1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Lào Cai:

Con cần giấy khai sinh, cha mẹ mới tá hỏa... đăng ký kết hôn

(Dân trí) - Khi đưa con đi nhập học lớp 1, nhà trường yêu cầu giấy khai sinh, cha mẹ mới tá hỏa đi đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh cho con. Đó là một trong nhiều câu chuyện buồn về vấn nạn tảo hôn ở Lào Cai.

Ông Lý Văn Tim, cán bộ tư pháp xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, Lào Cai cho biết, xã đã có quy định, với những trường hợp tảo hôn, khai sinh quá hạn sẽ bị phạt tiền. Tuy nhiên, có rất nhiều cặp tự động về ở với nhau khi chưa đủ tuổi, lập gia đình, sinh con. Đợi đến khi nào đủ tuổi, con đã lớn họ mới đi đăng ký kết hôn, đồng thời khai sinh cho con để... không phạm luật. Nhiều trường hợp “vô tư” đến mức, khi đưa con đi nhập học lớp 1, nhà trường yêu cầu giấy khai sinh, cha mẹ mới tá hỏa đi đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh cho con.

 

Câu chuyện ở xã vùng sâu, vùng xa Nậm Xé, huyện Văn Bàn cũng là câu chuyện khá phổ biến ở một số địa phương vùng cao Lào Cai. Theo điều tra xã hội học từ năm 2006 - 2010 Lào Cai có gần 1.000 cặp tảo hôn.

 

Một vấn nạn đáng lo ngại khác là tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Một khảo sát nhỏ tại 44 xã thuộc 9 huyện, thành phố Lào Cai gần đây cho thấy: Có hơn 200 cặp hôn nhân cận huyết thống, chủ yếu ở đời thứ 3. Đối với các trường hợp này, con họ sinh ra chiếm tới 10% phát triển không bình thường, mắc các bệnh: bạch tạng, thiểu năng trí tuệ, liệt, câm, mù lòa... và tỷ lệ chết sơ sinh cũng cao.

 

Căn bệnh cố hữu Từ bao đời nay, đồng bào Mông Xanh xã Nậm Xé (Văn Bàn) vẫn có quan niệm rằng, khi con cái trưởng thành, việc dựng vợ gả chồng cho con phải kết hôn với anh em cùng dòng tộc thì mới biết thương nhau và bảo ban nhau làm ăn, “cái ruộng cái nương của mình không phải chia cho người ngoài dòng tộc”. Lối suy nghĩ ấy cứ nối tiếp nhiều đời…

 

Người Mông Xanh ở Nậm Xé có hơn 30 hộ sinh sống. Với quan niệm lạc hậu như kể trên, tình trạng hôn nhân cận huyết ở đây diễn ra rất phổ biến. Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình huyện Văn Bàn đã có nhiều cố gắng tuyên truyền, thậm chí dùng người trong bản, cùng dân tộc để làm tuyên truyền viên. Anh Lý Văn Tim đã trực tiếp đến từng gia đình tuyên truyền, vận động, kết hợp với việc phân tích để bà con thấy được hậu quả của hôn nhân cận huyết thống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nòi giống và chất lượng dân số. Đồng thời, phân tích để bà con nhận thức được việc làm của họ là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc tuyên truyền của anh Tim không gặp phải sự phản đối của bà con, nhưng thực tế họ vẫn làm theo “truyền thống”, giống như “đường mòn trong bản đi mãi đã thành quen”!

 

Nguyên nhân của kết hôn cận huyết thống tại xã Nậm Xé trước hết xuất phát từ trình độ dân trí thấp, nhận thức về các vấn đề xã hội còn nhiều hạn chế, chưa hiểu rõ được tác hại của việc kết hôn cận huyết thống. Mặt khác, cũng do Nậm Xé là địa bàn vùng cao, vùng xa giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển, các dịch vụ văn hóa - xã hội còn hạn chế. Người dân vừa ít có điều kiện tiếp cận thông tin, vừa ít có điều kiện giao lưu rộng rãi.

 

Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn đánh giá rằng, trước đây cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của xã chưa thật sự quan tâm, xác định rõ trách nhiệm, nên việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình chưa được chú trọng đúng mức.

 

Lục Văn Toán

TTXVN