Tái khẳng định thành tích Việt Nam thuộc top 10 hệ thống giáo dục hàng đầu

(Dân trí) - Báo cáo của Chính phủ trích dẫn, trong báo cáo năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định, Việt Nam nằm trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới, có sự phát triển thực sự ấn tượng…

Tái khẳng định thành tích Việt Nam thuộc top 10 hệ thống giáo dục hàng đầu - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên họp 34 của UB Thường vụ Quốc hội sáng 8/5/2019

Báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 8/5, trước khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sẽ bắt đầu cuối tháng này nêu đánh giá khái quát là kết quả đạt được tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. 2018 khẳng định được vai trò là năm bản lề trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Lĩnh vực văn hoá, xã hội được dành một phần dung lượng trong bản báo cáo, bên cạnh những con số cho thấy toàn bộ 12 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt, 3 chỉ tiêu đạt.

Cụ thể, Chính phủ nhận định, năm 2018 đã phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ đối với các đối tượng chính sách, bảo đảm theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo còn dưới 35% (giảm khoảng 5%), vượt mục tiêu Quốc hội giao. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Về lĩnh vực giáo dục, thành tích được báo cáo là thực hiện hiệu quả các biện pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tăng cường tự chủ giáo dục đại học, huy động các nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở giáo dục. Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Báo cáo của Chính phủ trích dẫn, trong báo cáo năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục Việt Nam, Trung Quốc.

Thông tin về thành tích này đã nhận nhiều ý kiến nghi vấn, tranh luận trái chiều tại phiên họp của UB Kinh tế để thẩm tra sơ bộ nội dung báo cáo của Chính phủ cuối tháng 4 vừa qua.

Cụ thể, tại cuộc họp này, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, khu vực Đông Á – Thái Bình Dương chỉ có 10 nước, nếu đứng thứ 10 khu vực này thì có đáng đưa vào báo cáo không? Có đại biểu Quốc hội còn nhận xét, giáo dục Việt Nam liên tục đổi nhưng không mới, vẫn bị bệnh thành tích và dối trá nhưng không dám đối diện.

Ở mặt hạn chế, báo cáo của Chính phủ cũng có một dòng đề cập đến vấn đề của ngành giáo dục. Đó là việc xảy ra sai phạm trong tổ chức thi trung học phổ thông ở một số địa phương, vấn đề sách giáo khoa phổ thông gây bức xúc dư luận.

2019 tiếp tục đối mặt thách thức nội tại không nhỏ

Tái khẳng định thành tích Việt Nam thuộc top 10 hệ thống giáo dục hàng đầu - 2

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ trước UB Thường vụ Quốc hội 

Về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 4 tháng đầu năm 2019, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng KH-ĐT báo cáo, xu thế tích cực từ cuối năm 2018 vẫn được tiếp tục. Tốc độ tăng GDP đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới . Tốc độ tăng GDP quý I năm 2019 ước đạt 6,79%, tuy vẫn là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận và cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017  nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại.

Chính phủ nêu dự báo trong những tháng còn lại, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế. Các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng còn rất hạn chế. Công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là nòng cốt tăng trưởng của nền kinh tế nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại; ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế.

Thị trường lao động đối mặt nhiều thách thức về nguy cơ dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tuy đã có bước chuyển mạnh mẽ, nhưng còn gặp rất nhiều thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Xu hướng đô thị hóa với sự di cư của người dân ra thành phố đang tạo nên sức ép về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam.

P.Thảo