"Trong thời bình, máu của chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vẫn đổ"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Ngay trong thời bình, máu của các chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vẫn đổ cho sự bình yên của cuộc sống; chỉ tính riêng trong thời kỳ đổi mới đến nay, đã có gần 200 cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh...

Tối 17/7, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; trao tặng Danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" và các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho các tập thể, cá nhân thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND). Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại buổi lễ.

Trong thời bình, máu của chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vẫn đổ - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cùng các vị lãnh đạo dự lễ kỷ niệm. (Ảnh: Chiến Thắng).

Là "điểm sáng" góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng 

Trình bày diễn văn kỷ niệm, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, đã ôn lại quá trình ra đời, phát triển và trưởng thành của lực lượng CSND qua các thời kỳ. Đặc biệt, ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34 công bố các Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan của CSND. Đây là mốc son lịch sử của lực lượng CSND, và cũng từ đó, ngày 20/7 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của toàn lực lượng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, lực lượng CSND đã làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương chiến lược, chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chủ động đổi mới, sáng tạo, quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh, phục vụ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trung bình mỗi năm gần đây, lực lượng CSND điều tra, khám phá 50.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội; 20.000 vụ phạm tội về ma túy; 34.000 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, sử dụng công nghệ cao. Tỷ lệ điều tra khám phá các loại án hình sự đạt trên 75%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%. Đặc biệt, đã chủ động phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, được Tổng Bí thư đánh giá là "điểm sáng", góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn vừa qua.

Cùng với việc làm tốt công tác phòng, chống tội phạm, lực lượng CSND đã tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt đã thần tốc hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và triển khai chiến dịch cấp hơn 65 triệu căn cước gắn chip điện tử cho công dân; đồng thời, phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; góp phần chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản trị đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong thời bình, máu của chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vẫn đổ - 2

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND trình bày diễn văn kỷ niệm. (Ảnh: Chiến Thắng).

Đặc biệt, trong hai năm gần đây, cùng với toàn lực lượng Công an nhân  dân (CAND), lực lượng CSND đã tăng cường hàng trăm nghìn cán bộ chiến sĩ (CBCS) trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", cùng toàn lực lượng CAND tạo nên "Lá chắn thép phòng, chống dịch Covid-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội".

Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, lực lượng CSND vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; 3 đơn vị và 1 cá nhân được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; đón nhận Thư Chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Những phần thưởng cao quý này là sự ghi nhận xứng đáng với những cống hiến, đóng góp to lớn của lực lượng CSND trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; là sự cổ vũ, động viên to lớn để các thế hệ CBCS CSND tiếp bước trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc bày tỏ.

Ngay trong thời bình, máu của các chiến sĩ CSND vẫn đổ cho sự bình yên của cuộc sống, chỉ tính riêng trong thời kỳ đổi mới đến nay, đã có gần 200 CBCS anh dũng hy sinh và hơn 1.000 CBCS bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Cùng với những hy sinh xương máu còn có vô vàn những cống hiến, hy sinh thầm lặng, không thể đong đếm được về thời gian, công sức, hạnh phúc riêng tư của lớp lớp CBCS CSND trên khắp mọi miền của Tổ quốc, để thực hiện lẽ sống cao cả "thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của Nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình".

Trong thời bình, máu của chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vẫn đổ - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân. (Ảnh: Phạm Kiên).

Lực lượng cảnh sát nhân dân xứng đáng là đội quân anh hùng

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, chúc mừng lực lượng CSND được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống; đồng thời khẳng định trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, CSND Việt Nam đã luôn thể hiện sâu sắc, sinh động lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc và Nhân dân, với chế độ XHCN. Thấm nhuần sâu sắc và làm theo "6 điều Bác Hồ dạy CAND", CSND luôn dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, "vì nước, vì dân, quên thân phục vụ", "thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của Nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình".

Trong thời bình, máu của chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vẫn đổ - 4

Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Phạm Kiên).

Thủ tướng nhấn mạnh, trên chặng đường gian nan và vẻ vang đó, có hàng nghìn CBCS CSND anh dũng hy sinh hoặc bị thương, mất một phần xương máu. Ngay cả khi đất nước hòa bình, để bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, máu đào của CBCS CSND vẫn đang đổ xuống.

"Lẽ sống và nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh, cống hiến của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CSND đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, thắp sáng niềm tin chiến thắng, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của CAND Việt Nam anh hùng", Thủ tướng xúc động nói và biểu dương: "Với tất cả niềm tự hào, chúng ta có thể khẳng định, lực lượng CSND Việt Nam thực sự xứng đáng là đội quân anh hùng của Nhân dân Việt Nam anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng".

Ghi nhận những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc, nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho lực lượng Cảnh sát nhân dân vì đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho Cục Cảnh sát Hình sự, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội. Đồng thời truy tặng Danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho Liệt sĩ Thao Văn Súa, nguyên Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng CAND, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư;

Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho 10 tập thể thuộc Bộ Công an gồm: Công an tỉnh Sơn La, Công an tỉnh Tuyên Quang, Công an tỉnh Thái Nguyên, Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an tỉnh Nam Định, Công an tỉnh Thái Bình, Công an tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an tỉnh Bạc Liêu.