1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Khát vọng sống của cô giáo trẻ có HIV

(Dân trí) - 24 tuổi, cô giáo trẻ Phan Thị Hoà bắt đầu sống đời vợ goá khi người chồng nghiện hút rồi chết vì nhiễm HIV. Rồi Hoà phát hiện bản thân mình cũng bị chồng truyền cho căn bệnh thế kỷ. Vượt qua những chuỗi ngày tuyệt vọng, khốn cùng và bế tắc, Hoà lại nghị lực đứng lên, vững vàng trên bục giảng.

Nỗi bất hạnh của một cô giáo trẻ

 

Sinh năm 1978, trong một gia đình gồm 4 chị em ở thị xã Hà Tĩnh, bố mẹ đều công tác ở ngành địa chất, Phan Thị Hoà là cô gái toàn diện nhất nhà. Hoà học giỏi, hiền hậu và ngày càng xinh đẹp. Tốt nghiệp phổ thông, Hòa thi đậu vào trường CĐ Sư phạm Hà Tĩnh.

 

Ra trường, Hoà xin dạy hợp đồng tại trường PTCS Thạch Hải - một vùng quê miền biển Hà Tĩnh sống nhờ vào khách du lịch. Hai năm công tác, bằng ý chí phấn đấu, Hoà đã đã trở thành một cô giáo trẻ được nhiều người yêu mến. Nhưng cũng chính tại ngôi trường này, cô bắt đầu nếm trải những tháng ngày nghiệt ngã.

 

Giữa hàng chục “vệ tinh” theo đuổi, Hoà đã chọn được ý trung nhân cho mình. Đó là người đàn ông điển trai, rất hiền lành và có cơ ngơi đàng hoàng tại bãi tắm Thạch Hải. Tháng 8/2001, Hoà lên xe hoa về nhà chồng. Hai vợ chồng sống trong ngôi nhà sát mép biển, đây đồng thời là nhà hàng phục vụ khách du lịch do chồng Hoà đảm trách.

 

Cuộc sống đầy đủ, tiện nghi nhưng chồng Hoà ngày càng có nhiều biểu hiện lạ. Và vào một ngày giữa tháng 4 định mệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức xét nghiệm HIV cho toàn bộ cư dân khu vực bãi tắm. Cả hai vợ chồng cô đều có kết quả dương tính với HIV. Lúc này Hòa đã có mang được 2 tháng. Một sự thật đớn đau khác phơi bày, chồng Hoà nghiện hút và HIV là hậu quả những lần tiêm chích cùng bạn bè, rồi chính anh đã truyền cho vợ.

 

Vật vã trong tuyệt vọng

 

Với Hòa, chuỗi ngày tháng tiếp theo là những đêm tối mịt mù. Chuyện vợ chồng cô nhiễm HIV bắt đầu lan ra. Bạn bè, xóm giềng bắt đầu xa lánh. Trường học nơi cô đang giảng dạy cũng bắt đầu đồn thổi câu chuyện “cô giáo Hoà bị si đa”, đồng nghiệp có người thông cảm có người không, khiến việc dạy học của cô trở nên nặng nề. Đau đớn hơn, nhiều phụ huynh học sinh đã có ý kiến: nếu để cô giáo Hoà tiếp tục dạy dỗ, họ sẽ cho con cái chuyển trường.

 

Bụng mang dạ chửa trong khi chồng vật vã cai nghiện rồi tái nghiện, Hòa kể “Anh ấy bị nghiện rất nặng, số tiền dùng chích hút nhiều nên mới sinh ra nợ nần, khi biết mình bị nhiễm HIV, anh ấy đã thật sự tuyệt vọng nhưng khi nghĩ đến tôi và đứa con chưa ra đời anh ấy hứa sẽ cai nghiện để lo cho cuộc đời của hai mẹ con”. Cũng rất may, Hoà có được tình thương, sự chia sẻ lớn từ hai bên gia đình nội ngoại. Một mặt giúp chồng, một mặt Hoà tự rèn luyện thể thao để cái thai trong bụng được khoẻ mạnh.

 

Đó cũng là những ngày vất vả nhất trong cuộc đời Hòa. Rồi Hoà sinh con đầu lòng, một bé trai bụ bẫm và hưởng niềm hạnh phúc trong một hoàn cảnh không giống ai: Đêm, một bên con khóc, một bên chồng quằn quại kêu rên vì đói thuốc.

 

Ngày 16/4/2003, chồng cô qua đời. Hòa suy sụp hẳn. Nhiều đêm nằm ôm con, Hoà đã nghĩ đến cái chết. Đã có lần Hoà ôm con đón xe ra tận cầu Bến Thuỷ để tự vẫn. Nhưng nhìn con say ngủ trong lòng mẹ, lòng cô lại trào dâng nỗi xót xa: “Tại sao lại bắt con chịu tội cùng bố mẹ?” Nghĩ rồi cô lại ôm con quay về.

 

Điều kỳ diệu của cuộc sống

 

Hòa sinh con tại bệnh viện - một ca sinh mà suốt đời cô không quên: tất cả bác sĩ, y tá, phụ sản bỏ chạy tán loạn vì sợ nhiễm HIV. Chỉ còn duy nhất một bác sĩ đã can đảm đứng bên cô suốt mấy giờ sinh.

 

Lần đầu tiên nhìn thấy con, cô rơi nước mắt khi nghĩ con mình cũng có thể mang mầm bệnh AIDS. Nhưng kết quả xét nghiệm của con đã khiến cô như sống lại lần hai: Con Hoà hoàn toàn khoẻ mạnh. Đứa trẻ trở thành nghị lực giúp cô vượt qua khó khăn, vượt qua sự lạnh lẽo của lòng người, sự dày vò của bệnh tật. Hạnh phúc nhất của cô bây giờ là những giây phút được sống bên đứa con trai đang học mẫu giáo. Nhiều lúc nghe con hỏi ông nội những câu hỏi ngây thơ mà cô trào nước mắt: “Tại sao bố ngồi trên bàn thờ lâu thế ông, sao bố không xuống với con?”.

 

Khát vọng đứng lớp

 

Từ khi phát hiện có HIV, việc dạy học của Hoà đã nhiều lần ngừng trệ. Gia đình cô cũng không muốn Hòa tiếp tục dạy học vì sức khoẻ yếu, con còn nhỏ nhưng với Hoà “dạy học là ước mơ từ bé của em, bây giờ ngoài đứa con ra em chỉ nghĩ đến công việc, nó vừa đảm bảo cho cuộc sống của mẹ con em, vừa nguôi ngoai đi nỗi đau”.

 

Và thêm một niềm hạnh phúc lại đến với Hoà, tháng 9/2001, cô chính thức nhận được quyết định công chức sau hai năm dạy hợp đồng. Năm 2003, từ trường PTCS Thạnh Hải, Hoà chuyển vào trường PTCS Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh. Tại ngôi trường mới này, cũng đã nhiều lần Hòa phải đối mặt với sự ghẻ lạnh kỳ thị nhưng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp và niềm đam mê đứng lớp, Hoà đã vượt qua tất cả.

 

Cô xóa ánh mắt kỳ thị của người dân bằng sự tận tình trong công việc, giờ giảng bài của cô Hoà đã được những đứa trẻ nơi quê nghèo đón nhận với niềm say mê. Ngoài giờ học, Hòa còn chăm lo thương yêu học trò như con nhưng vẫn giữ một khoảng cách để phụ huynh cảm thấy con cái họ được “an toàn”.

 

Bây giờ, Phan Thị Hoà đã trở thành một cô giáo được yêu mến tại trường tiểu học Kỳ Nam. Hơn 4 năm đứng trên bục giảng, đồng nghiệp, phụ huynh ở Kỳ Nam chỉ còn biết đến một cô giáo Hòa luôn tận tụy trong công việc, hết lòng vì học sinh. Thầy Lê Ngọc Tuấn - Hiệu trưởng trường tiểu học Kỳ Nam cho biết: “Cô giáo Hòa là tấm gương rất đáng trân trọng về nghị lực, Chúng tôi đã và đang tạo điều kiện tốt nhất để cô ấy yên tâm công tác”.

 

Mỗi ngày, Hoà dậy từ rất sớm, dành một tiếng đồng hồ chạy bộ để rèn luyện sức khoẻ, soạn giáo án rồi lên lớp. Niềm vui công việc đã giúp cô đẩy lùi bệnh tật, cô đã lên cân, tươi tắn trở lại. Hàng tháng, Hòa tham gia vào nhóm đồng đẳng huyện Kỳ Anh, cô là tuyên truyền viên tích cực và là địa chỉ chia sẻ, tư vấn cho nhiều người tại Hà Tĩnh đang có cùng  hoàn cảnh.

 

Thái Sơn - Văn Dũng