1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thi công cầm chừng chờ… bãi đổ thải tạm

Thúy Diễm

(Dân trí) - Nhiều nhà thầu đang phải dừng thi công nền đường tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua tỉnh Đắk Lắk do đang chờ được tỉnh này chấp thuận 28 bãi đổ thải tạm.

Vướng mắc bãi thải tạm, nhà thầu than gặp khó

Từ nhiều tuần nay, một số nhà thầu thi công dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) giai đoạn 1 đang gặp vướng mắc khi chưa được tỉnh Đắk Lắk chấp thuận vị trí bãi thải tạm.

Một số đơn vị phải tạm ngưng thi công nền đường, chuyển sang thi công các hạng mục khác như: cầu, cống, mương…

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thi công cầm chừng chờ… bãi đổ thải tạm - 1

Nhà thầu thi công cầm chừng tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột do chưa được chấp thuận bãi thải tạm (Ảnh: Thúy Diễm).

Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại khu vực thi công điểm cuối của cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đoạn qua địa bàn huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), một số nhà thầu đang thi công cầm chừng.

Đại diện của một nhà thầu chính tại dự án thành phần 3 cho biết, hiện tại, chưa được chấp thuận các bãi thải tạm nên khi bóc phong hóa lớp đất mặt, phía đơn vị phải đổ tạm ở các khu vực trong ranh của dự án, chờ đến khi được tỉnh chấp thuận các vị trí đổ thải tạm, lại cho xe múc đất này di chuyển về bãi.

"Việc chưa có bãi tạm khiến tăng chi phí khi phải múc - đổ đất nhiều lần, chúng tôi thi công cầm chừng phần nền đường nên rất khó khăn. Khối lượng đất dư thừa, không sử dụng của dự án là rất lớn nhưng nay không ai dám đổ vào các vị trí chưa được cho phép", đại diện công ty này cho hay.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thi công cầm chừng chờ… bãi đổ thải tạm - 2

Đơn vị thi công chỉ dám đổ đất tại khu vực nằm trong ranh dự án và chờ khi vị trí bãi thải tạm được đồng ý sẽ di dời số đất này (Ảnh: Thúy Diễm).

Còn theo đại diện một nhà thầu phụ thi công dự án thành phần 3, hiện chưa được chấp thuận các bãi thải tạm, việc thi công đang được triển khai ồ ạt nay chững lại.

"Chúng tôi rất mong sớm được chấp thuận bãi thải nhất là trước thời điểm vào mùa mưa này. Công ty tôi không dám múc đất đem đi đổ vì không đúng vị trí sẽ không thanh toán được và việc đổ không đúng lại phải hốt đi rất tốn kém", vị đại diện nhà thầu lo lắng.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thi công cầm chừng chờ… bãi đổ thải tạm - 3

Nhà thầu phải tạm ngừng thi công nền đường chuyển sang thi công các hạng mục cầu, cống của dự án (Ảnh: Thúy Diễm).

Vừa qua, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn (Ban QLDA) tỉnh Đắk Lắk là chủ đầu tư của Dự án thành phần 3 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đã có văn bản gửi UBND tỉnh này đề nghị bổ sung gấp các vị trí bãi đổ vật liệu không thích hợp.

Theo Ban QLDA, ngoài số lượng bãi thải chính đã được UBND tỉnh chấp thuận, đến nay quá trình thi công cần thiết phải bổ sung thêm 28 bãi đổ vật liệu không thích hợp (bãi thải tạm).

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thi công cầm chừng chờ… bãi đổ thải tạm - 4

Chủ đầu tư có văn bản đề nghị tỉnh Đắk Lắk sớm chấp thuận 28 vị trí bãi đổ thải tạm để kịp tiến độ trước mùa mưa (Ảnh: Thúy Diễm).

"Các nhà thầu đang tạm dừng thi công nền đường, chờ UBND tỉnh chấp thuận 28 vị trí bãi thải tạm, những bãi này đã có thỏa thuận với các chủ sử dụng đất. Hiện mùa mưa đến gần nếu không có vị trí bãi đổ vật liệu không thích hợp sẽ không đảm bảo tiến độ đề ra", vị lãnh đạo Ban QLDA cho hay.

Do đó, phía Ban QLDA đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận các bãi thải tạm này để nhà thầu, chủ sử dụng, địa phương và các đơn vị liên quan có cơ sở quản lý, triển khai thực hiện.

Tỉnh quán triệt trong quản lý bãi thải tạm

Trước kiến nghị của chủ đầu tư, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu về các vị trí đổ thải tạm.

Trong văn bản trả lời, Sở TN&MT Đắk Lắk cho rằng, theo thông báo số 167 ngày 22/11/2022 của Bộ TN&MT, để thực hiện xây dựng cao tốc cần sử dụng mặt bằng tạm thời (làm bãi đổ thải), đơn vị thi công thỏa thuận thuê, mượn đất của người sử dụng đất, đồng thời hoàn trả, bàn giao đất, bãi thải tạm thời sau khi kết thúc dự án.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thi công cầm chừng chờ… bãi đổ thải tạm - 5

Căn cứ vào thỏa thuận dân sự giữa nhà thầu với người sử dụng đất và phải thông qua chính quyền địa phương để quản lý bãi thải tạm (Ảnh: Thúy Diễm).

Cũng theo Sở TN&MT, căn cứ hướng dẫn trong công văn 2892 ngày 19/3/2024 của Bộ Giao thông vận tải về các bãi thải tạm, trong đó, chủ đầu tư, nhà thầu chủ động làm việc với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý lâm nghiệp, các hộ dân để thống nhất phương án đổ vật liệu không thích hợp, giảm thiểu tác động đến quy hoạch sử dụng đất, môi trường.

Phía Sở TN&MT Đắk Lắk cho rằng, đơn vị không có cơ sở tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chấp thuận các bãi thải tạm thời theo quy định như đề nghị của Ban QLDA. Sở này đề nghị Ban QLDA căn cứ vào các văn bản của Bộ TN&MT, Bộ Giao thông vận tải để rà soát, đề xuất các khu đất làm các bãi thải tạm thời.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp về vị trí các bãi đổ thải và bãi đổ thải tạm của dự án trọng điểm cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

"Đối với vị trí bãi thải tạm phải có sự thỏa thuận của chủ đầu tư với chủ sử dụng đất, sau đó, Ban QLDA và nhà thầu làm việc với chính quyền địa phương rồi báo cáo UBND tỉnh chứ không có gì phức tạp, khó khăn", ông Cảnh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ, phía Sở TN&MT có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu trong việc xác định điểm đổ thải tạm trữ lượng bao nhiêu, loại đất gì, trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý sử dụng vì đây tài sản của nhà nước, không được tự ý mua bán.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km với tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, chia làm 3 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 với chiều dài khoảng 32km trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 2 với chiều dài khoảng 37,5km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 3 với chiều dài hơn 48km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.