1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

“Các bác nhà ta chủ yếu thích áp dụng hình phạt tù”

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết kết quả tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự cho thấy có hơn 80% các vụ án hình sự là áp dụng hình phạt tù, trong khi người đi tù về mất rất nhiều thứ.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa trả lời tại cuộc họp báo.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa trả lời tại cuộc họp báo.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp diễn ra sáng 16/7, trả lời những thắc mắc xung quanh việc dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất chuyển hình phạt tiền sang hình phạt tù, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính, cho biết kết quả tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự cho thấy có hơn 80% các vụ án hình sự là áp dụng hình phạt tù.

“Người đi tù về mất rất nhiều thứ. Chính vì thế mới đặt lại vấn đề, tại sao Bộ luật Hình sự  quy định nhiều hình phạt thế mà các bác nhà ta lại chủ yếu thích áp dụng hình phạt tù. Kinh nghiệm các nước như ở Đức cho thấy, tôi tuyên anh hình phạt tiền, trong một thời gian nào đó anh không thực hiện thì bị chuyển sang hình phạt tù… Bản thân nghị quyết của chúng ta cũng nói giảm hình phạt tù, tăng các hình thức khác, bởi qua tổng kết thấy rằng hình phạt tù quá hà khắc. Nhưng khi tăng các hình thức khác chúng ta phải có biện pháp để bảo đảm tính khả thi”- bà Thoa nói.

Theo bà Thoa, mặc dù phạt tiền đấy nhưng người liên quan không thi hành được thì cũng chả làm được gì. Tội không thi hành án lại đi theo chiều hướng khác hẳn: Nếu họ không thực hiện hình phạt tiền thì phải chịu thêm một tội khác là tội không thi hành án.

“Quy định như thế này bản chất sẽ nhẹ hơn. Phạt tiền bao giờ cũng đi kèm với cải tạo không giam giữ, nếu không có khả năng nộp tiền thì tòa sẽ tuyên cải tạo không giam giữ. Nhưng nếu ông vẫn không nộp tiền thì phải có quy định để bảo đảm tính răn đe, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”- bà Thoa phân tích.

“Nợ đọng” văn bản do chưa lường hết tình huống

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp cho biết Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7 nhưng các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành đã gây ra bức xúc cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Nguyên nhân việc chậm trễ này là lúc ban hành luật chưa lường hết có những quy định chi tiết phải có sự phối hợp với nhiều bộ ngành xây dựng hướng dẫn.

Theo ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), trong 6 tháng đầu năm 2015, tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đang có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Đến hết tháng 6/2015 có tới 55 văn bản “nợ đọng”, tăng 5 văn bản so với cùng kỳ năm 2014; từ ngày 1/7/2015 có thêm 54 văn bản quy định chi tiết 10 luật mới có hiệu lực nhưng chưa được ban hành.

“Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong các phiên họp đều đôn đốc chỉ đạo các bộ ngành nhưng tình trạng nợ đọng văn bản lại tiếp tục tái diễn”- ông Tuyến cho biết.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Tư pháp cũng cho rằng có trường hợp còn thiếu sự định hướng rõ ràng về chính sách khi xây dựng luật do chưa làm tốt công tác tổng kết thực tiễn nên việc quy định chi tiết là khó, phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau; có nội dung giao quy định chi tiết nhưng chưa có cơ sở thực tiễn cho việc quy định chi tiết. Đội ngũ công chức làm công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật còn ít, thiếu tính chuyên nghiệp.

Trước câu hỏi, một số bộ ngành cho rằng đã chuẩn bị xong các văn bản hướng dẫn trình nhưng Chính phủ chưa cho ý kiến thì trách nhiệm thuộc về ai, ông Trần Tiến Dũng - người phát ngôn kiêm, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp khẳng định, Bộ Tư pháp căn cứ theo cách tính các văn bản đã được ban hành ra hay chưa nên trách nhiệm thuộc về các bộ ngành.

Liên quan đến thông tin 4 nhà đầu tư nước ngoài đang kiện Chính phủ Việt Nam mà Dân trí đã phản ánh, ông Bạch Quốc An - Vụ pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) cho biết hiện nay mới trong giai đoạn ban đầu giải quyết vụ việc. “Vụ án mới được khởi động nên có những vấn đề mang tính bảo mật chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên trong việc giải quyết, Chính phủ quán triệt nguyên tắc luôn cố gắng tìm cách giải quyết ổn thoải, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư có môi trương đầu tư ổn định, phát triển”- ông An nói.

Thế Kha