Tuyển sinh đại học, cao đẳng: Cần một phương án cụ thể

Các trường ĐH,CĐ sẽ tuyển sinh thế nào khi từ năm 2019, kỳ thi THPT quốc gia sẽ chỉ được tổ chức để phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp, mà không còn kỳ thi “2 trong 1”? Đây đang là mối quan tâm của người học và xã hội.

Phương án tuyển sinh luôn được toàn xã hội quan tâm.
Phương án tuyển sinh luôn được toàn xã hội quan tâm.

Thi để đánh giá chất lượng dạy học ở phổ thông

Trước đó, giải trình trước Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về các vấn đề giáo dục, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Kỳ thi từ năm 2019 sẽ không phải để phục vụ cho 2 mục đích đồng thời mà phục vụ tốt nghiệp THPT. Do đó, đề thi sẽ không phải ra để phục vụ mục đích 2 trong 1 mà phục vụ để đánh giá học sinh THPT, nhưng phải làm thật nghiêm túc để căn cứ vào đó, các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng hoặc dùng các phương thức khác để xét tuyển.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GDĐT đã có nghiên cứu thực tiễn và tham khảo các nước. Hiện nay, rất nhiều nước vẫn thực hiện thi THPT quốc gia. Mục đích không phải chỉ để công nhận tốt nghiệp mà qua kỳ thi đó để kiểm tra nội dung, phương pháp, chất lượng dạy học ở phổ thông ra sao, có cần điều chỉnh không. Từ năm 2019, đề thi sẽ chỉnh theo hướng tốt nghiệp phổ thông, bám sát vào yêu cầu của THPT. Đề thi sẽ chủ yếu, căn bản là nội dung chương trình lớp 12.

Quyết định này cũng phù hợp với quan điểm của nhiều người khi cho rằng, việc đặt mục tiêu vừa xét tốt nghiệp vừa lấy kết quả để tuyển sinh ĐH, CĐ trong một kỳ thi là không hợp lý. Bởi trong số khoảng 1 triệu học sinh thi THPT quốc gia thì có tới gần 1 nửa học sinh không có nguyện vọng thi vào ĐH, CĐ. Nhưng những học sinh đó vẫn phải làm đề thi của học sinh thi vào ĐH, CĐ. Điều này không phù hợp với mục tiêu phân luồng. Một nửa triệu bài thi mang đi chấm mà không vào ĐH cho nên tăng cường số giáo viên chấm, phương tiện chấm, rồi giáo viên coi chéo... gây tốn kém, không hiệu quả, và dễ dẫn đến tiêu cực.

Trên thực tế, Luật Giáo dục cũng không đặt mục tiêu xét tuyển ĐH cho kỳ thi THPT mà chỉ nêu khi hoàn thành chương trình học THPT lớp 12, thí sinh có quyền thi phổ thông. Từ những bất cập trong khâu ra đề thi và quy trình tổ chức thi, Bộ GDĐT đã lắng nghe góp ý từ dư luận xã hội để điều chỉnh.

Mỗi trường mỗi kiểu

Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, đến thời điểm này nhà trường vẫn chưa có phương án tuyển sinh cụ thể cho năm 2019. Trước đó, nhà trường vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều trường khác. Nên dù thay đổi, một số trường có lẽ vẫn tiếp tục sử dụng phương án này để xét tuyển trong năm tới.


Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Nội.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, nếu đề thi không có sự phân hóa cao, tất cả thí sinh đều đạt điểm khá giỏi thì các trường sẽ khó chọn được thí sinh và phải tính đến phương án tổ chức thi riêng. Thực tế, trước đây các trường đã làm nhưng sẽ gây lãng phí. Vì vậy, PGS. TS Trần Văn Tớp đề xuất những trường cùng có nhóm ngành chung có thể lập nhóm để tuyển sinh cùng nhau, như nhóm các trường kỹ thuật, các trường y dược, nhóm trường về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhóm kinh tế… Như thế, sẽ không gây lãng phí và giảm áp lực cho thí sinh phải thi 3, 4, 5… trường của cùng một nhóm ngành như cách đây chục năm đã làm.

Phương án thứ ba là vẫn sử dụng kết quả thi THPT quốc gia như một sàng lọc ban đầu, sau đó nhà trường tổ chức một kỳ thi khác gọn nhẹ để phân hóa, chọn tiếp những thí sinh phù hợp. Cách làm này có phần tương tự với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức năm 2016.

Đại diện ĐH Quốc gia TP HCM cũng cho biết, tiếp theo thành công của mùa tuyển sinh 2018, năm 2019, nhà trường sẽ tổ chức tiếp kỳ thi đánh giá năng lực học sinh và tăng tỷ lệ xét tuyển từ kỳ thi này lên 10-15% so với hiện nay. Trên thực tế, không phải trường ĐH, CĐ nào cũng đủ khả năng để tổ chức riêng một kỳ thi đảm bảo an toàn, khách quan, nghiêm túc do thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên các môn khoa học cơ bản để ra đề thi,... Vì vậy, hiện tại, cũng đã có nhiều trường ĐH cho biết sẽ phối hợp, sử dụng kết quả của kỳ thi này của ĐH Quốc gia TP HCM.

Ngoài phương án sử dụng song song kết quả của kỳ thi THPT quốc gia với thi đánh giá năng lực như trên, nhiều trường lựa chọn phương án thứ 4 là xét tuyển theo kết quả học bạ THPT kết hợp với sử dụng kết quả thi THPT quốc gia.

Phương án thứ 5 là chỉ sử dụng kết quả học bạ THPT. Phương án này đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, một số trường ĐH, CĐ trong cả nước đã áp dụng hình thức này.

Theo PGS. TS Trần Văn Tớp, thời gian tới Bộ GDĐT cần họp với các trường để cùng bàn về phương án cụ thể cho kỳ thi THPT quốc gia năm tới. Nếu đề thi vẫn có thể phân hóa thí sinh, các trường vẫn có thể sử dụng kết quả này, nhưng nếu đề thi không phân hóa được thì các trường cần có thời gian để chuẩn bị những phương án khác.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, trong xu thế tự chủ ĐH là tất yếu, các trường tự lựa chọn phương án tuyển sinh phù hợp. Trong đó, chất lượng đầu vào chỉ là tương đối. Quá trình đào tạo mới quyết định sản phẩm đầu ra là sinh viên tích lũy được những kiến thức, kỹ năng gì, đã đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội yêu cầu hay chưa.

6 giải pháp hoàn thiện Kỳ thi THPT quốc gia 2019

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT vừa cho hay: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục được duy trì và năm 2019, Bộ GDĐT sẽ thực hiện 6 nhóm giải pháp để kỳ thi được hoàn thiện hơn.

Thứ nhất: Sẽ rà soát tổng thể về toàn bộ quy chế, quy trình của kỳ thi để cụ thể hóa những quy định trong quy chế, hướng dẫn. Trong đó, vấn đề quan trọng là xác định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan tham gia tổ chức kỳ thi và chế tài xử lý. Thứ hai: Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, đảm bảo các yêu cầu để đề thi chính thức phù hợp với tính chất kỳ thi, thời gian làm bài của thí sinh. Thứ ba: Hoàn thiện, củng cố ứng dụng Công nghệ thông tin vào các khâu của các kỳ thi. Trong đó sẽ hoàn thiện phần mềm kỳ thi, tăng cường bảo mật, hỗ trợ phát hiện gian lận. Thứ tư: Nghiên cứu, xem xét tổ chức về việc chấm thi. Bộ đang xem xét theo hướng cán bộ chấm thi sẽ không chấm bài của thí sinh tỉnh mình. Thứ năm: Việc lựa chọn nhân sự tham gia vào công tác kỳ thi sẽ được xem trọng. Đồng thời, sẽ tập huấn kỹ hơn về công tác thi cho đội ngũ nhân sự. Thứ sáu: Nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra, giám sát tại các cụm thi, địa điểm thi và tất cả các phòng thi.

H.Lê

Theo Thu Hương

Đại Đoàn Kết