chỉ dựa vào thông tin ngành nghề ở đây để đăng ký xét tuyển ĐH thì khá mơ hồ. Các em cũng có thể thông qua internet, các kênh thông tin từ gia đình, người thân, bạn bè để tìm hiểu thông tin về ngành nghề của một số trường nhưng nếu được tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh thì sẽ giải đáp được đầy đủ, chính xác nhiều thắc mắc hơn.

Chẳng hạn, tại buổi tư vấn tuyển sinh do Bộ GDĐT tổ chức mới đây tại Hà Nội, một học sinh đến từ Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đặt câu hỏi có nên chọn “nghề danh giá” nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ.

Trả lời câu hỏi này, TS Trần Văn Tính - Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội cho rằng, các phụ huynh và học sinh cần xóa bỏ định kiến về nghề danh giá để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Theo TS Tính, nghề danh giá là nghề đem lại giá trị cho xã hội, phát triển và đáp ứng nhu cầu của cá nhân, giữ được nhân cách con người tốt đẹp. Như vậy, không nên so sánh nghề này với nghề kia bởi nghề nào đáp ứng được những tiêu chí đó cũng đều danh giá.

Bên cạnh đó, nghề có thu nhập cao nhất là nghề “chuyên nghiệp nhất” và bất cứ nghề nào cũng có thể chuyên nghiệp được. Ví dụ: Nghề cắt tóc, gội đầu nếu chuyên nghiệp thì đều có thu nhập có tốt.

Cũng có chung quan điểm không nên đặt mục tiêu đậu ĐH bằng mọi giá mà chọn ngành không phù hợp, TS Trần Thế Hoàng- Chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP HCM cho rằng, nguyên tắc hàng đầu khi lựa chọn ngành là phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, nhu cầu xã hội và hoàn cảnh gia đình. Như vậy sẽ tránh được việc mất thời gian, công sức, tiền bạc bỏ dở việc học giữa chừng.

Hiện nay, còn nhiều thời gian để suy nghĩ, lựa chọn ngành học trước khi điền phiếu NV. Thầy Hoàng cũng lưu ý thí sinh có quyền điều chỉnh NV một lần duy nhất sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia theo hình thức online hoặc điều chỉnh bằng phiếu tại các trường THPT nơi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Thí sinh cần tận dụng tốt quy định này nhằm tăng khả năng trúng tuyển ngành nghề yêu thích.

Theo Thu Hương

Đại Đoàn Kết