PhotoStory

Hầm đi bộ hàng tỷ đồng đóng cửa, thưa thớt người sử dụng ở Hà Nội

Thực hiện: Thành Đông

(Dân trí) - Hệ thống hầm đi bộ ở Hà Nội được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng chưa phát huy hiệu quả, người dân sử dụng thưa thớt, một số hầm "cửa đóng then cài".

Hầm đi bộ hàng tỷ đồng đóng cửa, thưa thớt người sử dụng ở Hà Nội - 1

Nhiều năm nay, Hà Nội đã đưa vào sử dụng hàng chục hầm đi bộ, chi phí xây dựng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết các hầm đi bộ rất vắng vẻ, ít người qua lại, thậm chí bị bỏ không, gây lãng phí.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa dài hơn 12km đi qua 5 xã thuộc địa bàn huyện Đông Anh, hai tuyến đường này được bố trí 10 hầm đi bộ, hiện nay 6 hầm trong tình trạng đóng cửa. 4 hầm còn lại gần như không có người sử dụng.

Hầm đi bộ hàng tỷ đồng đóng cửa, thưa thớt người sử dụng ở Hà Nội - 2
Hầm đi bộ hàng tỷ đồng đóng cửa, thưa thớt người sử dụng ở Hà Nội - 3

Cỏ dại mọc kín trước cửa hầm, vỉa hè xung quanh bừa bãi rác thải, kính bảo vệ nứt vỡ... gây mất mỹ quan đô thị.

Hầm đi bộ hàng tỷ đồng đóng cửa, thưa thớt người sử dụng ở Hà Nội - 4

Thành phố Hà Nội xây dựng hơn 20 hầm bộ hành đưa vào hoạt động giai đoạn 2007- 2008. Trong đó, 2 hầm đi bộ ở nội thành là Ngã Tư Sở và nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt, đường Vành đai 3 có 17 hầm đi bộ, nút giao đường 32 với đường 70 có 4 hầm đi bộ.

Hầm đi bộ hàng tỷ đồng đóng cửa, thưa thớt người sử dụng ở Hà Nội - 5

Nằm bên dưới nút giao Ngã Tư Sở, hầm bộ hành dài 462m theo vòng tròn với 12 cửa đặt tại 4 góc đường Tây Sơn - Láng, Láng - Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi - Trường Chinh, Trường Chinh - Tây Sơn, hầm bố trí nhiều bảng chỉ dẫn được đặt song song hai hướng đường đi và ở mỗi cửa lên xuống và hệ thống đèn điện chiếu sáng 24/24.

Hầm đi bộ hàng tỷ đồng đóng cửa, thưa thớt người sử dụng ở Hà Nội - 6

Trong hầm chia làm 2 làn đường dành cho người đi bộ và xe đạp, xe lăn, mỗi cửa đều có 3 lối lên xuống, song hầm vẫn rất ít người sử dụng. Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí vào khung giờ cao điểm sáng chiều, lượng người đi bộ dưới hầm bộ hành thưa thớt, người dân chủ yếu xuống tập thể dục.

Hầm đi bộ hàng tỷ đồng đóng cửa, thưa thớt người sử dụng ở Hà Nội - 7

Chị Tố Hà (quận Thanh Xuân) thường xuyên sử dụng hầm để di chuyển từ đường Trường Chinh sang đường Láng nói: "Đi dưới hầm mất thời gian hơn băng thẳng qua đường, nhưng đi lại dưới hầm an toàn và thoáng mát. Bậc cầu thang trong hầm dài, phải bước chân rộng hơn nên dễ gây hụt chân té ngã".

Hầm đi bộ hàng tỷ đồng đóng cửa, thưa thớt người sử dụng ở Hà Nội - 8

Những nguyên nhân chính dẫn tới việc ít người sử dụng hầm đi bộ là khu vực hầm không có bảo vệ trông coi, các biển chỉ dẫn qua hầm thưa thớt.

Hầm đi bộ hàng tỷ đồng đóng cửa, thưa thớt người sử dụng ở Hà Nội - 9

Hầm đi bộ trên đường Phạm Hùng cũng ít người sử dụng, khoảng 5-10 phút mới có người qua lại.

Hầm đi bộ hàng tỷ đồng đóng cửa, thưa thớt người sử dụng ở Hà Nội - 10

Mặc dù có hầm đi bộ nhưng nhiều người không sử dụng, họ chấp nhận băng qua đường dù tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do lượng xe cộ qua lại đông đúc.

Hầm đi bộ hàng tỷ đồng đóng cửa, thưa thớt người sử dụng ở Hà Nội - 11

Tuy nhiên, một số hầm đi bộ khá thông thoáng, sạch sẽ, luôn có công nhân vệ sinh túc trực để lau dọn, các trang thiết bị chiếu sáng, quạt thông gió đầy đủ nhưng cũng thưa vắng người qua lại.