1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Kinh hoàng sản phẩm nhựa tái chế

Không ít mặt hàng tiêu dùng như chiếc ly nhựa, bình đựng nước lọc, thìa sữa chua, thậm chí là vỏ lọ thuốc nhỏ mắt… được gia công sơ sài từ nguyên liệu nhựa thải thuộc danh mục chất thải rắn nguy hiểm buộc phải tiêu hủy.

>> Hàng trăm tấn rác thải y tế bị “tẩu tán”

 

>> Chế chất thải bệnh viện thành xô chậu, bát đĩa

 

T có một xưởng làm đồ nhựa tọa lạc ngay trong khu phố trung tâm Hà Nội. Xưởng chỉ là nơi để chào hàng, giới thiệu công nghệ, còn nơi sản xuất hàng hóa thật sự thì đặt ở tận Bắc Ninh để tránh sự nhòm ngó của các cơ quan chức năng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Trong kho của T còn gần trăm bao tải hạt nhựa tái chế được nhập từ nhiều nguồn, trong đó có hàng từ làng Triều Khúc (Thanh Trì). T cũng nhập nhựa phế từ các lò nhỏ lẻ khác thuộc các tỉnh phía Bắc, thậm chí có lúc nhập hàng từ Lào về.

 

Mặt hàng đang được ưa chuộng hiện nay vẫn là ly, bình đựng nước và lọ nhựa. Tuy nhiên, T kể rất “kêu” rằng ký được hợp đồng hàng độc với một doanh nghiệp tiêu thụ hàng trăm nghìn sản phẩm thìa sữa chua.

 

Để sản xuất thìa sữa chua, nguyên liệu của T không cần phải có hạt nhựa xịn, chỉ cần hàng HD loại 2 hoặc PP cao cấp (vỏ bơm tiêm) là được. Mỗi ký “nhựa giống” với giá chỉ 15.000 đồng, T cho chạy máy ra khuôn, ít nhất cũng được gần nghìn cái thìa, mỗi cái giá 50-70 đồng, thu lãi gấp ba, bốn lần.

 

Thìa sữa chua vừa dễ làm, vừa nhanh nên T nhập một lúc hàng tạ nhựa PP của làng Triều Khúc. Biết tỏng là hàng được làm từ nhựa y tế nhưng T cũng làm ngơ vì theo T, “cứ trên 100oC thì vi khuẩn chết hết rồi, lo gì!”. Sản xuất thìa sữa chua, ly, bình còn dễ, đôi khi T còn làm ngay cả bình, lọ y tế cho một vài doanh nghiệp dược.

 

Hàng chế từ nhựa “bẩn”

 

Kể về chuyện làm ăn, T cho biết chỉ cách đây độ nửa năm, T ký được một hợp đồng sản xuất lọ nhựa đựng thuốc tây (loại to hơn lọ thuốc nhỏ mắt) cho một doanh nghiệp dược phẩm. Theo đơn hàng, lọ phải đảm bảo độ mềm, dẻo và trong, nhất là phải được sản xuất từ hạt nhựa “zin”.

 

Hợp đồng là vậy nhưng T nhập thẳng nhựa HD và PP từ làng Triều Khúc rồi pha chế, gia giảm thêm một số phụ gia để sản xuất đơn hàng. Chất lượng lọ nhựa của T cung cấp cho doanh nghiệp dược phẩm này không kém hàng sản xuất ở nước ngoài và nhanh chóng được doanh nghiệp chấp nhận.

 

Bệnh viện bán rác y tế

 

Theo điều tra của Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an, ít nhất cho đến nay đã có Bệnh viện Việt Đức bị bắt quả tang bán rác thải y tế gồm bơm tiêm, chai lọ, dây truyền dịch ra ngoài, gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cho xã hội. Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai và Viện K cũng bị tình nghi bán rác thải y tế cho làng nhựa Triều Khúc.

Đề cập việc liệu mầm bệnh có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không, T cho rằng “chả ăn thua gì” vì dù là tái chế nhưng lò nấu của T có nhiệt độ hàng trăm độ C. Hơn nữa, lọ đựng còn đảm bảo chứ theo T, có xưởng còn lấy nhựa bơm tiêm để tái chế ngay thành... bơm tiêm, đóng mẫu mã giả để bán cho các cửa hàng thuốc. Đó là chưa kể nhiều nơi dùng nhựa “bẩn” (nhựa tái sinh) thổi các chai đựng nước khoáng, nước ngọt bán đầy trong siêu thị, ngoài đường... “Những chỗ đó còn dễ lây bệnh hơn ấy chứ” - T chặc miệng.

 

Cũng làm đồ nhựa như T nhưng xưởng của P tại khu vực sân bay Gia Lâm (Hà Nội). P được dân trong nghề biết tiếng là nhờ “chuyên môn” sản xuất chai đựng nước khoáng, nước ngọt, bình nước lọc cho các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát quanh khu vực Hà Tây, Hà Nội, Hưng Yên...

 

Lúc chúng tôi đến, P đang rầu rĩ lẳng mấy bao hàng chai nhựa dung tích 500ml ra bãi phế liệu nhựa thải ngay bên hông xưởng. P cho biết một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát tại Hà Tây vừa trả lại lô hàng này vì phát hiện trong thành chai nhựa của P có những hạt đen nhỏ li ti. “Gia công cho hàng chục doanh nghiệp nước giải khát suốt mấy năm nay, chưa bao giờ xưởng bị trả lại hàng thế này cả. Chỉ tại hôm rồi tôi đi vắng, thợ ở nhà pha nhiều nhựa tái sinh quá thành ra cả lô hàng bị lỗi” - P giải thích.

 

Xưởng của P khá rộng, chia làm ba khu: khu máy móc, bãi nhựa “bẩn” (nhựa phế thải), khu nhà kho chứa sản phẩm hoàn thiện. Dây chuyền sản xuất khép kín, P nhập nhựa phế liệu đã qua sơ chế, hoặc rác nhựa về rồi trực tiếp sản xuất hàng luôn. P cho biết phần lớn các doanh nghiệp nước giải khát tư nhân quanh khu vực Hà Nội đều thuê gia công chai lọ, bình nhựa. Mỗi tháng P nhận được hàng chục đơn đặt hàng, đơn hàng nào ít cũng phải cỡ chục tấn nhựa, bởi vậy nhiều lúc P phải mò về tận những làng phế liệu lớn của miền Bắc để nhập nguyên liệu về sản xuất.

 

Muôn nẻo đường nhựa “bẩn”

 

P kể rằng tất cả những loại nhựa thải từ bao nilông đựng rác, xilanh nhựa nhặt trong bệnh viện, công viên cho đến vỏ ăcqui chì... đều được giới đồng nát thu mua từ khắp hang cùng ngõ hẻm về bán lại cho các đầu nậu nhựa phế thải. Các đầu nậu này chỉ làm công đoạn tẩy rửa đất cát, loại tạp chất bám vào, sau đó phân chia từng loại nhựa rồi bán cho doanh nghiệp sản xuất nhựa.

 

Theo P, tại miền Bắc hiện có ba trung tâm cung cấp nguyên liệu nhựa “bẩn” lớn nhất cho các doanh nghiệp gia công, đó là làng Triều Khúc (Hà Nội), làng Khoai (Hưng Yên) và làng Phù Lưu (Hải Phòng)... Một nguồn nhựa phế liệu nữa được các doanh nghiệp nhập lậu từ nước ngoài về mà T vẫn hay đánh hàng là nhựa tái sinh từ Lào. Hay như P thỉnh thoảng cũng nhập được một vài container nhựa phế liệu từ nước ngoài về qua cảng Hải Phòng.

 

Mặc dù thừa biết những sản phẩm nhựa do mình sản xuất ra có nguy cơ bệnh tật đối với sức khỏe người tiêu dùng, nhưng những doanh nghiệp như T và P đều... nhắm mắt làm vì lợi nhuận quá lớn. “Không riêng gì những xưởng sản xuất nhựa như chúng tôi, thậm chí cả một số doanh nghiệp nhựa lớn cũng nhập nhựa “bẩn” về độn với nhựa sạch để sản xuất hàng tiêu dùng” - T khẳng định.

 

Theo Minh Quang - Trọng Phú

Tuổi Trẻ