Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018: Giảm mạnh chỉ tiêu ngành sư phạm

Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) mới đây đã có văn bản ấn định chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm cho các trường năm 2018. Theo đó, đa số các trường đều bị cắt giảm chỉ tiêu so với năm 2017. Vụ Giáo dục ĐH cho biết việc cắt giảm này nhằm khắc phục tình trạng còn một số sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm.

Nhiều trường sư phạm mạnh dạn cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh. (Ảnh: Mạnh Dũng)
Nhiều trường sư phạm mạnh dạn cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh. (Ảnh: Mạnh Dũng)

Giảm trên 30% chỉ tiêu

Cụ thể, theo ông Trần Anh Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, từ tháng 1-2018, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi cho 63 tỉnh thành đề nghị rà soát nhu cầu giáo viên của từng môn học, từng cấp học từ mầm non cho đến THPT. Đây cũng là căn cứ quan trọng nhất để Bộ xác định chỉ tiêu cho từng trường sư phạm trong mùa tuyến sinh 2018. Vụ Giáo dục ĐH đã đã rà soát nhu cầu giáo viên của các địa phương từ năm 2018 đến năm 2022 để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, bởi với bậc ĐH sinh viên năm 2018 vào học sẽ ra trường vào năm 2022, bậc CĐ ra trường vào năm 2021 và Trung cấp ra trường vào năm 2020.

Căn cứ thứ hai để Bộ xác định chỉ tiêu là dựa vào tổng số sinh viên đang học của tất cả các trình độ ở các ngành sư phạm trên cả nước. Sinh viên đang học sẽ ra trường và là nguồn bổ sung nhân sự cho các trường vào những năm sắp tới. Căn cứ thứ ba là tỷ lệ sinh viên chưa có việc làm ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là một nguồn lực có thể gia nhập vào nhân sự ngành giáo dục trong thời gian tới.

Đại diện Vụ Giáo dục ĐH cũng cho biết, nhiều trường sau khi đánh giá lại nhu cầu của địa phương đã chủ động tự giảm chỉ tiêu một số ngành (trong đó có đào tạo sư phạm), thậm chí là bỏ tuyển sinh những ngành không đào tạo được. Theo đánh giá của Vụ giáo dục ĐH, đây là một tín hiệu tốt từ phía các trường, cho thấy các trường đã có trách nhiệm xã hội cao hơn.

Từ kết quả rà soát nhu cầu giáo viên, ông Tuấn cho hay, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các ngành sư phạm trên cả nước giảm 20% so với tổng số sinh viên thực tuyển năm 2017, và giảm khoảng 33% so với chỉ tiêu năm 2017. Trước đó, chỉ tiêu năm 2017 của khối ngành sư phạm trên cả nước là 52.000. Nhưng số thực tuyển của các trường chỉ đạt hơn 80% chỉ tiêu đề ra, tức khoảng gần 44.000 thí sinh.

Năm 2018, chỉ tiêu của khối ngành sư phạm là khoảng 35.000 sinh viên. Như vậy, chỉ tiêu khối ngành sư phạm năm nay chỉ bằng khoảng 80% số thực tuyển năm ngoái. Một số trường đào tạo sư phạm lớn trên cả nước cũng nằm trong danh sách giảm chỉ tiêu so với năm 2017: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển 1.415 chỉ tiêu, giảm 21% so với năm trước; Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) giảm 37,5% ngành đào tạo giáo viên hệ ĐH; Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) giảm 31,4%; Trường ĐH Sư phạm TPHCM giảm 7,6%. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 và Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng giữ nguyên mức tuyển so với năm trước, lần lượt là 1.220 và 434 chỉ tiêu.

Thống kê từ Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, hiện trên toàn quốc hiện thừa hơn 12.000 giáo viên THCS, 4.200 giáo viên THPT. Giáo viên bậc mầm non thiếu hơn 34.000 giáo viên; bậc tiểu học thiếu 5.300.

Có đường dây nóng hỗ trợ thí sinh

Giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm nhằm đáp ứng sát hơn nhu cầu từ thực tiễn, nhưng việc cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh sát ngày thí sinh đăng ký làm hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 cũng đang khiến nhiều người băn khoăn. Rằng chủ trương này có “vênh” với đề án tuyển sinh của các trường đã công bố trước đó hay không?

Ông Trần Anh Tuấn lý giải, trên cơ sở tính toán cẩn trọng và chi tiết cho từng ngành, từng trình độ đào tạo của các trường có ngành đào tạo giáo viên để chỉ tiêu cụ thể được phân bổ cho các trường. Việc này không gây khó khăn cho thí sinh vì số ngành đào tạo của các trường không giảm mà chỉ điều chỉnh chỉ tiêu giữa các ngành hoặc chỉ đối với các ngành đào tạo giáo viên. Bộ GD&ĐT và các trường đều thiết lập đường dây nóng và hệ thống thư điện tử để giải đáp thắc mắc, hỗ trợ thí sinh trong quá trình đăng ký dự thi và xét tuyển.

Việc chủ động cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh của các trường cho thấy các đơn vị đào tạo đã từng bước chủ động điều chỉnh cơ cấu tuyển sinh phù hợp với nhu cầu xã hội, từng bước khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.

Theo Mạnh Dũng

Đại Đoàn Kết