1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng Đào Đình Bình xin nhận… thiếu sót

(Dân trí) - Chiều 29/3, trước quá nhiều đề nghị của báo chí, Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình đã phải “lộ diện” để thể hiện quan điểm xung quanh những sai phạm của PMU 18 và trách nhiệm của ông trong vấn đề này. Bộ trưởng Bình bắt đầu bằng việc bình luận về <a href=" http://www5.dantri.com.vn/Sukien/2006/3/108755.vip"> bài trả lời phỏng vấn</a> của Thứ trưởng Tiến.

Tôi rất buồn và bất ngờ về bài phát biểu của anh Tiến (Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến) trên báo chí. Đồng chí Tiến đã nói những điều không đúng với bản kiểm điểm. Hơn nữa, một số thông tin lại không chính xác.

 

Ví dụ việc anh Tiến nói tôi bổ nhiệm Bùi Tiến Dũng là không đúng qui trình, là sai, nhưng tôi khẳng định việc bổ nhiệm thực hiện đúng Quyết định 27 của Thủ tướng Chính phủ và QĐ 40 của Ban cán sự đảng bộ. Tôi khẳng định chúng tôi đã làm đúng.

 

Thứ hai, trường hợp Nguyễn Việt Bắc (Phó tổng giám đốc VEC), khi thành lập công ty VEC anh Tiến đề xuất với tôi sắp xếp vị trí để anh Bắc có thể tiến bộ (trước đó, ông Bắc là Thư ký cho Thứ trưởng Tiến, sau đó làm phó phòng tổng hợp). Sau khi xem xét, tham khảo các ban liên quan, tôi đã quyết định bổ nhiệm. Vậy mà bây giờ anh Tiến nói là không giới thiệu.

 

Nhân đây tôi muốn nói thêm một điều, đó là đồng chí Thạch, cháu anh Tiến, là Phó tổng Giám đốc PMU 18, anh Tiến đề xuất với tôi chuyển anh Thạch sang làm Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án phía Nam để có điều kiện tiến bộ. Thấy hợp lý tôi cũng đồng ý. Vậy nếu bây giờ anh này có khuyết điểm chắc anh Tiến cũng lại không nhận?!

 

"Tôi xin nhận một phần trách nhiệm"

 

Một số đồng chí lãnh đạo Đảng đánh giá Đảng bộ PMU 18 tê liệt, vậy mà nhiều năm nay Đảng bộ này vẫn được đánh giá là trong sạch, vững mạnh. Vì sao lại có chuyện lạ như vậy?

 

Tôi nghĩ đây là vấn đề lớn. Có nhiều tổ chức lúc thường thì không sao nhưng sau quá trình thanh tra, kiểm tra thì xuất hiện vấn đề. Điều đó nói lên sức chiến đấu của Đảng bộ PMU18, Đảng bộ Bộ GTVT, Ban cán sự Đảng Bộ GTVT còn yếu kém. Chúng tôi đã kiểm điểm sâu sắc với Thủ tướng Chính phủ. Để xảy ra vụ việc Bùi Tiến Dũng là thiếu sót của tôi và cá nhân ông Tiến với tư cách là Bí thư Đảng bộ.

 

Theo ông Tiến, trách nhiệm của Bộ trưởng là cao nhất trong sự việc này?

 

Công việc đã được phân công, phân cấp rõ ràng. Người thủ trưởng đứng đầu ngành có trách nhiệm gián tiếp. Tôi cũng có phần trách nhiệm trong đó.

 

Như vậy trách nhiệm trong việc để PMU18 được quản lý tới 70% khối lượng các dự án có đầu tư nước ngoài cũng là trách nhiệm của riêng ông Tiến?

 

Tôi xin nói thế này, ý đồng chí nói là trách nhiệm của Bộ trưởng, nhưng phải hiểu là có 3 đời Bộ trưởng. Trong 15 dự án ODA do PMU18 quản lý thì 14 dự án đã được quyết định từ trước, tôi chỉ quyết định duy nhất 1 dự án và dự án này cũng được tách ra từ một dự án mà trước đây các Bộ trưởng trước đã giao cho PMU18.

 

Ông Tiến muốn đối chất với Bộ trưởng và nói nếu ông ta là Bộ trưởng sẽ từ chức vì đã để xảy ra những sai phạm ở PMU18, vậy quan điểm của Bộ trưởng?

 

Chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau, ở nhiều thời điểm và có diễn đàn để trao đổi công tác, diễn đàn ở Ban cán sự. Đó là những diễn đàn tốt. Còn nếu anh Tiến muốn thì tôi cũng sẵn sàng trao đổi cùng anh Tiến ở những diễn đàn này trên tinh thần đồng chí, anh em.

 

Việc từ chức, tôi cho rằng đó là quan điểm của cá nhân anh Tiến. Phần tôi đã kiểm điểm sâu sắc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Xin Bộ trưởng cho biết trong bản kiểm điểm của mình gửi Thủ tướng, Bộ trưởng tự nhận hình thức kỷ luật như thế nào?

 

Chúng tôi đã kiểm điểm và nhận trách nhiệm còn mức thế nào thì chúng tôi đang chờ cấp trên quyết định.

 

Sau khi xảy ra hàng loạt sự việc ở PMU18, Bộ trưởng tự nhận thấy năng lực lãnh đạo của mình như thế nào? Liệu có còn xứng đáng trên cương vị Bộ trưởng?

 

Ba năm làm Bộ trưởng tôi luôn phấn đấu làm tốt trách nhiệm. Nếu có thiết sót tôi xin nhận trách nhiệm.

 

Chưa xử lý nghiêm vụ Bùi Tiến Dũng: Thiếu sót của Bộ trưởng!

 

Tỉ lệ thất thoát trong xây dựng ở các dự án do Bộ GTVT quản lý là bao nhiêu, khi mà Bùi Tiến Dũng có hàng triệu USD để đánh bạc?

 

Việc thất thoát chưa có con số cụ thể. Cần có sự kiểm tra thì mới có thể nói chính xác. Tôi nghĩ sẽ được kết luận khi cơ quan điều tra làm rõ.

 

Ông có nghe nói việc chạy dự án, các nhà thầu phải chi phần trăm để được nhận công trình. Trong đó có 10%  trích lại cho lãnh đạo bộ?

 

Các thông tin đó chúng tôi có nghe ngóng và yêu cầu cấp dưới phải đề phòng. Việc này không có chứng cứ cụ thể thì không thể kết luận.

 

Trong trách nhiệm quản lý tài chính và quản lý cán bộ, trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào?

 

Từ 2002 trở về đây, Thanh tra chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng liên tục vào thanh tra, kiểm tra các dự án ODA. Những kết luận này chúng tôi đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến giải trình và đã được chấp nhận. Tuy nhiên, khuyết điểm của lãnh đạo Bộ và cá nhân Bộ trưởng là chưa kiên quyết xử lý cá nhân sai phạm. Đây là thiếu sót của Bộ trưởng.

 

Cụ thể việc chưa kiên quyết xử lý cá nhân sai phạm là thế nào?

 

Sai phạm ở các dự án khi bị phát hiện, thì lỗi đưa ra lại thường là các nhà thầu, tư vấn… hoặc cán bộ cấp phòng. Đặc biệt là vụ Bùi Tiến Dũng, ở đây có nhiều sai phạm nhưng Bùi Tiến Dũng chưa bao giờ bị xử lý. Đó là thiếu sót.

 

Sẽ xóa nạn “sân sau” và “gia đình trị”

 

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Tiến cho rằng Bộ trưởng và các Thứ trưởng đều sử dụng xe dự án, không thể đổ lỗi cho mình ông Tiến. Ý kiến của Bộ trưởng?

 

Trong các dự án ODA bao giờ cũng có kế hoạch để mua ôtô phục vụ tư vấn và chủ đầu tư. Bản thân Bộ GTVT đối với những dự án nhóm A là chủ đầu tư. Từ những năm 1995 trở lại đây, một số xe mà lãnh đạo Bộ đang sử dụng và các cơ quan Bộ đang dùng với tư cách là chủ đầu tư. Như vậy là không có gì sai về luật.

 

Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng có những biểu hiện rất cụ thể về đạo đức lối sống, chẳng lẽ Bộ trưởng sống gần họ trong một thời gian dài như vậy mà không có nhận xét gì?

 

Với anh Tiến, tôi rất thẳng thắn. Khi họp Ban cán sự Đảng hàng năm tôi đều có ý kiến, những việc mà tôi góp ý anh Tiến đều có tiếp thu và đều điều chỉnh cả. Khi kiểm điểm tôi cũng nhắc đến những điểm mạnh của anh Tiến như tính quyết đoán của anh Tiến chẳng hạn, nhưng cũng có những khuyết điểm như nhiều khi hơi hăng hái, xử lí đôi khi mạnh tay quá.

 

Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng của Bộ GTVT (nơi mà ông Tiến làm Phó ban) từ trước đến nay đã làm việc gì và thu được những kết quả gì?

 

Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng được thành lập và ban này đã hoạt động theo đúng qui định. Nhưng các đồng chí đều biết, đó chỉ là bề nổi thôi còn chiều sâu thì rõ ràng chưa tốt khi để vụ PMU 18 xảy ra. Cái đó tôi thấy là trách nhiệm của chúng tôi.

 

Có hay không việc trong Bộ GTVT diễn ra tình trạng doanh nghiệp không đủ năng lực nhưng vẫn thắng thầu và được tham gia thi công những công trình do Bộ quản lý?

 

Đây là vấn đề xây dựng cơ bản, vì vậy, họ sẽ trả lời rành hơn tôi. Trong thực tế một số nhà thầu phụ tỏ ra có tài chính, đảm đương được công trình. Tuy nhiên, không loại trừ nhà thầu phụ là “sân sau”.

 

Tôi đã có quyết định gửi TGĐ các Ban quản lý dự án yêu cầu báo cáo tình hình gia đình, vợ con, anh chị em… Chúng tôi sẽ không để xảy ra tình trạng có quá đông người của một gia đình ở trong cùng một đơn vị, tránh tình trạng “gia đình trị” như ở PMU18.

 

Tôi cũng đã yêu cầu thống kê các công ty là thầu phụ, các doanh nghiệp được nhận nhiều công trình tại các Ban quản lý dự án để có biện pháp phòng chống, không để tình trạng doanh nghiệp là “sân sau” của các Ban quản lý xảy ra.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Đức Hoà (ghi)