1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Làng không hộ khẩu

Thôn Đa Mi thuộc xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận được thành lập ngày 1/2/1999, với 93 hộ và 300 nhân khẩu. Nhưng lạ thay, đến nay thôn này chỉ duy nhất một hộ có hộ khẩu. Nhiều thanh niên đến tuổi học THPT không thể tiếp tục đến trường...

Bỏ học vì hộ khẩu

 

Chị Đặng Thị Ngọc Niên (dân thôn Đa Mi, đại biểu HĐND xã) buồn rười rượi: “Vì không có hộ khẩu nên trên 30 thanh niên ở đây chưa có CMND. Vì thế, nhiều cháu chỉ học đến lớp 7, 8 là phải bỏ giữa chừng. Con gái tôi sắp tới được vào lớp 10 nhưng không được học tiếp bởi cháu chẳng có giấy tờ hợp pháp. Các cháu không có công ăn việc làm, muốn tìm đến nơi khác làm thuê làm mướn hỗ trợ gia đình nhưng không thể đi được vì chẳng có giấy tờ gì”.

 

Ông Đỗ Tiến Thông (nguyên trưởng thôn Đa Mi, đại biểu HĐND xã) giải thích thêm: “Thôn nằm cách UBND xã La Ngâu hơn 20km đường rừng núi hiểm trở nên sinh hoạt chủ yếu là nhờ vào xã Đa Mi của huyện Hàm Thuận Bắc. Mấy cháu học tiểu học và THCS thì được gửi sang đó, chứ lên THPT thì chịu rồi. Trường xa lắc xa lơ, với lại không giấy tờ đàng hoàng ai mà cho học”.

 

Chính vì không có hộ khẩu mà bà con nơi đây bị mất rất nhiều quyền lợi, cả thôn hiện tại trên 80% là hộ nghèo, có hộ nhà cửa xiêu vẹo nhưng không dám xây sửa cho đàng hoàng vì chẳng biết thân phận mình rồi sẽ ra sao, chính sách 135 cũng không được hưởng, sống mà cứ thấp thỏm lo âu.

 

Hành chính lòng vòng

 

“Tháng 9/2006, Công an phụ trách hộ tịch hộ khẩu đã về phổ biến và đưa giấy tiếp nhận cho bà con về quê cắt hộ khẩu để làm thủ tục nhập khẩu. Thế là dân thôn dù khó khăn cũng phải vay mượn tiền bạc về quê cũ làm thủ tục cắt, chuyển hộ khẩu.

 

Nhưng đến nay chưa thấy chính quyền hồi âm gì. Buồn bã, thất vọng một số hộ muốn tìm về quê gốc xa xưa để mong con cái được học nhưng bị rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, bởi lẽ hộ khẩu cũ cũng bị cắt rồi” - Một người dân tên Nguyễn Bá Trâm cho biết.

Chủ tịch UBND xã La Ngâu - Hà Văn Dinh - cho biết, những hộ chưa có hộ khẩu chủ yếu là dân di cư tự do theo công trình thủy điện Đa Mi trước đây vào tạm trú ở thôn Đa Mi. Việc thôn Đa Mi không có hộ khẩu là do cấp trên chậm triển khai.

 

Vừa qua, UBND xã La Ngâu đã có công văn gửi UBND huyện và công an huyện xin giải quyết hộ khẩu cho các hộ ở thôn Đa Mi nhưng chưa thấy hồi âm.

 

Theo thống kê, đến cuối năm 2006, thôn Đa Mi chỉ còn 87 hộ và 325 nhân khẩu. Công an huyện đã hướng dẫn dân kê khai và làm thủ tục nhập khẩu nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết hộ khẩu thường trú được cho dân với lý do là phải có nhà ở hợp pháp.

 

Trong khi đó, UBND xã La Ngâu không ký vào hồ sơ nhà ở hợp pháp, vì lý do UBND huyện đã có thông báo quy hoạch thôn Đa Mi thành khu du lịch sinh thái.

 

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, nhiều cán bộ thừa nhận chính họ cũng chẳng biết có khu du lịch sinh thái hay không? Có người còn khẳng định nếu không có văn bản, không có ngày quy hoạch cụ thể thì UBND xã phải xác nhận nhà ở hợp pháp cho dân, không thể chần chừ bao nhiều năm như thế.

 

Mong rằng với luật cư trú (mới) sẽ không ai có thể bịa thêm lý do gì để chậm trễ cấp hộ khẩu cho thôn Đa Mi. Dân nghèo phải lam lũ vất vả vì cơm-áo-gạo-tiền, đừng để họ khổ sở thêm chỉ vì kiểu hành chính... hành dân.

 

Theo Đăng Khoa - Tố Sơn

Tiền Phong