1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghề “không gian cũng chẳng thật thà”

(Dân trí) - Khắp hang cùng ngõ hẻm của đất Sài Gòn, đâu đâu người ta cũng nghe tiếng rao của các chị: “Chai, bán không?”. Kể về nghề của mình, có chị bảo xấu hổ lắm, có chị bảo: nghề này không gian cũng không thật thà.

Chỉ cần nép dưới mái hiên

 

Trời Sài Gòn lắm khi bất chợt mưa xối xả. Ai cũng cần một chỗ trú  mưa. Ve chai cũng vậy. Dường đã biết thân biết phận, họ chỉ dám cần một hiên nhà để khép nép. Từ lâu, ve chai đã mang tiếng gian. Chị Trịnh Thị Tâm, 28 tuổi, làm ve chai đã 3 năm kể rằng lần đó, một bác chủ nhà tốt bụng không những mời chị vào nhà chơi mà còn mở đĩa nhạc cho chị xem, xuống bếp lấy khoai cho chị ăn. Chị không hiểu vì sao có người đối xử tốt với chị như vậy. Chị ngại, ra về khi trời vẫn còn mưa. 

 

Chị quê ở Yên Định, Thanh Hóa cùng chồng vào trọ ở phường Bình An, quận 2, TPHCM từ năm 2006. Vào Nam lần này, vừa kiếm tiền trả nợ xây nhà vừa để trị bệnh cho con trai bị bệnh phổi.
 
Nghề “không gian cũng chẳng thật thà” - 1

Chị Tâm và chị Lệ trong một lần mua ve chai ở quận 2

 

Những chị ve chai quê chủ yếu ở vùng Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương. Họ vào nam vì nơi quê, đồng ruộng không nuôi nổi họ, nhất là khi mất mùa vì gió chướng, vì giá phân bón lên cao. “Hai xe công nông mà không được 50 kí lúa”, chị Tâm kể. Có người như chị Lệ (Đông Sơn, Thanh Hóa) một thân một mình vào TPHCM làm ve chai nuôi con ăn học, đứa trai đầu vừa đậu Cao đẳng Hải quan ngoài Hà Nội, đứa gái vừa thi đậu lớp 10.

 

“Con người ta 10 thì con mình phải được 6, 7”, các chị nói. Có người như chị Khuyên, quê ở Nam Định, 49 tuổi đã lên chức bà mà vẫn đi ve chai. Tháng vừa rồi, sinh nhật đứa cháu nội 5 tuổi, chị mua cái xe đạp hết 400 ngàn gửi ra bắc cho cháu. Thu nhập từ nghề, chị còn gửi về Kon Tum nuôi vợ chồng thằng con lớn mới lấy vợ nhưng vợ còn thất nghiệp. 

 

Vào Sài Gòn, những người ve chai sống tập trung lại trong cùng dãy nhà trọ. Tìm đỏ con mắt, họ mới có những căn nhà trọ chỉ dành riêng cho dân ve chai với mức giá phòng hiện nay từ 800 ngàn đến một triệu đồng. Để tiết kiệm, thường hai gia đình sống chung một nhà. Chủ nhà trọ thường không cho ve chai ở vì sợ hôi, xe đạp để choáng mất sân nhà. Chị Tâm ấm ức: “Tụi em chỉ đem về nhà trọ những hàng điện tử chứ những đồ nhựa, giấy tờ thì đem bán liền cho vựa”. Chính vì vậy, đến bất cứ nhà trọ nào, các chị cũng nói thật nghề của mình để người ta biết. Nhưng cũng có chủ nhà trọ thông cảm, có khi không đòi hỏi gắt gao về giấy tờ tùy thân. 

 

Nghề ve chai bị chính những người ở quê cười cợt nhưng dẫu sao thu nhập vẫn khá hơn làm ruộng. Chị Tâm kể lúc đầu người ta hay trêu đứa con trai của chị là mẹ làm nghề “theo trai” - đọc chệch từ chữ ve chai. Rồi người ta bảo ve chai tức là đi móc bao ở cống rãnh Sài Gòn. Kể về nghề của mình, chị Lệ lắc đầu quầy quậy, nhất quyết không chịu chụp hình vì “Xấu hổ lắm”.

 

Cái cân mà biết nói năng

 

Đồ nghề của các chị quan trọng nhất là chiếc cân 20 kí. Lời lãi cũng là ở đó. Có những khi đống sắt nặng trên 50 kí nhưng nằm trên chiếc cân của các chị đều không thể vượt qua con số 20. Bí quyết là dùng phần sau của chiếc dép xốp lót vào trong cân. Khi cân vật nặng, lật ngửa cân ra để chiếc dép chèn vào lò xo. Khi đó, dẫu là vật rất nặng nhưng không bao giờ cây kim có thể chạy nổi qua con số 20. Còn khi cân những vật nhẹ, các chị úp cân xuống cho chiếc dép rời khỏi lò xo. Nhưng vẫn lời vì một kí ở cân ve chai bằng 1,5 đến 3 kí cân thường. Vì các chị dùng một sợi dây đồng quấn lò xo, quấn càng chặt thì lò xo càng ít chạy. Chỉ có như thế mới có lãi.

 

Một kí sắt, nhựa các chị lời 2 ngàn, một kí giấy lời 500 đồng. Làm sao mà đủ sống, khi mỗi ngày chỉ có vài nhà bán ve chai. Vậy nhưng thu nhập hàng ngày  của các chị gần cả trăm ngàn. Thậm chí, theo lời chị Tâm, có người mua bán ve chai gần 10 năm đã mua đất, mua nhà, mua xe cẩu cả trăm triệu như vợ chồng Gán - Tâm, vợ chồng Thọ - Nhàn. 
 
Nghề “không gian cũng chẳng thật thà” - 2
Hành trang mang theo bao giờ cũng có chiếc cân "không bao giờ đúng"

 

Vào chùa, khi cầu mong điều gì, chị Tâm đều nói: “Con làm nghề  ve chai, dẫu gì cũng không phải thật thà…”. Và những ai biết giữ lòng mình đều trở nên khép nép, không dám vào nhà dân. Người mua ve chai, dường như được cho đôi mắt tinh tường, nhìn đâu cũng có thể thấy ve chai. Từ những thùng cac-tông bị ướt mưa phơi trong sân đến chiếc ghế nhựa để ra ngoài đường cho trẻ ngồi. Chỉ cần một chút lòng tham, họ cầm lấy bỏ vào giỏ rồi quày quả đi, ai biết đâu. Nhưng không phải ai cũng thế, “đi đâu cũng có người gian người ngay, bàn tay có ngón dài ngón ngắn”, chị Tâm nói. 

 

Người phụ nữ ve chai này tâm niệm: “Em mê tín, em theo sách vở nhà chùa nói mình sống có nhân có đức thì con mình được hưởng”. Chị kể rằng có lần chồng chị lượm một con dao ai đó bỏ ngoài đường đem về nhà thì chiều hôm đó, anh đụng xe phải mất 200 ngàn đồng. Từ đó về sau, hai vợ chồng bảo nhau nhất quyết không lấy của ai cái gì. 

 

Lúc mới vào nghề ve chai, theo lối chị dâu, hai chị em có lần vào lều của công nhân trong công trình lượm quá trời sắt vụn, có hôm lượm được cả hai tấm tôn. Chị ham lắm “chứ không thiên vị như bây giờ”, chị Tâm nói như vậy. Sau những lần ấy, về quê nói với mẹ, mẹ không cho bảo: “Đi mô thì phải cho thật thà, người ta bắt được đánh cho. Mẹ đẻ con ra, mẹ còn chưa dám đánh con”. Chồng chị thì khuyên: “Nghèo thì đã nghèo rồi. Lấy trộm lỡ bị bắt thì con cái ai nuôi”. Cộng với cái lần thấy một người ve chai trộm sắt trong công trình bị 4 năm tù giam, chị cạch hẳn. 

 

Từ những người nông dân chỉ sớm có nắng mưa sớm chiều, phụ nữ vùng Bắc Trung Bộ vào nam làm ve chai khá nhiều. Ước mong nuôi con, trả nợ, thoát khỏi cảnh nghèo của họ khiến chúng ta trân trọng. Dẫu còn những điều tiếng từ cái nghề mang tiếng là gian, nhưng bước chân của họ vẫn in hằn trên cuộc đời này để mang lại những gì thơm tho nhất cho thế hệ sau.

 

Cái nghèo vẫn bó buộc bàn chân họ trên những guồng xe đạp mải miết quẩn quanh trên những con phố biệt thự giàu sang. Họ vẫn rao: “Chai đây, bán không?”

 

Hoàng Hoa