Số phận bi thảm của những chính khách

(Dân trí)- Lịch sử phát triển xã hội loài người đã ghi lại cuộc đời, số phận bi thảm của không ít chính khách...

Abraham Lincoln (Mỹ)

12/2/1809 – 15/4/1865

Những chính khách có số phận bi thảm



Ông là Tổng thống thứ 16 của Mỹ từ tháng 3/1861 cho đến khi bị ám sát. Ông là nhân vật lịch sử hàng đầu của Mỹ với tài nghệ chính trị được ví như vị Tổng thống khai quốc George Washington. Lincoln đã đưa nước Mĩ vượt qua cuộc khủng hoảng trong cuộc Nội chiến Mỹ, duy trì được chế độ chính quyền Liên bang, chấm dứt chế độ nô lệ, hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước.

Diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ, John Wilkes Booth, gián điệp mật của phe Liên minh miền Nam nước Mĩ, khối chủ trương duy trì chế độ nô lệ đã lập ra kế hoạch ám sát hàng loạt những nguyên thủ quốc gia hàng đầu của Mỹ lúc đó như Phó Tổng thống Andrew Johnson, Bộ trưởng Ngoại giao William H. Seward, và Tướng Grant. Đến ngày 14/4/1865, Lincoln đi xem kịch trong sự lơ là của các cận vệ. Lợi dụng giờ nghỉ giải lao, Booth lẻn vào và bắn Tổng thống từ cự ly gần. Sau cơn hôn mê kéo dài chín giờ, Lincoln từ trần.

Mohandas Karamchand Gandhi (Ấn Độ)

2/10/1869 – 30/1/1948

Những chính khách có số phận bi thảm



Gandhi là anh hùng dân tộc Ấn Độ, đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Anh và giành độc lập về cho Ấn Độ. Trong đường lối chính trị của mình, ông phản đối các hình thức khủng bố bạo lực và luôn đề cao tiêu chuẩn đạo đức. Khi đất nước giành được tự do, Gandhi đứng đầu đảng Quốc dân Đại hội Ấn Độ và được hàng triệu dân gọi "Linh hồn lớn", "Vĩ nhân" hoặc "Đại nhân". Ông là một môn đồ của Ấn Độ giáo và là nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của dân tộc, được tôn kính như một Quốc phụ.

Ngày 30/1/1948, Gandhi bị bắn chết bởi một môn đồ Ấn Độ giáo cực đoan. Tương truyền câu nói trước khi chết của Gandhi là "Ô kìa Rama!" với ý nghĩa tôn kính hướng đến thần Rama - vị thần thượng đẳng của người Ấn. Tuy biết mình bị ám sát, nhưng hành động bình tĩnh đó của ông đã thể hiện lí tưởng trong sáng của vị lãnh tụ mong đất nước đạt tới hòa bình vĩnh hằng. Sau đó, ông ngã xuống đất trong tư thế chắp hai tay trước ngực như chào thần Rama.

John Fitzgerald Kennedy (Mỹ)

29/5/1917 - 22/11/1963

Những chính khách có số phận bi thảm



Kennedy đã từng chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ hai trước khi trở thành tổng thống Mỹ thứ 35 trong thời kỳ chiến tranh lạnh với nhiệm kỳ từ năm 1961-1963. Trong nhiệm kỳ của mình, Kennedy chú trọng phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe, kìm hãm đà suy thoái, chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc. Trong khuôn khổ chính sách đối nội, tổng thống Kennedy chú trọng cải cách thuế, bao gồm việc cắt giảm thuế lợi tức, đây là một trong những đề án cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ, vượt qua cả luật cắt giảm thuế của Ronald Reagan năm 1981.

Sự kiện Kennedy bị ám sát vào ngày 22/11/1963 là một bước ngoặt trong lịch sử Mỹ hồi thập niên 1960. Kennedy là chính khách trẻ tuổi nhất từng đắc cử tổng thống Mỹ và cũng là tổng thống trẻ tuổi nhất qua đời khi đang tại vị.

Martin Luther King, Jr. (Mỹ)

15/1/1929 – 4/4/1968

Những chính khách có số phận bi thảm



Luther King là mục sư, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, được nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ như một anh hùng, nhà kiến tạo hoà bình và đức thánh tử vì đạo. Ồng nâng cao nhận thức của công chúng về phong trào dân quyền, và được nhìn nhận là một trong những nhà hùng biện vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Năm 1964, King là nhân vật trẻ tuổi nhất được chọn để nhận Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc qua biện pháp hoà bình, không kêu gọi bạo động.

King bị ám sát vào chiều tối ngày 4/4/1968, khi ông đang đứng trên ban công của khách sạn Lorraine tại Memphis, Tennessee, sắp sửa rời khách sạn để dẫn đầu một cuộc tuần hành cùng liên đoàn công nhân vệ sinh của người da đen tại Memphis. Vài người bạn đang ở bên trong, nghe tiếng súng vội chạy ra ban công thì thấy King đã bị bắn. Jesse Jackson, có mặt vào lúc ấy, thuật lại rằng, lời sau cùng King nói với Ben Branch, một nhạc sĩ được lên lịch sẽ biểu diễn trong tối tuần hành ấy: “Này Ben, hãy hứa với tôi là đêm nay anh sẽ chơi bài Take My Hand, Precious Lord thật hay nhé”. Sau cuộc giải phẫu không thành công, Bệnh viện St. Joseph tuyên bố King từ trần trong tối cùng ngày. Ngay sau khi King bị ám sát đã bùng nổ những cuộc bạo động lan rộng tại hơn 100 thành phố trên khắp nước Mỹ. Ngày 7 tháng 4, Tổng thống Johnson công bố một ngày quốc tang để bày tỏ sự tiếc thương cho cái chết của nhà lãnh đạo phong trào dân quyền. Ba trăm ngàn người đã có mặt tại tang lễ của ông.

Indira Priyadarsini Gandhi (Ấn Độ)

19/11/1917 – 31/10/1984

Những chính khách có số phận bi thảm

Bà là Thủ tướng Ấn Độ từ tháng 1/1966 đến tháng 3/1977 và từ ngày tháng 1/1980 cho đến khi bà bị ám sát. Trong nhiệm kỳ của mình, bà được biết đến với những thay đổi lớn lao trong diện mạo đời sống kinh tế và an ninh quốc phòng của Ấn Độ. Bà đã đưa ra kế hoạch đổi mới nông nghiệp và các trợ giúp của chính phủ khởi đầu từ thập niên 1960 giúp Ấn Độ thoát khỏi tình trạng thiếu hụt lương thực triền miên, rồi dần dà thặng dư trong sản xuất lúa mì, lúa gạo, sợi, sữa và bắt đầu xuất khẩu thực phẩm và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Tiến trình này được biết đến dưới tên cuộc Cách mạng Xanh. Đồng thời, cuộc Cách mạng Trắng được tiến hành nhằm phát triển công nghiệp sản xuất sữa với mục tiêu kiềm chế nạn suy dinh dưỡng, nhất là trong trẻ em.

Bà cũng là người đã dẫn dắt chính sách ngoại giao và an ninh của Ấn Độ theo hướng mới. Gandhi cũng cho đẩy mạnh chương trình hạt nhân quốc gia tại Ấn Độ. Năm 1974, Ấn Độ thực hiện thành công một thí nghiệm hạt nhân dưới mặt đất và trở thành một cường quốc hạt nhân mới tại Châu Á.

Ngày 31/10/1984, hai người thuộc toán cận vệ của Gandhi ám sát bà ngay trong khu vườn của Tư dinh Thủ tướng ở New Dehli. Lúc ấy, Gandhi đang dạo bước nói chuyện với diễn viên người Anh Peter Ustinov trong một cuộc phỏng vấn như là một phần của bộ phim tư liệu thực hiện cho truyền hình Ireland. Khi bước qua chiếc cổng nhỏ, bà cúi chào theo phong tục Ấn, hai người cận vệ đang đứng gác liền nổ súng. Gandhi từ trần khi đang trên đường đến bệnh viện.

Sven Olof Joachim Palme (Thuỵ Điển)

30/1/1927 – 28/2/1986

Những chính khách có số phận bi thảm



Palme là người lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển từ năm 1969 tới ngày bị ám sát năm 1986. Ông cũng làm thủ tướng Thụy Điển hai lần, nhiệm kỳ thứ nhất từ năm 1969-1976 và nhiệm kỳ thứ hai từ 1982 tới khi chết. Vụ ám sát Palme là vụ ám sát chính trị gia đầu tiên trong lịch sử Thụy Điển hiện đại và có tác động lớn lao khắp vùng Scandinavia.

Là lãnh đạo thuộc thế hệ mới của Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển, Olof Palme đi theo đường lối cách tân cách mạng. Tại quốc hội Thuỵ Điển, quan điểm của ông gây ra nhiều thái độ thù địch từ những người Thụy Điển có khuynh hướng bảo thủ. Trên bình diện quốc tế, Palme được nhiều người nhìn nhận là một nhân vật chính trị tiếng tăm vì ông dám chỉ trích gay gắt Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam; vận động chống phổ biến vũ khí hạt nhân; chỉ trích chế độ phát-xít Franco ở Tây ban Nha; chống đối chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi và đã từng gặp gỡ, trò chuyện với chủ tịch Fidel Castro của Cuba.

Tất cả các việc đó chắc chắn đã gây cho Palme nhiều kẻ thù ở trong nước lẫn nước ngoài. Olof Palme thuờng đi lại không có sự bảo vệ của các vệ sĩ, và đêm mà ông ta bị ám sát cũng vậy. Từ một rạp chiếu phim, ông đi bộ về nhà với vợ qua phố Sveavägen ở trung tâm Stockholm, lúc gần nửa đêm ngày 28/2/1986, vợ chồng ông đã bị một tay súng tấn công. Cho tới nay, cảnh sát Thuỵ Điển vẫn chưa tìm ra thủ phạm vụ mưu sát này. Ông được đưa gấp vào bệnh viện nhưng đã từ trần trên đường đi.

 
Hồ Bích Ngọc
Theo List