Cần luật hóa các biện pháp ứng phó khi xã hội trong tình trạng khẩn cấp

Thế Kha

(Dân trí) - "Thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thời gian qua đã cho thấy cần phải có các biện pháp, hoạt động khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp".

Trình bày tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự tại hội trường Quốc hội chiều 26/10, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các biện pháp ứng phó theo cấp độ phòng thủ dân sự dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.

Cần luật hóa các biện pháp ứng phó khi xã hội trong tình trạng khẩn cấp - 1

Đại tướng Phan Văn Giang- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (Ảnh: Quốc Chính).

"Thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thời gian qua đã cho thấy cần phải có các biện pháp, hoạt động khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp. Các biện pháp này cần được luật hóa để có cơ sở pháp lý và được thực hiện thống nhất, đồng bộ. Tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới cho thấy, các nước đều rất coi trọng công tác phòng thủ dân sự và đã ban hành thành đạo luật riêng như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore…"- Bộ trưởng Phan Văn Giang cho hay.

Dự thảo luật quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự. Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn. Việc hợp nhất này cũng được thực hiện tương ứng với cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự ở cấp Bộ, ngành Trung ương và các cấp địa phương.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh. Nguồn tài chính của Quỹ Phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, môi trường bảo đảm quỹ phòng thủ dân sự hoạt động không chồng chéo, linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với quy định pháp luật.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày nhấn mạnh, việc quy định tiêu chí để đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố phù hợp là rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và quy định cụ thể hơn, trong đó phải làm rõ hơn tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm (gây thiệt hại) và tính chất của đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố.

Về cấp độ phòng thủ dân sự, có ý kiến cho rằng việc phân loại cấp độ phải bám sát và phù hợp với các cấp độ về rủi ro của sự cố đã được các luật khác quy định, từ đó kích hoạt cơ chế phòng thủ dân sự phù hợp. Một số ý kiến cho rằng việc phân loại các cấp độ phòng thủ dân sự mới chỉ dựa vào đánh giá thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn, địa giới hành chính là chưa phù hợp, chưa phản ánh tính chất của thảm họa, sự cố.

Cần luật hóa các biện pháp ứng phó khi xã hội trong tình trạng khẩn cấp - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới (Ảnh: Quốc Chính).

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự gồm 4 cấp độ là nội dung quan trọng, nhằm phân biệt với các dạng cấp độ thảm họa, sự cố tại các luật chuyên ngành. Cơ quan soạn thảo cần rà soát, làm rõ cơ sở lý luận, pháp luật, thực tiễn và khoa học, quy định cả phạm vi xảy ra thảm họa, sự cố và hậu quả thiệt hại do các tình huống này gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự cho phù hợp, khi cần thiết sẽ vận hành, kích hoạt được ngay các biện pháp tương ứng, khả thi.

Đáng chú ý, ông Lê Tấn Tới phản ánh, một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi và hợp lý của việc hình thành Quỹ Phòng thủ dân sự.

"Liên quan đến hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố hiện đã có Quỹ Phòng, chống thiên tai, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Phòng, chống dịch,…. Mỗi loại quỹ đều có tính chất, cách thức sử dụng, nguồn hình thành, đối tượng chi khác nhau"- ông Tới nêu.

Có ý kiến cho rằng, để bảo đảm chủ động, kịp thời trong hoạt động phòng thủ dân sự, đề nghị quy định việc đóng góp Quỹ Phòng thủ dân sự là bắt buộc như Quỹ Phòng, chống thiên tai. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu có cơ chế khuyến khích đóng góp cho nguồn quỹ này…

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí cần quy định thống nhất về việc quản lý, sử dụng các loại quỹ hiện có để phát huy hiệu quả, tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố.

Tuy nhiên, cần đánh giá rõ hơn về hiệu quả hoạt động của các loại quỹ này trong thời gian vừa qua để thiết kế mô hình quản lý Quỹ Phòng thủ dân sự cho phù hợp, theo hướng chỉ quy định nguyên tắc chung về việc thành lập, sử dụng quỹ và giao Chính phủ quy định việc thành lập, cơ chế quản lý, sử dụng quỹ này để bảo đảm công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống.