1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Tiếp tục xây khách sạn ở đồi Vọng Cảnh

Mặc dù việc xây dựng khu khách sạn du lịch trên đồi Vọng Cảnh (Thừa Thiên-Huế) được bình chọn là 1 trong 5 vấn đề, vụ việc bê bối nhất trong năm, nhưng nhà đầu tư vẫn đang khoan thăm dò địa chất, tiếp tục dự án.

Sau hơn 6 tháng tranh luận rầm rộ trên khoảng 50 tờ báo, ngày 25/4/2005, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với tỉnh Thừa Thiên-Huế (TTH) và các Bộ có liên quan.

Theo đó, dự án phải di chuyển đến một địa điểm khác và phải tuân thủ các nguyên tắc: Phải tuân thủ đúng quy định về đầu tư Xây dựng. Kiến trúc công trình cả về quy mô và chiều cao phải hợp lý, không được che khuất tầm nhìn đồi Vọng Cảnh đến sông Hương. Không được làm ô nhiễm nguồn nước. Không được phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái. Góp phần tôn vẻ đẹp của đồi Vọng Cảnh, của sông Hương, của thành phố Huế…

Có nghĩa là lãnh đạo tỉnh TTH và nhà đầu tư  vẫn còn hy vọng, và họ vẫn  được bám vào khu vực đồi Vọng Cảnh để tìm kiếm địa điểm mới. Thay cho phương án cũ đã bị đình chỉ ở sườn đồi phía tây, nhà đầu tư đã chọn 3 phương án mới, trong đó phương án “đắc địa” nhất là ở sườn đồi phía tây nam đồi Vọng Cảnh.

Phương án này ngay lập tức được Bộ Xây dựng sốt sắng ủng hộ, mặc cho khu vực này chưa có quy hoạch chi tiết (?). Ngày 8/7/2005, ông Nguyễn Tấn Vạn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đã ký công văn số 1359 đề nghị UBND tỉnh TTH chỉ đạo Sở Xây dựng xem xét cụ thể các phương án vị trí dự kiến, trong đó tập trung vào phương án 3. Hiện các nhà đầu tư đang tiến hành khoan thăm dò địa chất.

Cơ sở để công ty liên doanh Vọng Cảnh được tiến hành khoan thăm dò địa chất là công văn số 254, ngày 25/1/2006 của UBND tỉnh TT-H. Nội dung công văn này cho biết: Khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận đã được UBND tỉnh TT-H phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết  với quy mô nghiên cứu khoảng 150 ha.

UBND tỉnh cho phép chủ đầu tư khoan thăm dò tại khu vực đầu tư xây dựng khu du lịch với quy mô diện tích đất 4,10 ha đã được Bộ Xây dựng và Viện Qui hoạch đô thị và nông thôn thống nhất địa điểm.

Có nghĩa là, cũng như lần trước, lần này nhà đầu tư lại đi theo quy trình ngược. Họ đã đưa ra phương án thiết kế và vị trí xây dựng công trình khi chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết.

Mãi đến ngày 18/1/2006 UBND tỉnh TT-H mới ra quyết định số 228 phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết, thế mà từ tháng 7/2005 ông Nguyễn Tấn Vạn đã đồng ý và gợi ý lựa chọn vị trí xây dựng khách sạn mà chủ đầu tư chủ động đưa ra?

Theo chúng tôi được biết thì đến thời điểm này việc nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực đồi Vọng Cảnh vẫn chưa được một cơ quan chức năng nào đứng ra thực hiện, càng chưa thể nói đến kết quả nghiệm thu sẽ như thế nào.

Theo nhận thức của chúng tôi thì việc quy hoạch chi tiết khu vực đồi Vọng Cảnh có liên quan nhiều đến vị trí chức năng, nhiệm vụ của khu vực này, như UBND tỉnh TT-H  đã phê duyệt vào năm 1999 là: “Khu cây xanh rừng phòng hộ”; “Tại đây thực hiện các dự án trồng cây, giải toả mồ mả để xây dựng phong cảnh đẹp, bảo vệ tiền án của các lăng”.

Quá trình quy hoạch chi tiết khu vực đồi Vọng Cảnh thì dự án xây dựng khu khách sạn chỉ là vấn đề phụ, một hạng mục nhỏ mới phát sinh và được lồng ghép vào trong nhiệm vụ quy hoạch.

Thế nhưng, với người Huế thì hầu như ai cũng hiểu ra rằng, vì dự án xây dựng khách sạn bị trục trặc nên mới có chuyện quy hoạch lại khu vực đồi Vọng Cảnh.

Bởi vì, với sự nhiệt tình của Bộ Xây dựng và những động thái nói trên đã cho thấy tỉnh TT-H vẫn tỏ rõ quyết tâm xây dựng khu khách sạn du lịch trên đồi Vọng Cảnh, bất chấp những nguyên tắc mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tuân thủ như: Bảo vệ nguồn nước; bảo vệ môi trường, sinh thái, cảnh quan thiên nhiên…

Và đặc biệt là họ đã bất chấp Luật Di sản. Bởi vì, so với vị trí cũ thì vị trí mới càng gần các lăng Hiếu Đông và 2 công trình kiến trúc đã được ghi tên vào danh mục di sản thế giới từ năm 1993 là lăng Thiệu Trị và điện Huệ Nam (điện Hòn Chén).

Theo Thanh Tùng
Tiền Phong